Khắc phục mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai

Mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai rất thường gặp và đôi khi khá nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn gây đau nhức, khó chịu...

Vì sao phụ nữ mang thai hay bị mụn trứng cá?

Không phải tất cả phụ nữ mang thai đều bị mụn trứng cá, nhưng tỉ lệ này cao hơn so với bình thường. Ở phụ nữ có tiền sử trước đó có mụn trứng cá giai đoạn dậy thì hoặc chu kỳ kinh nguyệt thì có nguy cơ cao hơn xuất hiện mụn trứng cá trong thời gian có thai.

Thông thường, mụn trứng cá thường xuất hiện trong 3 tháng đầu thời kỳ mang thai, sau đó sẽ hết dần. Tuy nhiên, có một số chị em bị mụn trứng cá cho đến hết thời kỳ mang thai.

Đây không phải là dạng khác biệt so với mụn trứng cá bình thường, mà do sự thay đổi nội tiết tố đột ngột. Trong đó nồng độ các hormone trong cơ thể như progesterone và estrogen, hormone androgen đều tăng cao. Đặc biệt, nồng độ hormone androgen tăng cao hơn bình thường khiến da tăng sản xuất dầu nhờn. Quá trình này gây bít tắc lỗ chân lông, tích lũy chất bã và tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, từ đó hình thành mụn trứng cá.

Mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai chủ yếu do sự tăng cao các nội tiết tố.

Mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai chủ yếu do sự tăng cao các nội tiết tố.

Da của phụ nữ mang thai cũng nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng với mỹ phẩm, kể cả mỹ phẩm trước đây quen dùng. Mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai có thể gặp khi sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da hoặc khi trang điểm.

Thói quen ăn uống, khẩu vị thay đổi ăn nhiều đồ ngọt, đồ cay nóng, giấc ngủ kém... cũng là nguyên nhân gây mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai.

Cách giải quyết mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai

Mụn trứng cá thời kỳ mang thai thường nghiêm trọng, thậm chí có mụn mủ, mụn bọc... Mặc dù đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng và có thể sẽ hết dần khi mức nội tiết tố dần ổn định. Tuy nhiên, khi mụn trứng cá quá mức sẽ khiến chị em khó chịu, đau nhức, ảnh hưởng đến thẩm mỹ... nên được xử lý.

Ở giai đoạn mang thai nếu sử dụng thuốc điều trị mụn trứng cá (cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn) bất cẩn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Mụn trứng cá khi mang thai có thể sẽ hết hoàn toàn khi nội tiết tố ổn định, nên đa số trường không không cần phải điều trị. Ở một số trường hợp bị mụn trứng cá nghiêm trọng cũng cố gắng tránh sử dụng các loại thuốc mà nên sử dụng phương pháp chăm sóc da an toàn, đơn giản:

- Làm sạch và chăm sóc da: Da được làm sạch đúng cách, giúp lỗ chân lông thông thoáng sẽ hạn chế sự tích tụ chất bã nhờn và ngăn ngừa vi khuẩn gây mụn trứng cá.

Nên sử dụng sữa rửa mặt có tính chất nhẹ để rửa mặt với nước ấm mỗi ngày 2 lần. Không sử dụng khăn để rửa mặt. Trước khi rửa mặt, nên tẩy trang bằng sản phẩm lành tính. Tẩy da chết mỗi tuần 2 lần với sản phẩm chuyên biệt dành cho thai phụ. Quá trình vệ sinh da mặt cần nhẹ nhàng, tránh làm trầy xước mụn. Không nặn trứng cá bởi nguy cơ nhiễm trùng, để lại sẹo xấu. Không sờ tay lên mặt hoặc để các vật thường dùng như mũ, khăn... chạm lên mặt.

Gội đầu mỗi tuần 3 lần để làm sạch chất dầu nhờn tiết ra quá nhiều ở da đầu. Trường hợp có mụn trứng cá ở da đầu, nên gội đầu hằng ngày (sử dụng sản phẩm dầu gội dịu nhẹ).

- Chọn sản phẩm chăm sóc da lành tính, phù hợp với type da: Xác định type da của mình thuộc loại nào để chọn sản phẩm phù hợp. Từ dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, kem tẩy trang, kem tẩy da chết, kem dưỡng da... đều cần sản phẩm dịu nhẹ, tránh gây kích ứng da. Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm, trang điểm, kem che khuyết điểm, kem chống nắng dạng dầu... bởi gây bít tắc lỗ chân lông khiến mụn trứng cá càng nhiều hơn. Nên sử dụng kem chăm sóc da, kem chống nắng dạng nước.

Nên ưu tiên chọn sản phẩm được chiết xuất tự nhiên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không tùy tiện mua hàng trôi nổi, kém chất lượng.

Tăng cường thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C... để giúp làn da khỏe đẹp.

Tăng cường thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C... để giúp làn da khỏe đẹp.

- Chế độ ăn uống: Nên sử dụng thức ăn cân bằng dinh dưỡng, tránh tăng cân quá mức. Bổ sung các loại rau quả chứa nhiều vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin B2.

Các loại rau xanh có tính thanh mát giúp thanh nhiệt giải độc, các loại quả mọng giàu chất chống oxy hóa, gồm: Bông cải xanh, bắp cải, mồng tơi, cà rốt... trái cây họ cam, các loại hạt dinh dưỡng, sữa chua, cá hồi, cá mòi...; hạn chế chế biến thức ăn bằng cách chiên xào, nêm nếm nhiều gia vị; loại bỏ thức ăn có tính cay, nóng, đậm mùi... Bổ sung nước đầy đủ.

- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ khoảng 8 tiếng mỗi ngày, đi ngủ trước 10 giờ 30. Nên có giấc ngủ ngắn vào buổi trưa khoảng 30 phút. Khi ngủ đủ với chất lượng giấc ngủ tốt sẽ giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện tinh thần và hạn chế mụn trứng cá.

Trường hợp mụn trứng cá nặng, muốn điều trị cần hỏi ý kiến bác sĩ da liễu.

Cách chăm sóc da ngày hè đơn giản.

CN.Quỳnh Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khac-phuc-mun-trung-ca-o-phu-nu-mang-thai-169240704091501864.htm