Khai báo y tế, quyền lợi và trách nhiệm

PTĐT - Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện trở lại, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã chủ động nỗ lực, đảm bảo công tác phòng, chống dịch một cách tốt nhất để người dân được đón Tết an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số người thiếu ý thức, gian dối khi khai báo y tế hay trốn cách ly, không tuân thủ nghiêm các quy định về cách ly… đã trở thành nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đã đến lúc mỗi người dân cần nâng cao ý thức của mình trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để chung tay ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Người dân huyện Thanh Ba chủ động đến các cơ sở chức năng để khai báo y tế

Người dân huyện Thanh Ba chủ động đến các cơ sở chức năng để khai báo y tế

F1 trốn khai báo y tế gây hoang mang trong cộng đồng

Vừa qua, người dân trên địa bàn huyện Thanh Ba đã rất hoang mang trước thông tin một đối tượng đi từ vùng dịch trở về địa phương nhưng không khai báo y tế và không được cách ly kịp thời.

Qua điều tra xác minh của các cơ quan chức năng, trường hợp này là Lê Thị Minh Phượng có địa chỉ thường trú tại xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba. Chị Phượng là nhân viên của một cơ sở kinh doanh dịch vụ tại khu đô thị Ghé, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương – một trong những ổ dịch lớn nhất hiện nay.

Điều đáng nói, chị này đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân số 1871, là nhân viên làm cùng trước khi trở về địa phương. Sau đó, ngày 31/1, chị Phượng đã bắt xe ô tô khách để trở về quê. Từ ngày 1-6/01, chị Phượng đã di chuyển đến nhiều địa điểm công cộng như đi cắt tóc, đi chợ tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh và chợ Khải Xuân, huyện Thanh Ba.

Chỉ đến khi Công an xã Quảng Yên nhận được thông tin của Công an tỉnh Hải Dương về trường hợp F1 là chị Phượng do có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 1871 thì chị Phượng mới được đưa đi cách ly theo quy định. Đến ngày 7/2, chị Phượng đã được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm với SARS-CoV-2 và cho kết quả âm tính lần 1.

Ngay sau đó, UBND huyện Thanh Ba đã ra văn bản yêu cầu tất cả công dân trên địa bàn đang làm ăn xa, lao động, du lịch, thăm thân, đi học ngoài địa bàn tỉnh khi trở về địa phương ăn tết Tân Sửu 2021 phải đến Trạm Y tế xã, thị trấn thực hiện việc khai báo y tế theo dõi sức khỏe. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng Công an, Trạm Y tế, tổ phòng chống COVID-19 ở khu dân cư giám sát thường xuyên việc tuân thủ các quy định cách ly, theo dõi y tế tại nơi cư trú đối với người thực hiện cách ly tại nhà bảo đảm đúng đối tượng, đủ thời gian theo quy định, tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Xử lý nghiêm những đối tượng chốn cách ly, không thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Người dân huyện Lâm Thao chủ động khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI trên điện thoại

Người dân huyện Lâm Thao chủ động khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI trên điện thoại

Hợp tác khai báo y tế - quyền lợi và trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Khi người dân đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm/nghi nhiễm COVID-19 mà không tự giác khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực sẽ gây ra hậu quả khó lường. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, khoanh vùng, truy vết các F1, F2, F3… và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là tự giác thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI, nhất là đối với những người đi về từ vùng dịch hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

“Khai báo y tế vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay thì việc làm này càng trở nên cấp thiết nhằm chung tay ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh” - Tiến sĩ Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định.

Tại Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Do đó, theo quy định tại Điều 6, Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh bị phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng; che giấu hiện trạng bệnh của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh; không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh theo yêu cầu bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Người nào không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ tỉnh đến cơ sở đã làm thay đổi được nhận thức của người dân. Đến nay, phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tốt các biện pháp phòng bệnh; tích cực, tự giác khai báo y tế tại các cơ sở y tế, trên ứng dụng NCOVI khi thấy mình có nguy cơ lây nhiễm hoặc có di chuyển qua các vùng dịch.

Là trường hợp F2 liên quan đến bệnh nhân 1.567 là nhân viên Sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, bà H. T. L. (phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) cho biết: Sau khi biết thông tin về bệnh nhân 1.567, tôi đã chủ động thực hiện khai báo y tế để thông báo việc mình có liên quan đến trường hợp này. Tôi thấy việc khai báo y tế rất cần thiết, giúp các cơ quan chức năng nắm bắt, kiểm soát, khoanh vùng được những trường hợp có yếu tố nguy cơ, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Phú Thọ đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, người dân trên địa bàn tỉnh cần nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được khuyến cáo. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện khai báo y tế một cách trung thực, chính xác, giúp cơ quan chức năng sớm phát hiện, khoanh vùng ổ dịch và đưa ra những phương án kiểm soát, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Hoàng Quý

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202102/khai-bao-y-te-quyen-loi-va-trach-nhiem-175328