Khai thác hiệu quả mô hình nông nghiệp gắn với du lịch

Ngày càng nhiều hộ gia đình, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh Bắc Giang tận dụng lợi thế của sản xuất nông nghiệp để phát triển dịch vụ du lịch, trải nghiệm, từ đó góp phần tăng giá trị kinh tế. Để duy trì sức sống cho những mô hình này, các cấp, ngành, chính quyền địa phương đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp.

Nhiều nhà vườn hấp dẫn du khách

Từ giữa tháng 5/2024 đến nay, vườn nho hạ đen của gia đình chị Chu Thị Hiển, thôn Tân Thành, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) tấp nập khách du lịch. Chị Hiển phấn khởi nói: “Những năm gần đây, cứ đến mùa thu hoạch cây ăn quả, khách du lịch ở nhiều nơi về huyện Lục Ngạn tham quan, trải nghiệm. Từ đó, một số tour du lịch miệt vườn ra đời. Nắm bắt cơ hội này, năm 2022, gia đình tôi trồng hơn 700 cây nho hạ đen để vừa thu quả, vừa tạo cảnh quan đẹp phục vụ du khách trải nghiệm, chụp ảnh. Nhờ liên kết với các HTX du lịch trên địa bàn huyện nên vườn nho của gia đình tôi ngày càng đón nhiều đoàn khách”.

 Du khách chụp ảnh tại vườn nho hạ đen ở xã Tân Mộc (Lục Ngạn).

Du khách chụp ảnh tại vườn nho hạ đen ở xã Tân Mộc (Lục Ngạn).

Hơn một tháng qua, nhà vườn tiếp gần 1 nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Tính riêng ngày 9/6 (Chủ nhật), gia đình chị đón hơn 300 khách tham quan. Du khách Nguyễn Thảo My, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia tour trải nghiệm miệt vườn ở huyện Lục Ngạn. Tôi đặc biệt ấn tượng với vườn nho hạ đen vì không gian sạch sẽ, thoáng mát, cảnh đẹp. Chúng tôi đã chụp nhiều bức ảnh làm kỷ niệm và còn tự tay thu hoạch những chùm nho chín làm quà”.

Có đông khách du lịch, lượng nho tiêu thụ cũng tăng nhanh. Chủ vườn nhẩm tính đã bán gần 2 tấn nho hạ đen; còn khoảng 2 tấn sẽ cho thu hoạch trong tháng 6, giá bán tại vườn từ 120-130 nghìn đồng/kg. Vào mùa nho chín, gia đình chị Hiển chuẩn bị đầy đủ nước uống, ghế ngồi, bố trí thêm hai nhân công phục vụ khách du lịch chu đáo.

Mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, trải nghiệm là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, thông qua đó các sản phẩm nông nghiệp được mọi người biết đến nhiều hơn, tiêu thụ thuận lợi.

HTX Rau sạch Yên Dũng, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) được biết đến là điểm tham quan hấp dẫn đối với học sinh. Định kỳ, HTX xây dựng chủ đề trải nghiệm phù hợp (tour nửa ngày hoặc 1 ngày tùy theo nhu cầu của du khách). Khi mới đi vào hoạt động (năm 2022), nhóm khách hàng HTX hướng đến là học sinh từ bậc mầm non đến THPT. Các em được tham quan khu vực trồng rau an toàn, tự tay làm đất, trồng cây, thu hoạch rau, củ quả và tham gia nhiều hoạt động thú vị khác. Vì tính chất mô hình trải nghiệm độc đáo nên từ đầu năm 2024 đến nay, HTX còn tiếp đón nhiều đoàn khách là sinh viên các trường đại học, cao đẳng đến tham quan, tổ chức hoạt động hướng nghiệp, tìm hiểu về hoạt động kinh doanh nông nghiệp.

Mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, trải nghiệm là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, thông qua đó nông sản được mọi người biết đến nhiều hơn, tiêu thụ thuận lợi. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều HTX, hộ gia đình đang áp dụng mô hình này như HTX Nông nghiệp Quyên Phong (Tân Yên); HTX Lục Ngạn xanh (Lục Ngạn); HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên (Yên Dũng); HTX Dứa sạch Hương Sơn (Lạng Giang); đầm sen của gia đình bà Nguyễn Thị Dự, phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên)...

Xây dựng cơ chế hỗ trợ

Đại diện Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) đánh giá, du lịch trải nghiệm khu vực nông thôn được xác định là loại hình có tiềm năng, đem lại nhiều giá trị. Tuy nhiên, một số mô hình hoạt động thiếu sự liên kết, chưa tạo thành các tour, tuyến; chủ yếu là dịch vụ tại chỗ; quy mô nhỏ; các chủ thể thiếu kinh phí, kinh nghiệm tổ chức. Để thúc đẩy sự phát triển của các mô hình nông trại, trang trại kết hợp du lịch, trải nghiệm, trước tiên, các HTX, hộ gia đình phải thay đổi tư duy sản xuất; đầu tư nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi; tạo cảnh quan đẹp thu hút du khách.

 HTX Rau sạch Yên Dũng đón nhiều học sinh đến tham quan, trải nghiệm.

HTX Rau sạch Yên Dũng đón nhiều học sinh đến tham quan, trải nghiệm.

Thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân đã bám sát chỉ đạo sản xuất của địa phương, lựa chọn những giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đem lại giá trị kinh tế cao như dưa lê Hàn Quốc, nho hạ đen, bưởi da xanh, hoa cúc chi, dứa, chè… Đặc biệt, người dân quan tâm bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới… thu hút khách du lịch. Tìm hiểu ở HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại Thanh Hải (Lục Ngạn) được biết, hàng nghìn cây bưởi da xanh, bưởi ngọt, cam lòng vàng của HTX được canh tác theo hướng hữu cơ.

Vào mùa thu hoạch, nơi đây như một bức tranh tuyệt đẹp, đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Năm nay, HTX đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao đối với sản phẩm “điểm du lịch Hoa Quả Sơn”. Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan chức năng, điểm du lịch này có cảnh quan đẹp; khu vực ăn uống, nghỉ ngơi sạch sẽ; có sự kết hợp với tour du lịch tâm linh-miệt vườn-sinh vật cảnh trên địa bàn huyện; cơ bản đủ các điều kiện chứng nhận sản phẩm OCOP.

Theo ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, khuyến khích xây dựng mô hình du lịch nông thôn. Từ đó đưa nội dung này vào nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác để triển khai thực hiện hiệu quả. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn cơ sở triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp song hành với bảo vệ môi trường, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các mô hình du lịch nông thôn để ngày càng thu hút du khách, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/khai-thac-hieu-qua-mo-hinh-nong-nghiep-gan-voi-du-lich-081838.bbg