Iran tìm thấy lỗ hổng trong hệ thống phòng không nổi tiếng của Israel

Cuộc xung đột 12 ngày giữa Israel và Iran phơi bày điểm yếu của một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh nhất thế giới. Iran đã chứng minh chiến thuật vượt trội có thể xuyên thủng cả 'lá chắn thép' của Israel.

Tên lửa được phóng trong giai đoạn hai của loạt cuộc tập trận Eqtedar ở Tây Nam Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tên lửa được phóng trong giai đoạn hai của loạt cuộc tập trận Eqtedar ở Tây Nam Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo Wall Street Journal ngày 16/7, cuộc chiến gần đây giữa Israel và Iran, kéo dài 12 ngày, đã trở thành một bài học cảnh tỉnh quan trọng cho các quốc gia sở hữu và đang tìm cách sở hữu các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến. Dù Israel tự hào có một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới, bao gồm cả Vòm Sắt nổi tiếng, dữ liệu mới cho thấy Iran đã tìm ra và khai thác những lỗ hổng, chứng minh rằng ngay cả những "lá chắn" phòng không kiên cố nhất cũng có thể bị xuyên thủng.

Chiến thuật linh hoạt của Iran

Trong suốt cuộc xung đột, Iran đã liên tục điều chỉnh chiến thuật của mình, thử nghiệm và tìm ra các điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Israel. Từng bước, Tehran phóng các tên lửa tiên tiến hơn và tầm bắn xa hơn từ nhiều địa điểm sâu bên trong Iran. Các nhà phân tích nhận thấy nước này cũng đã thay đổi thời điểm và mô hình tấn công, đồng thời tăng phạm vi địa lý của các mục tiêu.

Theo Mora Deitch, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Dữ liệu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) thuộc Đại học Tel Aviv, và Tiến sĩ Yehoshua Kalisky, nhà nghiên cứu cao cấp tại INSS, Iran đã chuyển hướng từ việc bắn loạt tên lớn vào ban đêm sang bắn các đợt tên lửa nhỏ hơn vào ban ngày và từ nhiều địa điểm khác nhau. Tehran tiếp tục thử thách hệ thống đánh chặn của Israel bằng cách thay đổi kiểu bắn, nhắm vào các thành phố ở xa nhau và thay đổi khoảng thời gian giữa các cuộc tấn công. Tiến sĩ Kalisky nhận định: "Họ đã tìm cách chia tách hệ thống phòng thủ của Israel".

Phân tích dữ liệu từ các nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Israel và Mỹ, cho thấy khi cuộc chiến tiếp diễn, Iran bắn ít tên lửa hơn, nhưng tỷ lệ thành công lại tăng lên đáng kể. Trong nửa đầu cuộc xung đột, 8% tên lửa của Iran đã lọt qua hệ thống phòng thủ của Israel. Đến nửa sau của cuộc chiến, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi, lên 16%, theo dữ liệu từ Viện Do Thái về An ninh Quốc gia Mỹ (Jinsa) có trụ sở tại Washington D.C.

Tỷ lệ thành công này không tính đến các tên lửa không được phóng hoặc bị đánh chặn trước khi đến không phận Israel, theo chuyên gia Deitch. Đợt tấn công thành công nhất của Iran diễn ra vào ngày 22/6, hai ngày trước khi cuộc chiến dừng lại, khi 10 trong số 27 tên lửa bắn trúng Israel. Ari Cicurel, Phó Giám đốc chính sách đối ngoại của Jinsa, cho biết dữ liệu này cho thấy Iran đã điều chỉnh thành công "cách thức, thời điểm và mục tiêu" bắn. Quân đội Israel từ chối bình luận về số liệu của Jinsa, ngoài việc cho biết họ không chia sẻ thông tin cụ thể về tỷ lệ đánh chặn.

Hệ thống phòng thủ đa tầng của Israel

Hệ thống phòng không của Israel là một trong những hệ thống tiên tiến nhất thế giới, được phát triển với sự hợp tác của Mỹ, và bao gồm nhiều lớp phòng thủ:

Lớp phòng thủ đầu tiên: Tên lửa Arrow 3, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên đến 2.500 km ở độ cao ngoài khí quyển bằng cách va chạm trực tiếp. Ngoài ra, các tên lửa đánh chặn SM-3 (Aegis) của Hải quân Mỹ, triển khai từ Địa Trung Hải, có thể đánh chặn tên lửa cả trong và ngoài khí quyển ở khoảng cách lên đến 1.200 km.

Lớp phòng thủ thứ hai: Tên lửa Arrow 2, tấn công các mối đe dọa bên trong khí quyển, có chức năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa. Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ cũng có thể được sử dụng để phòng thủ tên lửa cả trong và ngoài khí quyển, trong phạm vi khoảng 300 km.

Lớp phòng thủ thứ ba: David's Sling, có khả năng chống lại tên lửa tầm trung và tên lửa hạng nặng trong phạm vi 300 km, cũng như tên lửa hành trình, sử dụng cơ chế "tấn công-tiêu diệt" trong khí quyển.

Lớp phòng thủ thứ tư: Iron Dome (Vòm Sắt), bảo vệ chống lại tên lửa tầm ngắn, tên lửa đạn đạo và pháo cối trong phạm vi 120 km. Hệ thống này ưu tiên đánh chặn các mối đe dọa hướng đến khu vực đông dân cư hoặc các địa điểm chiến lược, đồng thời có khả năng đánh chặn cả thiết bị bay không người lái.

Thách thức và bài học cho tương lai

Raphael Cohen, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Rand, một tổ chức nghiên cứu của Lầu Năm Góc, nhận định: "Bất kỳ hệ thống tên lửa nào, ngay cả hệ thống tinh vi như của Israel, cuối cùng cũng sẽ có lỗ hổng. Chìa khóa cho bất kỳ hệ thống phòng không nào không phải là việc xây dựng một hệ thống hoàn hảo ở bất kỳ lớp nào, mà là hiệu ứng tích lũy". Phân tích các tuyên bố công khai của Israel cho thấy tỷ lệ đánh chặn của nước này đã giảm trong suốt cuộc chiến, từ 90-95% xuống còn 86% sau lệnh ngừng bắn vào ngày 24/6.

Thành công của Israel trong việc tấn công các bệ phóng tên lửa của Iran đã ngăn Tehran triển khai các tên lửa cũ, kém chính xác và tầm ngắn hơn. Nhưng Tehran đã sớm sở hữu các tên lửa tiên tiến hơn và tầm xa hơn như đã triển khai trong cuộc xung đột. Theo các đoạn phim được ghi lại, tên lửa siêu vượt âm Fattah-1 của Iran đã rơi xuống ít nhất hai thị trấn của Israel. Fattah-1 là loại tên lửa lao xuống theo một góc nhọn từ bên ngoài bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ gấp hơn 10 lần tốc độ âm thanh, và được trang bị đầu đạn có thể tách ra trong khi bay và tránh được các tên lửa đánh chặn. Chỉ có các hệ thống tên lửa tiên tiến nhất của Israel – Arrow 3 và David's Sling – mới có thể thay đổi hướng bay giữa chừng để bám theo nó.

Các chuyên gia tên lửa cho biết, khi cuộc xung đột kéo dài, số lượng tên lửa đánh chặn giảm dần và chi phí cao cũng buộc Israel phải bảo tồn nguồn lực và chỉ nhắm vào các tên lửa từ Iran gây ra mối đe dọa lớn nhất. Cả Israel và Iran đều đang trong quá trình rút ra những bài học kinh nghiệm. Tiến sĩ Kalisky nhận định: "Họ (Iran) đang cố gắng cải thiện khả năng tấn công, còn chúng tôi thì đang cố gắng cải thiện khả năng phòng thủ".

Bài học từ cuộc xung đột trên cũng có ý nghĩa đối với các quốc gia khác. Ví dụ, Mỹ đang phát triển "Vòm Vàng" (ban đầu được đặt tên là "Vòm Sắt cho nước Mỹ"), một hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 175 tỷ USD để bảo vệ lãnh thổ rộng lớn của mình. Tuy nhiên, diện tích của Mỹ sẽ khiến việc bảo vệ bầu trời khó khăn hơn nhiều so với Israel. Ukraine, với hệ thống phòng không là sự kết hợp giữa công nghệ Mỹ, châu Âu và công nghệ nội địa, là một ví dụ điển hình hơn về việc bảo vệ một lãnh thổ rộng lớn trong một cuộc chiến kéo dài với Nga. Tuy nhiên, hệ thống tích hợp tiên tiến của Israel vẫn gần gũi hơn với những gì Mỹ đang tìm cách phát triển.

Tóm lại, cuộc đối đầu giữa Israel và Iran đã chứng minh rằng không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào là hoàn hảo, và sự đổi mới liên tục trong chiến thuật tấn công và phòng thủ là yếu tố then chốt trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay.

Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/iran-tim-thay-lo-hong-trong-he-thong-phong-khong-noi-tieng-cua-israel-20250717152126653.htm