Khắc phục chồng chéo trong công tác chống buôn lậu

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới những tháng cuối năm 2020 vẫn diễn biến phức tạp ở cả tuyến đường bộ, đường biển, hàng không. Hoạt động vi phạm không chỉ diễn ra ở kênh bán hàng trực tiếp mà còn trên cả kênh bán hàng trực tuyến.

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới những tháng cuối năm 2020 vẫn diễn biến phức tạp ở cả tuyến đường bộ, đường biển, hàng không. Hoạt động vi phạm không chỉ diễn ra ở kênh bán hàng trực tiếp mà còn trên cả kênh bán hàng trực tuyến.

Những tháng cuối năm nay, các đối tượng buôn lậu tiếp tục sử dụng nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi, như: khai báo không đúng thực tế hàng hóa; khai báo sai về tên hàng, mã số thuế, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá; sửa chữa, giả mạo hồ sơ, tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chờ được cấp giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan kiểm tra chuyên ngành; đăng ký kiểm tra vào giờ cao điểm; chọn “luồng xanh”, “luồng vàng” để thông quan hàng hóa...

Ưu tiên tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất, nhập cảnh nhưng chúng ta cũng cần đề cao công tác kiểm soát là định hướng trọng tâm chống buôn lậu của toàn ngành. Trong đó, tập trung thực hiện tốt các công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm xác định đối tượng, địa bàn trọng điểm, hàng hóa trọng điểm để phát hiện, đấu tranh. Bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác này nhằm xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế cho từng địa bàn. Bên cạnh việc chủ động phối hợp các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, toàn ngành cần tăng cường cải cách, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế, triệt tiêu nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.

Trong 10 tháng năm 2020, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 13.433 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 3.339 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 578,5 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 32 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 95 vụ. Để đạt thành tích nêu trên, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn, khắc phục nhiều vướng mắc trong các quy định pháp luật về công tác xử lý vi phạm, công tác điều tra hình sự. Tuy nhiên, mới đây lại phát sinh nguy cơ chồng chéo về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan hải quan và bộ đội biên phòng. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 của Luật Biên phòng Việt Nam (vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022) quy định nhiệm vụ của bộ đội biên phòng được quyền kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật, nhưng không giới hạn phạm vi, đối tượng kiểm soát, dẫn đến việc bộ đội biên phòng có quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện vận tải ở cả khu vực cửa khẩu thuộc địa bàn hoạt động của hải quan. Trong khi đó, theo Luật Hải quan năm 2014, trong địa bàn hoạt động của mình, cơ quan hải quan chủ trì kiểm tra, giám sát, kiểm soát toàn bộ phương tiện xuất, nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, chất độc, chất nổ, tài liệu phản động... bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng theo nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao. Như vậy, khi Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực thi hành, cả hai cơ quan (hải quan và biên phòng) sẽ cùng thực hiện một nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho một phương tiện xuất, nhập cảnh.

Vì thế, trong giai đoạn mới, ngành hải quan và biên phòng cần xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp theo hướng tuân thủ các văn bản pháp luật hiện hành trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi bên. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được kịp thời bàn bạc thống nhất giải quyết dựa trên quy định của pháp luật, yêu cầu nghiệp vụ cụ thể. Quan trọng hơn, việc phối hợp thực thi pháp luật phải làm sao bảo đảm yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất, nhập cảnh, quá cảnh, nếu không sẽ làm kéo dài thời gian thông quan, gây phiền hà cho doanh nghiệp, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, phát sinh thêm chi phí (thí dụ, cơ quan hải quan đã làm thủ tục hải quan, thu phí, thuế nhưng biên phòng vẫn có thể làm thủ tục, kiểm tra lại), có thể phát sinh cả trường hợp cơ quan hải quan đã cho phép thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh, nhưng biên phòng chưa kiểm tra thì cũng chưa được thông quan... Trong khi đó, nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu lại dễ bị đùn đẩy, khó quy trách nhiệm cơ quan chủ trì khi phát sinh các hoạt động vi phạm pháp luật.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/khac-phuc-chong-cheo-trong-cong-tac-chong-buon-lau-629242/