Israel ghi nhận tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng tăng 95%

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Jerusalem, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20/6, Bộ Y tế Israel thông báo đã ghi nhận 10.200 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu tháng 4 tới nay.

Trong tổng số 26.200 xét nghiệm kháng nguyên (PCR) đã thực hiện trong ngày, có 38,95% trường hợp cho kết quả dương tính. Hệ số R, chỉ số lây lan từ một bệnh nhân cho những người khác, đã lên mức 1,32, tăng nhẹ so với mấy ngày trước đó.

Số ca bệnh chuyển nặng cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh, với 168 người đang trong tình trạng nghiêm trọng, trong đó 32 bệnh nhân phải đặt nội khí quản và 2 bệnh nhân phải can thiệp sâu bằng máy ECMO. Chỉ số trên cho thấy số ca bệnh chuyển nặng đã tăng tới 95% so với tuần trước đó.

Theo giáo sư Eyal Leshem, chuyên gia cấp cao về bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế Sheba, nguyên nhân chính dẫn tới số ca mắc tăng là do người dân lơ là các biện pháp cơ bản phòng chống dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang.

Bên cạnh đó, nhiều người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ lại không được chẩn đoán, do vậy không có biện pháp tự cách ly đối với những người này. Tính từ đầu đại dịch đến nay, Israel đã ghi nhận 10.908 ca tử vong liên quan bệnh COVID-19.

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines ngày 20/6 cảnh báo việc số ca mắc COVID-19 tại Philippines tăng liên tục cho thấy bắt đầu một làn sóng dịch mới. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết Philippines đang chứng kiến một xu hướng tương tự với những gì đã xảy ra hồi tháng 9/2021 và tháng 1/2022.

Philippines trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 1/2020, với đỉnh điểm ghi nhận tới 39.004 ca mắc mới trong ngày 15/1/2022.

Trong tuần trước, nước này ghi nhận khoảng 2.458 ca mắc, tăng 70%, trong đó riêng vùng thủ đô Manila số ca mắc tăng gấp đôi. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Edsel Maurice Salvana cho rằng số ca mắc dự kiến sẽ tăng do các biến thể mới dễ lây lan hơn, tuy nhiên tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát do tỉ lệ nhập viện thấp.

Trong khi đó, Bộ Y tế nhận định số ca mắc tăng nhẹ còn do người dân đi lại nhiều hơn trong khi khả năng miễn dịch cộng đồng đã suy giảm. Hiện Philippines đã tiêm đủ liều vắc xin cho hơn 70 triệu người.

Bộ Y tế Iraq ngày 20/6 cho biết đang có một làn sóng mới của dịch COVID-19 tại nước này khi có 515 ca mắc được ghi nhận trong 24 giờ qua. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Đây là sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19 trong vài ngày qua, số ca nhập viện cũng tăng, đồng nghĩa với việc Iraq dã bước vào một làn sóng lây nhiễm mới".

Bộ trên cũng lưu ý rằng làn sóng mới là hậu quả khó tránh khỏi khi còn nhiều người chưa tiêm phòng dù có sẵn vắc xin tại các trung tâm y tế ở thủ đô Baghdad và nhiều tỉnh thành khác, cũng như tình trạng không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Bộ trên kêu gọi tăng tốc tiêm phòng và tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ cá nhân và xã hội.

Ngày 20/6, Iraq ghi nhận 515 ca mắc mới, tâng tổng số ca mắc của cả nước lên 2.332.692 ca. Ngoài ra, có 1 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 25.229 ca. Số người đã tiêm phòng trong 24 giờ qua là 14.420 người, nâng tổng số người đã tiêm lên 10.797.872 người.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ dự kiến trong tuần này bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Kế hoạch được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cấp phép sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer và Moderna cho lứa tuổi nhỏ nhất này. Theo đó, thêm 19 triệu trẻ em trên toàn nước Mỹ sẽ được tiêm vắc xin.

Theo kế hoạch do Nhà Trắng công bố, chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi sẽ bắt đầu trong ngày 21/6 sau dịp nghỉ lễ Juneteenth (19/6). Chính quyền Mỹ đã thu mua số lượng lớn vắc xin cho nhóm tuổi này, với 10 triệu liều vắc xin ban đầu và hàng triệu liều vắc xin trong những tuần tới. Các bậc phụ huynh sẽ có thể đưa trẻ đến tiêm tại phòng khám của bác sĩ nhi khoa, cũng như điểm tiêm chủng được đặt tại các bảo tàng, thư viện và khu chăm sóc trẻ em.

Ngày 18/6 vừa qua, Hội đồng cố vấn của CDC bỏ phiếu và nhất trí với khuyến nghị tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi và tiêm vắc xin của hãng Moderna cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Một ngày trước đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp 2 loại vắc xin trên ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đây là nhóm tuổi cuối cùng tại Mỹ chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Với vắc xin của Moderna, trẻ sẽ được tiêm hai liều cách nhau một tháng. Một liều cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi là 25 microgam (bằng 1/2 liều tiêm cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi và 1/4 liều cho những người từ 12 tuổi trở lên). Trong khi đó, vắc xin của Pfizer/BioNTech sẽ dành cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi (liều dùng bằng 1/10 liều của người lớn và cần tiêm 3 mũi. Hai mũi lần đầu tiên được tiêm cách nhau 3 tuần và lần cuối cùng tiêm ít nhất là 2 tháng sau đó).

H.N (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/278930/israel-ghi-nhan-ti-le-benh-nhan-covid-19-chuyen-nang-tang-95.html