Khắc phục khó khăn về nguồn vật liệu tại dự án cao tốc Bắc - Nam

Nhiều dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đang được đồng loạt triển khai. Công tác thi công hiện bước vào giai đoạn khẩn trương, nỗ lực bám sát kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, nguồn cung vật liệu cho dự án đang thiếu hụt là một trong những vấn đề cần tháo gỡ, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ và giúp bảo đảm chất lượng công trình.

Nhu cầu hàng chục triệu mét khối đất đắp

Là một trong các nhà thầu tham gia liên doanh đảm nhiệm thi công gói thầu 11-XL thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đã huy động những đơn vị giàu kinh nghiệm, năng lực để thực hiện dự án. Theo Trung tá Hoàng Việt Võ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần (CTCP) Phát triển hạ tầng 319 (Tổng công ty 319), đơn vị trực tiếp thi công gói thầu 11-XL, được tham gia dự án trọng điểm quốc gia là vinh dự lớn đi kèm với trách nhiệm cao, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công ty đã có những bước chuẩn bị chu đáo, tập trung cao độ, dồn toàn lực cho dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45. Công ty CP Phát triển hạ tầng 319 đã tham gia nhiều công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn-Cầu Giát, đường tuần tra biên giới... Thiếu tá Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc CTCP Phát triển hạ tầng 319 cho biết, đơn vị luôn chú trọng kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng, bảo đảm yêu cầu khắt khe của dự án. Ví dụ như vật liệu đầu vào phải được kiểm nghiệm, có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng mới đưa vào phục vụ thi công.

 Vận chuyển vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Vận chuyển vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Bảo đảm nguồn cung ứng vật liệu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các đơn vị đang tham gia thi công trên tuyến cao tốc Bắc-Nam. Ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp cho 11 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam (tổng chiều dài hơn 650km) là khoảng 52 triệu m3. Trong đó, dự án thành phần đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu cần 4,5 triệu m3, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt cần hơn 7 triệu m3, đoạn Nha Trang-Cam Lâm cần 5,3 triệu m3... Theo ông Lê Quyết Tiến, các dự án như Mai Sơn-Quốc Lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây bắt đầu xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu.

Với những dự án đang trong giai đoạn thi công nền móng, nhu cầu vật liệu đất đắp rất lớn. Đơn cử như đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, theo Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long, đại diện chủ đầu tư, nhu cầu vật liệu của dự án cần khoảng 7 triệu m3 đất. Kết quả điều tra, khảo sát và danh sách nguồn cung cấp vật liệu đã được tỉnh Thanh Hóa thống nhất, cơ bản đáp ứng nhu cầu. "Vướng mắc hiện nay là nhiều mỏ nằm trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép. Các mỏ đang khai thác trữ lượng ít, công suất nhỏ, khiến nguồn cung thiếu trầm trọng, dẫn đến nhà thầu gặp khó khăn trong việc bảo đảm vật liệu đất đắp, quãng đường vận chuyển xa hơn và khi nhu cầu tăng làm giá thành bị đẩy lên cao hơn”, ông Lương Văn Long, Giám đốc dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 (Ban QLDA Thăng Long) chia sẻ. Dự án này cũng gặp khó khăn do địa phương chưa xác định được nơi đổ thải, khiến phần đất, đá cào bóc hữu cơ đang phải tập kết tại công trường, ảnh hưởng đến mặt bằng thi công.

Đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ vật liệu theo quy hoạch

Ngay từ bước thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế đã khảo sát các mỏ vật liệu tại địa bàn có dự án đi qua để làm cơ sở cho việc triển khai thi công. Theo khảo sát của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đối với dự án cao tốc đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đi qua địa bàn tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa, khu vực này có 16 mỏ đất có thể cung cấp vật liệu cho dự án với trữ lượng khoảng 15 triệu m3, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 7 triệu m3 đất đắp. Trên cơ sở quy hoạch mỏ vật liệu, Ban QLDA Thăng Long đã làm việc với các địa phương nơi dự án đi qua đề nghị sớm cấp phép cho các mỏ vật liệu và tăng công suất với mỏ đang khai thác. Tại tỉnh Ninh Bình có mỏ đồi Giàng với trữ lượng từ 900.000 đến 1 triệu m3, mỏ Sòng Vặn trữ lượng khoảng 3,5 triệu m3; tỉnh Thanh Hóa có mỏ đồi Ao trữ lượng 900.000 m3...

Giải pháp cơ bản nhất để khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu tại các dự án cao tốc trên tuyến Bắc-Nam hiện nay là đẩy mạnh nguồn cung, đặc biệt là nhanh chóng đưa vào khai thác những mỏ vật liệu đã được quy hoạch, tăng sản lượng các mỏ đáp ứng đủ điều kiện. Khi nguồn cung vật liệu được bảo đảm, giá cả sẽ được bình ổn. Tuy nhiên, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban QLDA 7, đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết lo ngại, thời gian hoàn thiện cấp phép một mỏ vật liệu khoảng 6-8 tháng. Trong khi đó, để đáp ứng tiến độ dự án, từ nay đến cuối năm 2021 nhu cầu cần khoảng 8 triệu m3 vật liệu.

Từ phía địa phương, ông Nguyễn Thế Hùng, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đi qua gồm đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu. Để cung cấp vật liệu cho các dự án này, nếu chỉ dựa vào các mỏ đã cấp phép thì thiếu hụt nghiêm trọng. Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã thông tin đến các chủ mỏ hiện đang khai thác, đề nghị gửi hồ sơ để xem xét nâng công suất. Với những mỏ nằm trong quy hoạch đã phê duyệt sẽ ưu tiên đẩy nhanh thời gian cấp phép.

Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT), Luật Khoáng sản quy định, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát sỏi, đất sét, đất đắp đường, đá vôi... thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh. Do đó, UBND cấp tỉnh hoàn toàn có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhằm đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ cho dự án phát triển kinh tế-xã hội. Hệ thống quy định pháp luật về khoáng sản đã tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế, vấn đề là cách tổ chức thực hiện tại các địa phương. Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, vấn đề nguồn cung vật liệu cho cao tốc Bắc-Nam được kỳ vọng sẽ sớm tìm ra lời giải, qua đó, giúp dự án hạ tầng giao thông trọng điểm này hoàn thành đúng kế hoạch và yêu cầu đề ra.

Bài và ảnh: HƯNG MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khac-phuc-kho-khan-ve-nguon-vat-lieu-tai-du-an-cao-toc-bac-nam-656061