'Internet công nghiệp là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số toàn diện'
Nhấn mạnh Internet công nghiệp là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số toàn diện, đại diện VNNIC cho biết: Hạ tầng Internet Việt Nam đã sẵn sàng cho phát triển Internet công nghiệp nói chung và phát triển các công nghệ, dịch vụ Internet nói riêng.
Phiên toàn thể của diễn đàn chuyên sâu về kỹ thuật, công nghệ Internet “VNNIC Internet Conference 2025” vừa được Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC thuộc Bộ KH&CN tổ chức ngày 25/7 tại Hà Nội.
Sự kiện năm nay có với sự góp mặt của các nhà quản lý, các chuyên gia đến từ tổ chức quốc tế như PCH, ICANN, APNIC… các tập đoàn công nghệ hàng đầu như VNPT, Viettel, MobiFone, CMC, HPE, Schneider, Juniper…; các viện nghiên cứu, trường đại học; cùng toàn thể cộng đồng kỹ thuật, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các nhà phát triển dịch vụ Internet tại Việt Nam.
Có chủ đề “Kỷ nguyên bứt phá với Internet công nghiệp”, VNNIC Internet Conference năm nay định hướng cộng đồng Internet Việt Nam về bước phát triển tiếp theo của Internet - Internet công nghiệp (Industrial Internet, IIoT).

Phó Giám đốc VNNIC Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh: Hạ tầng Internet mạnh mẽ, mở, tin cậy là điều kiện tiên quyết để phát triển Internet công nghiệp Việt Nam tự chủ, đổi mới, kết nối toàn cầu.
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Phó Giám đốc VNNIC Nguyễn Trường Giang cho biết, chúng ta đang trong bước chuyển quan trọng của hạ tầng số Việt Nam, từ nền tảng kết nối truyền thống sang kết nối vạn vật, với các thiết bị, cảm biến, hệ thống kết nối, sản xuất thông minh. Internet công nghiệp không chỉ là xu hướng, mà là nền tảng cốt lõi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, hiện đại hóa sản xuất, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh…
“Điều này đòi hỏi Internet phải lớn hơn - nhanh hơn - thông minh hơn - an toàn hơn, gắn kết chặt chẽ giữa Hạ tầng mạng: IPv6, 5G, IX, Tài nguyên số ... Dịch vụ và dữ liệu: Cloud, AI, IoT, DNS an toàn, Chính sách quản lý – tiêu chuẩn mở - hợp tác quốc tế. Chúng tôi tin rằng: hạ tầng Internet mạnh mẽ, mở, tin cậy là điều kiện tiên quyết để phát triển Internet công nghiệp Việt Nam tự chủ, đổi mới, kết nối toàn cầu”, ông Nguyễn Trường Giang cho hay.
Tại sự kiện, các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược Internet công nghiệp, kinh nghiệm triển khai thực tiễn, giải pháp kỹ thuật, xu hướng công nghệ, và đặc biệt là những cơ hội hợp tác cùng phát triển.
Trong đó, đáng chú ý là, ông Jun Murai, Giáo sư danh dự tại Đại học Keio, người được mệnh danh là “Cha đẻ của Internet Nhật Bản”, đã chia sẻ về “Tầm nhìn toàn cầu hướng tới xã hội kết nối vạn vật”; ông Bill Woodcock, Tổng Thư ký của Packet Clearing House trình bày về “Cloud, data, và hạ tầng Internet trong bối cảnh Internet công nghiệp”; và ông Sutrisno Xu, Giám đốc Phát triển kinh doanh khu vực Đông Nam Á của tập đoàn Pegatron, đã chia sẻ góc nhìn thực tiễn và chiến lược về cách mạng 5G trong bối cảnh Internet công nghiệp.

Tọa đàm “Giải pháp phát triển Internet công nghiệp, kết nối Khoa học công nghệ - Đổi mới sáng tạo - Chuyển đổi số” là một điểm nhấn của phiên toàn thể VNNIC Internet Conference 2025.
Trao đổi bên lề sự kiện về định hình tầm nhìn phát triển hạ tầng Internet quốc gia để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu kết nối lớn, độ trễ thấp và độ tin cậy cao của các ứng dụng Internet công nghiệp, Phó Giám đốc VNNIC Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh “Internet công nghiệp là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số toàn diện”, đồng thời chỉ rõ: “Hạ tầng số Việt Nam đã được xác định phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn”.
Thông tin về kế hoạch chuyển đổi IPv6, một yếu tố nền tảng của kết nối IoT và Internet công nghiệp, đại diện VNNIC cho hay, mạng IPv6 Việt Nam khai trương từ 2013 với sự tham gia của 6 nhà cung cấp dịch vụ Internet - ISP lớn. IPv6 Việt Nam đã từng bước được phát triển, đạt nhiều thành tựu, với tỷ lệ ứng dụng IPv6 đạt 65%, top 10 toàn cầu.
Tuy nhiên, với Internet công nghiệp, IoT, mỗi người dân sử dụng 4 thiết bị IoT thì IPv6 only chính là giải pháp cho Internet công nghiệp Việt Nam.
Theo lộ trình triển khai IPv6 only, Việt Nam thí điểm nhân rộng và tăng tốc chuyển đổi IPv6 only trong 5 năm tới. Việt Nam đặt mục tiêu giai đoạn 2030 - 2032 chuyển đổi toàn diện sang IPv6 only, từng bước không sử dụng IPv4. “IPv6 only không chỉ là công nghệ, chuyển đổi, mà là đổi mới sáng tạo, tạo giá trị mới, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn và tiết kiệm hơn”, đại diện VNNIC nhấn mạnh.

Phó trưởng Ban Công nghệ VNPT Nguyễn Quốc Khánh trao đổi bên lề phiên toàn thể VNNIC Internet Conference 2025.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, Phó trưởng Ban Công nghệ VNPT Nguyễn Quốc Khánh khẳng định: “VNPT cam kết sẽ tiên phong trong phát triển hạ tầng và các nền tảng kết nối, xử lý số và dữ liệu phục vụ IoT công nghiệp tại Việt Nam. Đây là hành trình dài, chúng tôi sẽ trưởng thành từng bước, đồng hành và hợp tác chặt chẽ với các bên trong hệ sinh thái IoT công nghiệp”.
Chỉ rõ 4 nhóm lợi ích mà IoT công nghiệp mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam gồm hiệu quả sản xuất, quản trị minh bạch, đổi mới sáng tạo và tài chính – thị trường, ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ thêm: Khi tham gia triển khai hệ sinh thái Internet công nghiệp, góc độ đầu tiên VNPT quan tâm chính là lợi ích của IoT công nghiệp mang đến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bởi lẽ, điều này hỗ trợ VNPT trong việc xác định các hướng triển khai chiến lược.
Thông tin cụ thể hơn về định hướng của tập đoàn trong phát triển IoT công nghiệp, đại diện Ban Công nghệ VNPT cho hay, với 2 bước quan trọng được tập trung, đó là: Nâng cao năng lực hạ tầng kết nối để phục vụ cho IoT công nghiệp; tiếp tục phát triển hạ tầng dữ liệu, hạ tầng nền tảng IoT công nghiệp mở, cho phép các ứng dụng công nghiệp hoạt động trên đó một cách hiệu quả.
Cụ thể, VNPT đang phát triển hạ tầng 5G cho công nghiệp IoT, trang bị vùng phủ sóng, bật các tính năng. Tập đoàn đã có thể triển khai các mạng dùng riêng 5G cho các khu công nghiệp, các nhà máy, và theo nhu cầu; đồng thời có thể kết hợp triển khai hạ tầng băng rộng cố định Wi-Fi 6, Wi-Fi 7 và các bài toán công nghệ khác. “Chúng tôi cũng sẽ tham gia vào toàn bộ mảng về chuyển đổi số cho các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là sản xuất và trở thành một phần hạ tầng của các ngành quan trọng tại Việt Nam”, đại diện VNPT cho hay.