Kết cục của viên tướng tình báo Liên Xô đào tẩu sang Nhật Bản

Thấy có thể gặp nguy hiểm, Genrikh Lyushkov - một chỉ huy cao cấp của Bộ Dân ủy nội vụ Liên Xô (NKVD) đã trốn sang Nhật Bản, tiết lộ nhiều bí mật của Liên Xô và tham gia ám sát nhà lãnh đạo Joseph Stalin. Kết cục, ông ta trở thành nạn nhân của sự phản bội của chính mình.

Viên tướng đào tẩu Genrikh Lyushkov

Viên tướng đào tẩu Genrikh Lyushkov

Genrikh Lyushkov sinh năm 1900 tại Ukraine. Vào năm 1918, Genrikh gia nhập Hồng quân, sau đó trở thành chính trị viên kiêm thư ký Ban công tác chính trị Lữ đoàn xung kích và được trao tặng Huân chương Cờ đỏ. Năm 1920, Genrikh trở thành Chính ủy Lữ đoàn 14, được Ủy ban Đặc biệt toàn Nga về Đấu tranh chống Phản cách mạng và Phá hoại ngầm tuyển dụng, được cử làm người được ủy quyền của đơn vị đặc biệt thuộc Sư đoàn súng trường 57…

Sau này, Genrikh còn là lãnh đạo của các đơn vị thuộc OGPU (Tổng cục Chính trị Quốc gia toàn liên bang) tại Ukraine… Vào năm 1931, Genrikh được điều động về NKVD. Trước đó, Genrikh tới Đức, tham gia hoạt động gián điệp công nghiệp. Năm 1933, Genrikh tham gia điều tra một loạt vụ án lớn, trong đó có vụ sát hại Sergei Kirov, người đồng chí thân thiết của lãnh tụ J.Stalin…

Genrikh sau đó được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Dân ủy nội vụ vùng Azov - Chernomorsky. Do chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, ngày 31-7-1937, ông này được cử làm người đại diện toàn quyền của NKVD tại vùng Viễn Đông và được J.Stalin giao nhiệm vụ. Genrikh được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính ủy an ninh quốc gia hạng 3 (ngang với Tư lệnh quân đội; sau khi phục hồi quân hàm trước cách mạng, chức vụ này ngang với cấp bậc Trung tướng).

Nhưng đầu năm 1938, khi đến Mátxcơva, Genrikh nhận thấy mình dường như bị theo dõi. Sau đó, Genrikh đã nhận được bức điện tín có nội dung cho thôi giữ chức vụ tại Viễn Đông và đến nhận công tác tại NKVD. Cho rằng mình gặp nguy hiểm, Genrikh nảy sinh ý định đào tẩu.

Tuy nhiên, Genrikh vẫn báo cáo cấp trên rằng mình sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới và lên kế hoạch kiểm tra một số đơn vị.

Genrikh đã gặp gỡ những người cung cấp thông tin ở khu vực biên giới giáp với Mãn Châu (Trung Quốc). Ngày 13-6-1938, Genrikh nói là đi gặp điệp viên người Nhật Bản và đã biến mất.

Genrikh đã vượt biên giới sang Mãn Châu, đầu hàng lính biên phòng, giao cho lực lượng phản gián Nhật Bản những tài liệu nghiệp vụ mang theo và thông báo vị trí 7 trạm bắt sóng vô tuyến của Liên Xô... Tại cuộc họp báo ở Tokyo sau đó, Genrikh kể về công việc của mình ở NKVD...

Genrikh còn cung cấp cho phía Nhật Bản các kế hoạch triển khai quân đội Liên Xô ở Viễn Đông, Ukraine, Siberia. Nhưng Genrikh không tiết lộ danh tính của một điệp viên Liên Xô có giá trị nào. Năm 1939, Genrikh tham gia nhóm biệt kích với mục đích ám sát J.Stalin.

Trước đó, phía Nhật Bản đã biết được rằng vào đầu tháng 1-1939, J.Stalin đi nghỉ ở Sochi. Genrikh biết rõ nơi đó. Nhóm biệt kích muốn đến Sochi qua các hẻm núi ở Abkhazia. Do được biết trước về âm mưu của bọn biệt kích, lực lượng biên phòng Liên Xô đã nổ súng. 3 lính biệt kích bị tiêu diệt, 4 đối tượng (gồm cả Genrikh) đã chạy thoát rồi trở về Nhật Bản…

Sau khi nhận quốc tịch Nhật Bản, Genrikh được cho là làm việc tại Văn phòng nghiên cứu Đông Á tại Bộ Tổng tham mưu của Nhật Bản. Còn khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông ta trở thành cố vấn của phòng 2 thuộc Bộ Tham mưu Đạo quân Quan Đông.

Vào tháng 8-1945, các sĩ quan của Đạo quân Quan Đông gồm người đứng đầu Phái bộ quân sự Nhật Bản ở Đại Liên (Trung Quốc), Yutaka Takeoka và chỉ huy bộ phận tình báo, Arimitsa Kazuo thuật lại việc loại bỏ Genrikh tại Đại Liên khi quân đội Liên Xô tới gần vì ông ta bị coi là điệp viên hai mang.

Khi đó, Takeoka đã yêu cầu Genrikh đến bến cảng tìm con tàu phù hợp để cứu những người bị thương. Trên đường đi, Takeoka dùng khẩu súng Browning bắn vào ngực Genrikh, sau đó ra lệnh cho Kazuo bắn vào thái dương ông ta. Xác của Genrikh đã được hỏa thiêu ngay trong đêm hôm ấy dưới vỏ bọc của một lính Nhật tự sát…

Theo Lenta

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ket-cuc-cua-vien-tuong-tinh-bao-lien-xo-dao-tau-sang-nhat-ban-post543430.antd