Indonesia cân nhắc mua máy bay chiến đấu Rafale

Theo trang tin quân sự Defense News, tân Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabovo Subianto cho biết, nước này muốn mua hàng loạt trang bị quân sự hiện đại từ Pháp để củng cố sức mạnh quốc phòng. Tờ báo Pháp La Tribune đăng tải, Jakarta hiện cân nhắc mua tới 48 máy bay chiến đấu Dassault Rafale, 4 tàu ngầm Scorpene trang bị tên lửa diệt hạm Exocet SM39 và 2 tàu hộ tống lớp Gowind.

Indonesia lựa chọn máy bay chiến đấu Rafale nhiều khả năng là để đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, cũng như giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Năm 2015, Jakarta đã có thỏa thuận mua 11 máy bay chiến đấu Su-35 với Nga để thay thế các đơn vị F-5E Tiger II cũ. Tuy nhiên, trước sức ép từ Mỹ, Indonesia đã phải hủy bỏ thỏa thuận này và tới cuối năm 2019, Washington đã có được hợp đồng cung cấp 2 không đoàn máy bay chiến đấu hiện đại F-16 Block 72 trị giá hơn 5 tỷ USD với quốc gia Đông Nam Á này.

 Máy bay chiến đấu Rafale.

Máy bay chiến đấu Rafale.

Hiện chưa rõ Indonesia sẽ chọn biến thể nào của máy bay chiến đấu Rafale. Tuy nhiên, theo truyền thống, Indonesia có thể chọn phiên bản thiên về tác chiến đối không để bảo vệ không phận nước này. Trong các kỳ Triển lãm quân sự LIMA, giới chức quân sự Indonesia đã dành nhiều sự chú ý tới dòng máy bay chiến đấu của Pháp.

Là niềm tự hào của ngành công nghiệp chế tạo hàng không Pháp, dòng máy bay Rafale có thể đạt tốc độ bay tối đa March 2 (2.390km/giờ) và tầm hoạt động gần 3.700km. Máy bay được trang bị hàng loạt công nghệ tiên tiến của Pháp về động cơ (M88-4E), radar mảng định pha chủ động (Thales RBE2-AA), công nghệ tàng hình và các hệ thống điện tử hàng không hiện đại khác. Vũ khí chính của Rafale bao gồm một pháo hàng không GIAT 30/719B 30mm và 14 mấu treo cứng bên dưới thân và cánh để lắp bình nhiên liệu phụ và các loại vũ khí đối không, đối đất theo chuẩn Pháp và NATO.

 Một màn biểu diễn của máy bay Rafale tại Triển lãm quân sự LIMA tổ chức tại Indonesia.

Một màn biểu diễn của máy bay Rafale tại Triển lãm quân sự LIMA tổ chức tại Indonesia.

Máy bay chiến đấu Rafale đã chứng minh được năng lực trên nhiều chiến trường như Afghanistan, Libya, Mali, Iraq và Syria. Tuy nhiên, do giá thành quá cao và chính sách bán hàng không có nhiều ưu đãi của Pháp, việc xuất khẩu máy bay Rafale hiện gặp nhiều khó khăn.

TUẤN SƠN (theo Defense News)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/indonesia-can-nhac-mua-may-bay-chien-dau-rafale-608404