Kéo ngón tay - Môn thể thao gay cấn

Kéo ngón tay hay vật ngón tay (Fingerhakeln) là môn thể thao đối kháng hết sức gây cấn, thú vị tại dãy Alps, đặc biệt là vùng Bavaria của Đức.

GD&TĐ - Kéo ngón tay hay vật ngón tay (Fingerhakeln) là môn thể thao đối kháng hết sức gây cấn, thú vị tại dãy Alps, đặc biệt là vùng Bavaria của Đức.

Trong trò thi đấu này, hai “đô sĩ” sẽ dùng ngón tay, thường là ngón giữa để ngoắc vào một cái đai da và cố gắng hết sức kéo nó về phía mình. Ai kéo được đai nắm vượt khỏi mặt bàn hoặc kéo rời cái đai ấy ra khỏi tay đối thủ sẽ giành phần thắng.

Phần thưởng sẽ là một cái cúp lớn, và thường thì bia cũng được đổ đầy cúp luôn cho nhà vô địch thưởng thức. Tuy nhiên, kể cả người thắng lẫn kẻ thua đều được uống bia không mất tiền xả láng để thưởng cho những gì mà họ cống hiến cho trò chơi này và sự giải trí từ khán giả.

Tuy trông dễ dàng nhưng thật ra Fingerhakeln khá tốn sức vì người tham gia phải gồng hết mình, một ở ngón tay đang cần co kéo và một ở đôi vai, bàn tay, đầu gối khi tỳ vào bàn chống đỡ. Vì nếu buông ra, anh ta sẽ bị lôi tuột.

Ra đời từ thế kỷ XVII tại Đức, trò chơi trên được xem là một cách để nam nhân, những người khó tính, nóng nảy, thay vì đấu đá thì ngồi với nhau bình thản vật tay, cụ thể ở đây là kéo hai ngón tay, ngón nào cũng được, trừ ngón cái, xem ai khỏe nhất.

Và để có sự móc nối, trợ giúp chắc chắn cho ngón tay, người ta đã nghĩ ra vòng đai mà hiện giờ có kích cỡ tiêu chuẩn là dài 10 cm, rộng từ 6 - 8cm.

Họ cũng mang ra cái bàn với dòng kẻ chính giữa để phân định vạch đích, thắng thua. Cái bàn thường dài 109 cm, rộng 74 cm, cao 79 cm. Chiếc ghế đẩu để tựa, cao chừng 48 cm, dài 40 cm và rộng 40 cm.

Khi thi đấu, họ sẽ bám tay vào mặt bàn, trong khi chân chống vào thành bàn hoặc ngồi yên trên ghế sao cho người không xê dịch. Thế nhưng, anh ta phải khỏe mạnh, kiên trì và ngoan cố lắm mới giữ được cho mình khỏi chúi về phía trước vì lúc nào cũng bị lôi kéo.

Năm 1959, từ một trò chơi dân dã, Fingerhakeln đã được nâng lên thành một môn thi đấu trong nước - quốc tế. Đến nay, hàng năm đều có năm giải đấu lớn, ai cũng có thể tham gia và thi đấu từ 6 tuổi trở lên.

Do kéo ngón tay rất mệt mỏi, đau nhức, có khi còn gãy, những “đô sĩ” luôn phải tập luyện kỳ công, bền bỉ làm sao để dùng ngón tay kéo được vật nặng nhiều khi bằng cả cơ thể.

Họ phải tập tạ, tập nâng - chống đẩy hoặc kéo lò xo… tận dụng mọi khoảng thời gian rèn luyện cơ bắp. Trong các ngón tay, ngón trỏ thường được sử dụng nhiều nhất, song tùy lúc các ngón giữa, ngón nhẫn cũng được dùng tới. Do đó, ngón nào cũng phải khỏe và chứa thật nhiều chai (da dày) nhằm tránh bị trầy, xước xát.

Trong mỗi cuộc thi Fingerhakeln, cũng luôn có các trọng tài. Có tất thảy bốn người gồm một đứng, ba ngồi điều khiển trận đấu. Sau khi hai ngón tay đã lồng vào đai và ở vạch giữa mặt bàn, trọng tài sẽ hô: Beide Hakler, fertig, zieht! - Cả hai chuẩn bị kéo và thế là hai “đô sĩ” sẽ kéo tay về phía mình.

Thông thường ai giữ được từ một phút trở lên sẽ có cơ hội thắng lớn. Ngoài ra, phải có lực giật mạnh, biết khi nào cần “ra đòn” quyết định khiến cho đối phương bổ nhào.

Dù thắng hay thua, họ cũng đều được công chúng tán thưởng vì trong khi đấu, họ có rất nhiều tư thế ngộ nghĩnh, đáng yêu cùng các tình huống bất ngờ, gây cười. Hơn thế, Fingerhakeln là một môn chơi hữu nghị đầy tính giải trí, nghệ thuật, sự may mắn lẫn nhường nhịn.

Người chơi không đâu xa chính là anh em, bạn bè, hàng xóm xung quanh, khi đấu xong lại vui vẻ, thân thiết như trước. Mọi người đều thích ở đây tinh thần thể thao, nam tính, cùng những trang phục cổ truyền sặc sỡ, ấn tượng của mỗi nam nhi, như các loại mũ đội đầu, các loại quấn chẽn và những vại bia đầy tràn, đặc sản độc đáo của vùng Alps.

Theo Topend Sports

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/keo-ngon-tay-mon-the-thao-gay-can-idc91jfng.html