Khắc phục vướng mắc liên quan công trình thủy lợi tại Tánh Linh

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tánh Linh đã xảy ra không ít thiệt hại do nắng hạn, mưa lớn, gây ngập úng, hư hại diện tích cây trồng của người dân địa phương. Trong đó, một trong những nguyên nhân là các vướng mắc liên quan công trình thủy lợi trên địa bàn huyện.

Thiệt hại do mưa lũ

Chỉ tính riêng từ đầu mùa mưa đến nay, tại Tánh Linh đã xảy ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, công trình do mưa lũ. Đơn cử tối 19/5 đến sáng 20/5, tại địa phương này đã xảy ra mưa lớn kéo dài, nặng nhất tại 2 xã Đồng Kho và Đức Bình. Vào thời điểm trên, mưa lớn khiến nước tập trung đổ về hạ lưu nhiều, các cống tiêu (kênh N8 – xã Đức Bình) quá nhỏ không thể thoát nước kịp gây ra ngập úng cục bộ. Hậu quả khiến 52 ha lúa bị ngập, trôi giống, thiệt hại ước tính 200 triệu đồng. Ngay sau khi xảy ra ngập lớn cục bộ, địa phương đã huy động lực lượng nạo vét các tuyến kênh và khơi thông cây cối, rác tấp về tại các vị trí phay chắn công trình thủy lợi, các cống thoát nước trong khu dân cư nhằm khơi thông dòng chảy để nước rút nhanh, hạn chế ngập úng.

Mưa lũ gây ngập úng, thiệt hại hoa màu trên địa bàn Tánh Linh.

Mưa lũ gây ngập úng, thiệt hại hoa màu trên địa bàn Tánh Linh.

Theo ông Mai Trí Mân – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh, một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập lụt do mưa lớn trên địa bàn, là hiện nay cống tiêu hiện hữu được bố trí quá nhỏ. Vì vậy không thể thoát nước kịp gây ra ngập úng cục bộ thiệt hại diện tích sản xuất cánh đồng thôn 3, 4 xã Đức Bình từ nhiều năm nay. Do đó, địa phương đã đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT và một số đơn vị khẩn trương kiểm tra, thực hiện mở rộng khẩu độ cống tiêu kênh N8.

Còn tại xã Đức Thuận, kênh đất dẫn nước từ kênh chính Nam – hệ thống thủy lợi Tà Pao đi qua kênh tiêu Suối Tre có chiều dài khoảng 150 m, thường xuyên bị hư hỏng, sạt lở do kết cấu kênh đất cát pha. Đoạn mương này có lòng mương rộng khoảng 1,3 m, độ sâu 1,5 m, phục vụ nước tưới vụ đông xuân cho khoảng 170 lúa thuộc xứ Đồng Me và Bàu Nga vào mùa nắng. Do đó, để bảo đảm ổn định sản xuất cho người dân thôn Đồng Me và Phú Thuận, xã đề xuất xin UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng mương bằng bê tông xi măng, dẫn nước từ kênh chính Nam xuống kênh tiêu Suối Tre để phục vụ tưới tiêu, với tổng nhu cầu kinh phí khoảng 250 triệu đồng… Ngoài ra, các xã khác như Nghị Đức, Huy Khiêm, Đức Thuận, Đồng Kho, Gia An, Bắc Ruộng, thị trấn Lạc Tánh… đều có báo cáo đến huyện về việc khắc phục các vướng mắc liên quan đến công trình hệ thống thủy lợi Tà Pao trên địa bàn huyện.

Thiệt hại do mưa lũ tại Tánh Linh.

Thiệt hại do mưa lũ tại Tánh Linh.

Cần khắc phục các vướng mắc

UBND huyện Tánh Linh cho biết, qua rà soát các kiến nghị của các xã, thị trấn liên quan đến dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao, hiện nay địa phương đã có báo cáo tiến độ triển khai khắc phục các vướng mắc liên quan đến dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao và đề xuất hỗ trợ đầu tư các hạng mục nằm ngoài dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao trên địa bàn huyện đến Sở Nông nghiệp và PTNT.

Đập dâng Tà Pao.

Đập dâng Tà Pao.

Theo đó, đối với nhóm hạng mục đề xuất hỗ trợ đầu tư nằm ngoài dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao, UBND huyện Tánh Linh đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí khoảng 900 triệu đồng, thực hiện nạo vét, mở rộng tuyến kênh hiện trạng K16+425. Đầu tư xây dựng kênh bê tông xi măng dẫn nước từ kênh chính Nam xuống kênh tiêu Suối Tre để phục vụ tưới tiêu cho hơn 70 ha lúa thuộc xứ Đồng Me và Bàu Nga xã Đức Thuận vào mùa nắng. Đối với nhóm hạng mục công trình vướng mắc do đơn vị Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Thuận - Chi nhánh La Ngà quản lý, để đảm bảo công tác bơm tưới trong mùa khô hạn cho các diện tích sản xuất vụ và tiêu thoát lũ trong mùa mưa, UBND huyện Tánh Linh đề nghị các ngành chức năng của tỉnh và đơn vị liên quan thực hiện sớm các nội dung vướng mắc chưa được khắc phục để giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định đời sống. Trong đó, có tuyến kênh K16+425 từ điểm cuối đến cầu đồng C đã được đầu tư thi công vào năm 2020. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, dòng chảy của 2 tuyến kênh nhập lại dẫn đến lưu lượng nước rất lớn nên làm cho đoạn kênh còn lại không thoát hết nước dẫn làm ngập khoảng 20 ha diện tích lúa tại cánh đồng C, gây thiệt hại sản xuất người dân xã Đức Phú. Ngoài ra, đê bao suối Lập Lài dài 6,3 km trên bờ trái của đê bao đã lắp đặt 4 vị trí phay chắn ngăn lũ và tiêu thoát lũ trong mùa mưa, bờ phải của đê bao có 1 vị trí cống tiêu dùng để ngăn lũ và tiêu thoát lũ cho hơn 70 ha lúa khu vực Bàu Bèo. Tại vị trí cống này chưa được lắp đặt phay chắn nên mỗi khi nước suối Lập Lài dâng cao tràn vào ruộng gây ngập úng, hư hại lúa của nhân dân xã Huy Khiêm…

Được biết trước đó, vào quý 4/2023, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình NN và PTNT tỉnh đã có văn bản đến một số công ty, đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công đề nghị khẩn trương thực hiện hoàn thành các nội dung kiến nghị của địa phương liên quan đến dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao. Đến nay, đối với nhóm hạng mục công trình vướng mắc do đơn vị Chi nhánh La Ngà quản lý đã khắc phục được 3 nội dung và chưa khắc phục được 6 nội dung. Các vướng mắc liên quan đến hệ thống thủy lợi Tà Pao đã thi công xây dựng 1 cống dẫn nước và lắp đặt thêm thiết bị đóng mở tại hệ thống kênh tiêu T1-1, còn lại một số nội dung chưa khắc phục tại tuyến kênh BN 17 (Nghị Đức), kênh bê tông BN 1B (Huy Khiêm), tuyến kênh BN1 thuộc kênh chính Bắc chạy từ Trạm bơm Đồng Kho - Huy Khiêm ra Trạm bơm Bắc Ruộng…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/khac-phuc-vuong-mac-lien-quan-cong-trinh-thuy-loi-tai-tanh-linh-120092.html