'Kẻ vô danh' - phim hành động đúng chất John Wick

Tác phẩm hành động 'Nobody' đem đến những giây phút giải trí thỏa mãn cho người xem với diễn xuất ấn tượng của Bob Odenkirk.

Thể loại: Hành động
Đạo diễn: Ilya Naishuller
Diễn viên: Bob Odenkirk, Christopher Lloyd, Connie Nielsen, J.P. Manoux, RZA, Michael Ironside
Đánh giá: 7/10

Bộ phim hành động Nobody do đạo diễn người Nga Ilya Naishuller thực hiện, với nội dung do biên kịch Derek Kolstad xây dựng. Kolstad vốn là người chấp bút kịch bản ba bộ phim John Wick. Chưa hết, nhà sản xuất kiêm đạo diễn của loạt John Wick là David Leitch cũng có mặt trong dự án.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Nobody mang phong cách đen tối và bạo lực giống “người tiền nhiệm”. Dữ dội, hài hước, tác phẩm đem đến cho khán giả nhiều giây phút hưng phấn khi theo chân “già gân” Bob Odenkirk (Breaking Bad, Better Call Saul) trong cuộc đối đầu với mafia Nga.

 Bề ngoài, Hutch Mansell (Bob Odenkirk) là người đàn ông trung niên không thể bình thường hơn. Song, một gã vô danh cũng có thể mang quá khứ khét tiếng.

Bề ngoài, Hutch Mansell (Bob Odenkirk) là người đàn ông trung niên không thể bình thường hơn. Song, một gã vô danh cũng có thể mang quá khứ khét tiếng.

Có cuộc sống hàng ngày lặp đi lặp lại nhàm chán đến mức nếu kể lại thì chưa hết 30 giây, Hutch cần mẫn tới văn phòng của công ty nhà vợ. Mỗi sáng thứ ba hàng tuần, ông lại bị muộn giờ đổ rác. Hutch cứ thế nấu ăn cho con, pha café cho vợ mang đi làm, chạy bộ, xách cặp đi làm, ngồi bàn giấy, tối lại về với các con.

Trong một lần bị trộm đột nhập, đáng lẽ có thể đánh tên trộm, nhưng Hutch lại không làm vậy. Hậu quả là con trai ông bị bầm mắt. Sự “nhu nhược” của Hutch càng khiến vợ con xa cách, gia đình bên bà xã coi khinh. Thậm chí, cả đám cảnh sát khu vực cũng cười chê ông.

Bước ngoặt xảy đến khi Hutch chán trò “giả nai” và nện cho đám mafia trên xe buýt một trận ra bã nhằm cứu một cô gái. Trong phút chốc, quý ngài vô danh trở về với bản ngã bạo lực từng khiến bao người khiếp đảm.

Hành động đẹp mắt, không khoan nhượng

Có kinh phí vỏn vẹn 16 triệu USD, Nobody làm tốt với tất cả điều tác phẩm có trong tay. Đặc biệt, trường đoạn quan trọng nhất đóng vai trò chuyển hướng, thay đổi nhịp độ toàn bộ tác phẩm - màn hỗn chiến trong xe buýt - là cảnh được đầu tư thành công nhất. Nó giúp giới thiệu con người thực sự của Hutch, chứ không phải người đàn ông sống đời vô định, hàng ngày cứ thất tha thất thểu để rồi bị vợ con lườm nguýt.

Trong một không gian chật hẹp, 5-6 người đàn ông loạn đả, đằng xa là cô gái co rúm lại một góc. Trút bỏ cái lốt hiền lành nhu nhược thường ngày, Hutch nhường chỗ cho bản năng “cục súc” trỗi dậy. Cái hay trong cảnh phim này là qua màn giao đấu, người xem thấy rõ sự thay đổi trong nhân vật.

 Nobody đẩy các cảnh hành động tới cực hạn đẫm máu và hài hước mà không bị lố.

Nobody đẩy các cảnh hành động tới cực hạn đẫm máu và hài hước mà không bị lố.

Hutch bước vào cuộc chiến như một cỗ máy han gỉ, nhưng khi đã vận hành trơn tru thì cho thấy sự đáng sợ của mình. Sau đoạn va vấp ban đầu bị lĩnh vài đấm, ông trung niên phản công. Tiếng xương gãy, tiếng đầu người va vào thanh sắt trên xe, tiếng răng rụng, tiếng dao đâm, kính vỡ, một cú thọc thẳng vào cổ, và cuối cùng là pha mở khí quản bằng ống hút, tất cả diễn ra cực kỳ ấn tượng.

Sự mượt mà trong các cảnh hành động là kết quả từ những lần tập dượt kỹ lưỡng, điều phối võ thuật, kỹ thuật quay phim và cắt dựng xuất sắc.

Sau khi nhân vật phản diện chính trong phim lộ diện, phong cách chiến đấu của Nobody nghiêng về súng đạn và cháy nổ nhiều hơn. Nội dung nửa sau tác phẩm không có gì quá đặc biệt, nếu không muốn nói là yếu hơn. Song, phong độ hành động thì vẫn còn đó.

Cùng với tay nghề quay phim của Pawel Pogorzelski (Hereditary, Midsommar), nhạc phim hợp lý, Nobody thực sự là bữa tiệc bạo lực đậm tính giải trí.

Sẽ kết hợp với John Wick?

Phim hành động hay phải cân bằng được giữa hình ảnh, âm thanh và nội dung. Trong đó, hành động không chỉ là đánh đấm, mà quan trọng là ý nghĩa của những việc đó. Tại sao nhân vật lại đánh lộn, động lực gì khiến họ trở nên dữ dội như vậy?

Sự bạo lực của Hutch là có nguyên do. Bề nổi, đó là hành động cứu một cô gái khỏi đám du côn trên xe buýt. Sâu xa, đó là khoảnh khắc con thú dữ được thả khỏi chiếc lồng văn minh sau hơn 20 năm kìm kẹp, nhân danh trừng phạt nay trở lại cuộc chơi sinh tử ngày xưa.

Do đó, khán giả mới bị thuyết phục bởi cảnh Hutch đánh cho bọn tội phạm sống dở chết dở. Nếu để ý kỹ, trường đoạn trên xe buýt là lần đầu tiên nhân vật mỉm cười kể từ đầu phim.

 Đằng sau màn chiến đấu ác liệt, Nobody hướng đến thông điệp về gia đình và sự tái khám phá giá trị bản thân.

Đằng sau màn chiến đấu ác liệt, Nobody hướng đến thông điệp về gia đình và sự tái khám phá giá trị bản thân.

Bob Odenkirk - viên luật sư lươn lẹo của Better Call Saul - nay lột xác để thể hiện chân dung nội tâm giằng xé giữa việc kiềm chế và thỏa mãn đam mê bạo lực. Nam diễn viên tỏa sáng trong một kịch bản khó nhằn, đưa ông vào hàng ngũ ngôi sao hành động trung niên cùng Keanu Reeves hay Tom Cruise. Hầu hết cảnh hành động đều do Bob Odenkirk tự thực hiện, cho thấy sự cam kết chuyên nghiệp của ông với vai diễn.

Trong một bài phỏng vấn hồi tháng 3, đạo diễn Ilya Naishuller đã thảo luận về khả năng “tác hợp” Nobody với loạt John Wick. Dựa trên phong cách tương đồng của hai bộ phim và đội ngũ đứng sau, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra và mở ra một tương lai mới cho nhân vật Hutch Mansell.

Nhìn chung, Nobody là tác phẩm hành động đậm tính giải trí, có thể làm thỏa mãn những ai đang nóng lòng chờ đợi sát thủ John Wick trở lại.

Như Ngọc

Ảnh: Universal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-vo-danh-phim-hanh-dong-dung-chat-john-wick-post1209566.html