Khắc phục hạn chế khi điều trị tim mạch ở BVĐK tỉnh Bình Định

Trong nhiều tháng qua, một số gia đình bệnh nhân ở Bình Định bức xúc trước cảnh người thân tử vong khi điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch, thực hiện các kỹ thuật can thiệp ở BVĐK tỉnh Bình Định. PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Võ Thành Nam Bình, Phó GĐ BVĐK tỉnh Bình Định quanh vấn đề này.

Bác sĩ Võ Thành Nam Bình.

Bác sĩ Võ Thành Nam Bình.

PV: Xin ông cho biết vấn đề điều trị tim mạch ở bệnh trong thời gian gần đây diễn ra thế nào?

BS. Võ Thành Nam Bình: Chúng tôi đã điều trị và can thiệp thành công cũng nhiều rồi. Nhưng biến chứng cũng có. Thường biến chứng nằm ở các đối tượng có bệnh nền, bệnh kèm quá nhiều. Bệnh viện cũng đã cố gắng nâng cao kỹ thuật và máy móc.

Từ các biến chứng, thân nhân người bệnh đã gửi đơn đến khiếu nại đến viện. Điển hình như một bệnh nhân ở Gia Lai, một bệnh nhân ở Bình Định. Việc này xử lý thế nào rồi, thưa bác sĩ?

Với sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế Bình Định và lãnh đạo bệnh viện đã họp phân tích những hạn chế và cái đã làm được, đa số bệnh nhân biến chứng và tử vong sau khi can thiệp, điều trị tim mạch ở đây đều rất lớn tuổi, tổn thương đã nặng. Thường nếu quá thận trọng thì đã chuyển tuyến trên. Nhưng bác sĩ cũng đã nắm bắt tình hình và gia đình cam kết đồng ý nên mới làm ở đây vì đằng nào cũng nặng rồi.

Một ca can thiệp điều trị bệnh tim mạch.

Một ca can thiệp điều trị bệnh tim mạch.

Từ các sự cố đó, rút ra quyết định gì?

Trên cơ sở một số biến chứng, chúng tôi đã xác định không làm (phẫu thuật, can thiệp) tim mạch với các ca bệnh nặng nữa. Khi làm phải có đơn nguyên hỗ trợ tích cực về xử lý biến chứng. Nếu muốn làm các thủ thuật liên quan thì phải được sự đồng ý của Ban giám đốc và ý kiến khách quan của các bác sĩ chuyên về tim mạch để thẩm định bệnh nền và độ tuổi chứ không để hội chẩn ở cấp khoa không rồi tiến hành làm. Như vậy vừa tốn kém vừa gây ảnh hưởng không hay.

Các gia đình nạn nhân bức xúc nhiều vậy, phía bệnh viện giải quyết ra sao, thưa bác sĩ?

Đã nhận được đơn khiếu nại của gia đình nạn nhân và đang trong quá trình giải quyết theo các trình tự, báo cáo cẩn thận. Sở Y tế nữa cũng đã có chỉ đạo. Chúng tôi phải làm trình tự, phải chuẩn, phải hỏi kỹ ý kiến các chuyên gia đầu ngành, xem lại các quy trình khi tiến hành xử lý các ca bệnh tim mạch có phù hợp không. Nếu khi có kết luận thuyết phục rồi thì phải làm cho chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng đánh giá xem đủ lực về con người và cơ sở vật chất đảm bảo chưa. Phải có đội ngũ xử lý biến chứng mới làm thủ thuật tim mạch tiếp.

Cùng với việc phân tích, khắc phục và tìm lời giải cho các khiếu nại của gia đình bệnh nhân thì thực trạng hoạt động của bệnh viện hiện nay ra sao, thưa bác sĩ?

Bệnh viện hiện viện có 1.120 giường. Số lượng giường bệnh thực kê 1.460 giường. Đảm bảo đủ diện tích hoạt động, diện tích sàn bình quân trên giường bệnh đạt 60m2 trở lên. Bệnh viện đã trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại như máy cộng hưởng từ (MRI), CT- scanner, DSA, nội soi... có thể chẩn đoán sớm, chính xác bệnh khó. Hiện nay, bệnh viện được trang bị thêm nhiều trang thiết bị mới từ dự án JICA/Nhật hỗ trợ về trang thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực cho bệnh viện thuộc dự án phát triển bệnh viện tỉnh, vùng giai đoạn II. Hy vọng sẽ sớm khắc phục được các khó khăn để tạo dựng niềm tin cho người bệnh. Đặc biệt, các ca tim mạch khó sẽ rất thận trọng khi tiến hành làm tại bệnh viện.

Hà Văn Đạo (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khac-phuc-han-che-khi-dieu-tri-tim-mach-o-bvdk-tinh-binh-dinh-n185504.html