Khắc phục tình trạng thiếu thiết chế văn hóa cơ sở: Nỗ lực thực hiện các giải pháp

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu và chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao là một trong những hạn chế được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội. Hiện nay, các cấp, ngành liên quan và chính quyền cơ sở đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, tạo điều kiện nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thôn có nhà văn hóa. Trong ảnh: Người dân chơi thể thao tại khuôn viên Nhà Văn hóa thôn Yên Viên (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Thiếu và chưa đồng bộ

Do thiếu nhà văn hóa, nhiều năm qua, gian nhà cấp bốn giữa chợ làng là nơi người dân thôn Sơn Thanh, xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên) hội họp và sinh hoạt văn hóa. Tình trạng này không phải là hiếm ở huyện Phú Xuyên. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Xuyên Hoàng Minh Giang cho biết, toàn huyện có tới 21 thôn phải tận dụng đình làng, trường mẫu giáo, trụ sở hợp tác xã cũ… làm nơi hội họp, sinh hoạt.

Tương tự, huyện Ứng Hòa cũng có tới 31 thôn chưa có nhà văn hóa; nhiều xã “trắng” nhà văn hóa như: Viên Nội, Đồng Tiến… Theo Bí thư Chi bộ thôn Giang Soi (xã Đồng Tiến) Phạm Đức Hoan, việc sử dụng chung với nhà mẫu giáo thôn rất bất tiện, lãnh đạo thôn thường phải vận dụng nhiều cách khác nhau để bảo đảm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Còn theo bà Dương Thị Hoa ở thôn Tiền (xã Viên Nội), thiếu nơi hội họp chung nên các hoạt động văn hóa, thể thao ở thôn khó duy trì đều đặn.

Tình trạng thiếu thiết chế văn hóa thôn còn có ở nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội. Đợt rà soát thực trạng nhà văn hóa thôn do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện cho thấy, toàn thành phố vẫn còn 187 thôn chưa có nhà văn hóa; 40 thôn khác tuy có nhà văn hóa nhưng đã xuống cấp do xây dựng từ lâu, cần sớm cải tạo, sửa chữa, bảo đảm điều kiện hoạt động.

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên xuất phát từ việc thiếu kinh phí xây dựng (158 thôn), chưa bố trí được quỹ đất xây dựng nhà văn hóa (9 thôn). Ngoài ra, 12 thôn đã được bố trí ngân sách huyện để xây dựng nhà văn hóa nhưng chưa khởi công; 7 thôn đã khởi công xây dựng nhưng chưa hoàn thành; 1 thôn đã có đất và kinh phí xây dựng nhưng vướng quy hoạch.

Một trong những mục tiêu mà Thành ủy Hà Nội đề ra tại Chương trình số 04/CTr-TU về “Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2016-2020 (Chương trình số 04/CTr-TU) là 100% thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, nhiệm vụ này mới đạt 92,2% (2.211/2.398 thôn có nhà văn hóa). Đây là thách thức không nhỏ cho thành phố khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc giai đoạn 2016-2020.

Nhà văn hóa thôn An Trai, xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) được đầu tư cải tạo sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương.

Phấn đấu 100% thôn, làng có nhà văn hóa

“Gỡ khó” cho mục tiêu này, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có Báo cáo số 88/BC-SVHTT gửi UBND thành phố Hà Nội trong đó kiến nghị, UBND thành phố hỗ trợ 100% vốn từ nguồn ngân sách thành phố để các địa phương hoàn thiện nhà văn hóa thôn, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong năm 2020. Đối với những khó khăn về quỹ đất xây dựng do vướng quy hoạch, thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng..., Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị thành phố chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn, đề xuất giải pháp thực hiện; chỉ đạo UBND các huyện chủ động bố trí kinh phí thực hiện trong năm 2020.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, trước mắt, thành phố đã có chủ trương để UBND các quận có điều kiện về ngân sách hỗ trợ UBND các huyện vốn đầu tư xây dựng các nhà văn hóa thôn còn thiếu trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 115/2020/QH14, ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Với những trường hợp khó khăn, chưa nhận được hỗ trợ để xây dựng nhà văn hóa thôn, UBND thành phố sẽ bố trí ngân sách nhằm phấn đấu 100% thôn, làng có nhà văn hóa vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Hoài Sơn, những giải pháp Hà Nội sẽ triển khai nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhà văn hóa thôn... là cần thiết để hoàn thành mục tiêu Thành ủy Hà Nội đề ra tại Chương trình số 04/CTr-TU, từng bước nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tiến tới hiện thực hóa các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII đề ra cho nhiệm kỳ 2020-2025. “Về việc thiếu quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, các địa phương có thể vận dụng việc chuyển đổi mục đích sử dụng các khu đất xen kẹt, công trình sử dụng không hiệu quả”, ông Bùi Hoài Sơn gợi ý.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức Đỗ Văn Thúy, bên cạnh việc hoàn thiện công trình, thiết chế văn hóa thôn cần có cơ chế khai thác hiệu quả, nhất là vào khung giờ mọi người ít sử dụng, từng bước xóa bỏ tình trạng hiệu quả sử dụng chưa cao, gây lãng phí công năng công trình.

Trong khi đó, ông Tô Văn Động thông tin thêm: “Để phát huy hiệu quả sử dụng thiết chế văn hóa ở cơ sở, hiện quy chế quản lý, hoạt động nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành dự thảo, đang khảo sát, đánh giá thực tế để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, sớm đưa vào thực hiện thời gian tới”.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/982575/khac-phuc-tinh-trang-thieu-thiet-che-van-hoa-co-so-no-luc-thuc-hien-cac-giai-phap