Internet công nghiệp là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số toàn diện

Internet công nghiệp (Industrial Internet) không chỉ là xu hướng, mà là nền tảng cốt lõi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, hiện đại hóa sản xuất, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh…

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh điều này khi trả lời báo chí bên lề Hội nghị VNNIC Internet Conference 2025, với chủ đề “Kỷ nguyên bứt phá với Internet công nghiệp”, diễn ra sáng nay (25/7).

Nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn, tiết kiệm hơn

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, hạ tầng số nước ta cần phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hệ thống đảm bảo cho các dịch vụ mới hoạt động tốt trên nền tảng 5G, 6G, IoT, Cloud, BigData,… như các thiết bị thông minh, camera thông minh, ô tô tự lái, nhà thông minh, thành phố thông minh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất năng lượng thông minh…

“Trong đó, Internet công nghiệp là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số toàn diện”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nhắc tới IPv6 với vai trò là yếu tố nền tảng của kết nối IoT và Internet công nghiệp, ông Giang cho biết mạng IPv6 Việt Nam khai trương từ 2013 với sự tham gia của 6 ISP lớn, trong đó có Viettel, VNPT… Nước ta đã từng bước phát triển IPv6 đạt nhiều thành tựu, trong top 10 toàn cầu (một số thời điểm xếp thứ 5).

Với Internet công nghiệp, nhu cầu mỗi người dân có từ 4 thiết bị IoT, thì IPv6 only chính là giải pháp cho Internet công nghiệp Việt Nam.

Về lộ trình phát triển IPv6 only, trong 5 năm tới Việt Nam sẽ thí điểm nhân rộng và tăng tốc chuyển đổi IPv6 only, với mục tiêu tới giai doạn 2030-2032 chuyển đổi toàn diện sang IPv6 only, từng bước không sử dụng IPv4. IPv6 only không chỉ là công nghệ, chuyển đổi, mà là đổi mới sáng tạo, tạo giá trị mới, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn và tiết kiệm hơn.

“Chúng tôi tin rằng hạ tầng Internet mạnh mẽ, mở, tin cậy là điều kiện tiên quyết để phát triển Internet công nghiệp Việt Nam tự chủ, đổi mới, kết nối toàn cầu”, ông Giang nói và nhận định Việt Nam đang trong bước chuyển quan trọng của hạ tầng số, từ nền tảng kết nối truyền thống sang kết nối vạn vật về thiết bị, cảm biến, hệ thống kết nối, sản xuất thông minh.

Đại diện VNNIC cũng khẳng định Internet công nghiệp (Industrial Internet) không chỉ là xu hướng, mà là nền tảng cốt lõi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, hiện đại hóa sản xuất, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh…

 Hội nghị VNNIC Internet Conference 2025 có sự tham gia của hơn 400 lãnh đạo, CEO và các chuyên gia hàng đầu về Internet trong nước và quốc tế.

Hội nghị VNNIC Internet Conference 2025 có sự tham gia của hơn 400 lãnh đạo, CEO và các chuyên gia hàng đầu về Internet trong nước và quốc tế.

Hạ tầng hiện đại, đồng bộ, an toàn

Trong khi Internet là nền tảng và cầu nối của mọi hoạt động kinh tế - xã hội, Internet công nghiệp là bước phát triển tiếp theo của Internet, dẫn dắt làn sóng chuyển đổi số toàn cầu, kết nối robot, cảm biến, dữ liệu lớn vào chuỗi sản xuất thông minh, tạo ra tiềm năng phát triển khổng lồ về công nghiệp, kinh tế.

Theo dự báo của The Business Research Company, thị trường IIoT toàn cầu sẽ đạt 280 tỷ USD vào năm 2025 và vươn tới 480 tỷ USD vào năm 2029. Đây không chỉ là một cơ hội, mà còn là một cuộc cách mạng mang tính tất yếu trong hành trình xây dựng nền kinh tế số.

Tại Việt Nam, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định rõ định hướng phát triển hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí", thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.

Trong đó, IoT, IIoT (Industrial IoT) là các thành phần then chốt của hạ tầng vật lý - số, cùng với hạ tầng viễn thông, dữ liệu, công nghệ số hợp thành kiến trúc nền móng cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, thực hiện mục tiêu chung đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới.

IPv6, IPv6 only ứng dụng cho Internet công nghiệp và Internet vạn vật trong Internet công nghiệp (IIoT), là bước đi đầu tiên mở ra bước phát triển đột phá cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đã đi trước về triển khai IPv6, tính đến tháng 6/2025, tỷ lệ ứng dụng đạt 65,5%, xếp thứ 7 toàn cầu.

Hiện tại, Việt Nam tiếp tục đón đầu xu thế công nghệ, thúc đẩy triển khai IPv6 only cho giai đoạn 2026-2030, mở ra không gian mới về Internet, phát triển Internet công nghiệp, đổi mới sáng tạo tạo ra dịch vụ mới.

Hội nghị VNNIC Internet Conference 2025 do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, diễn ra từ ngày 22-25/7/2025 với chủ đề “Kỷ nguyên bứt phá với Internet công nghiệp”. Sự kiện có sự tham gia của hơn 400 lãnh đạo, CEO và các chuyên gia hàng đầu về Internet trong nước và quốc tế.

Đây là hoạt động nhằm xây dựng, phát triển diễn đàn chuyên môn sâu về công nghệ, kỹ thuật Internet, kết nối chuyên gia trong nước, quốc tế.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/internet-cong-nghiep-la-nen-tang-quan-trong-cho-chuyen-doi-so-toan-dien-post187916.html