Indonesia trước bài toán độ tuổi nào mới phù hợp làm lãnh đạo

Indonesia mới đây đã giải quyết những thách thức pháp lý về giới hạn độ tuổi ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào tháng 2-2024. Các nhà phân tích cũng cho rằng, tìm được người khả năng phù hợp cho vị trí lãnh đạo không đơn thuần chỉ là số tuổi.

Ông Gibran Rakabuming Raka (36 tuổi) - Thị trưởng Surakarta và ông Prabowo Subianto (72 tuổi) - Bộ trưởng Quốc phòng chính thức đăng ký liên danh tranh cử hôm 25-10

Ông Gibran Rakabuming Raka (36 tuổi) - Thị trưởng Surakarta và ông Prabowo Subianto (72 tuổi) - Bộ trưởng Quốc phòng chính thức đăng ký liên danh tranh cử hôm 25-10

Mở rộng giới hạn độ tuổi tranh cử

Tuần trước, Tòa án Hiến pháp Indonesia đã bác vụ kiện cho rằng các ứng viên Phó Tổng thống và Tổng thống phải đủ 40 tuổi mới đủ điều kiện tranh cử. Theo phán quyết mới, các ứng cử viên đã được bầu vào cơ quan công quyền sẽ được phép tranh cử ngay cả khi họ dưới 40 tuổi. Quyết định này đã mở đường cho Gibran Rakabuming Raka, Thị trưởng Surakarta, con trai của Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, năm nay 36 tuổi, ra tranh cử với tư cách ứng cử viên Phó Tổng thống. Tòa án cũng bác bỏ việc loại trừ những ứng cử viên trên 70 tuổi, đảm bảo cho ông Prabowo Subianto, 72 tuổi, từng hai lần tranh cử Tổng thống và hiện là Bộ trưởng Quốc phòng, có thể vận động tranh cử cho vị trí lãnh đạo cao nhất nước này. Bởi vậy, hai ông Prabowo và Gibran chính thức đăng ký liên danh tranh cử hôm 25-10.

Indonesia sẽ tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào ngày 14-2-2024, với khoảng 205 triệu trong tổng số 270 triệu dân đủ điều kiện bỏ phiếu. Sự việc nói trên một lần nữa khuấy lên cuộc tranh luận kéo dài về tuổi tác và ảnh hưởng của tuổi tác đối với năng lực lãnh đạo của một cá nhân.

“Nếu có một nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào có thể đưa ra lời giải thích rằng độ tuổi nào là phù hợp nhất để nắm giữ chức vụ thì đó sẽ là cơ sở để tranh luận về giới hạn độ tuổi cả về mặt pháp lý lẫn chính trị. Nếu không, những tranh luận đó sẽ luôn dựa trên tính chủ quan cũng như sở thích của mỗi cử tri”, ông Mancur Sinaga, một luật sư tại thành phố Medan và là giảng viên về đạo đức và triết học pháp lý nhận định.

Ông Simon Butt, Giáo sư về Luật Indonesia tại Trường Luật thuộc Đại học Sydney cho rằng: “Miễn là cử tri có quyền truy cập thông tin đầy đủ để họ có thể đưa ra quyết định sáng suốt về việc bỏ phiếu cho ai thì chúng ta nên để cử tri quyết định, bất kể tuổi tác. Với ứng cử viên nhiều tuổi, nếu người đó có đủ sức khỏe về tinh thần và thể chất thì tại sao không?”.

Kết hợp các thế hệ trong vận động tranh cử

Không chỉ ở Indonesia, độ tuổi của các ứng cử viên đã trở thành chủ đề được dư luận nhiều nơi bàn tán. Tại Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden là người lớn tuổi nhất trở thành Tổng thống nước này khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở tuổi 77 vào năm 2020. Khi ông Biden tái tranh cử vào năm 2024, tuổi tác sẽ là một dấu hỏi lớn bởi các đối thủ chính trị đã chỉ ra sự suy giảm về thể chất và nhận thức của nhà lãnh đạo này.

Quanh khu vực Đông Nam Á, nhóm nguyên thủ quốc gia cũng thiên về người lớn tuổi. Ông Anwar Ibrahim, Thủ tướng Malaysia, năm nay 76 tuổi. Trước đó, ông Mahathir Mohamad, Thủ tướng Malaysia giai đoạn 1981-2003, đã trở thành nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất thế giới vào năm 2018 khi ông tuyên thệ nhậm chức ở tuổi 92. Ở Singapore, Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long cũng đã 71 tuổi.

Bên cạnh đó, trong khi các chính trị gia lớn tuổi có thể bị cho là sức khỏe không đảm bảo thì các nhà lãnh đạo trẻ cũng phải đối mặt với những câu hỏi về khả năng lãnh đạo. Đó là bởi người trẻ thường thiếu kinh nghiệm về chính trị cũng như kinh nghiệm sống.

Bà Jacinda Ardern là nữ lãnh đạo chính phủ trẻ nhất thế giới khi bà tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng New Zealand vào năm 2017 ở tuổi 37, trong khi cựu Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin mới 34 tuổi - cả hai người đều bị nhắm mục tiêu chỉ trích vì ít tuổi và thiếu kinh nghiệm.

Ở Indonesia, ứng cử viên Phó Tổng thống Gibran cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích tương tự, đặc biệt khi ông mới có kinh nghiệm duy nhất là làm Thị trưởng Surakarta - thành phố có khoảng nửa triệu dân ở Trung Java hay còn gọi là Solo chỉ 2 năm.

Bà Titi Anggraini, thành viên ban cố vấn của Hiệp hội Bầu cử và Dân chủ, đồng thời là giảng viên Luật Hiến pháp tại Đại học Indonesia cho rằng, chính trường Indonesia xuất hiện ứng cử viên trẻ hơn là điều tất yếu, bởi theo dữ liệu từ Ủy ban Tổng tuyển cử, khoảng 31% cử tri Indonesia dưới 30 tuổi. Tuy nhiên, sự có mặt của hàng ngũ lãnh đạo trẻ như vậy sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu họ vẫn giữ cách vận động và chính sách kiểu cũ.

Giảng viên luật Titi Anggraini cũng chỉ ra rằng, việc ghép các ứng cử viên trẻ và lớn tuổi trong liên danh tranh cử có thể mang lại hiệu quả nếu các ứng cử viên có thể giải quyết mối quan tâm của cử tri thuộc nhiều thế hệ. “Sự kết hợp giữa lãnh đạo trẻ và lãnh đạo cấp cao hoặc ngược lại có thể là một điểm thỏa hiệp để tìm ra cách tiếp cận tốt nhất nhằm đáp ứng các lợi ích khác nhau trong xã hội hoặc trong giới tinh hoa chính trị”, bà Anggraini phân tích.

Theo Al Jazeera

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/indonesia-truoc-bai-toan-do-tuoi-nao-moi-phu-hop-lam-lanh-dao-post556207.antd