Khai thác sức mạnh công nghệ để kết nối hải quan thế giới

Từ ngày 10 đến ngày 12/10/2023, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hội nghị và triển lãm công nghệ của Tổ chức Hải quan thế giới năm 2023 chính thức được diễn ra. Chủ đề của sự kiện năm nay là 'Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới và nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp'. Đây là sự kiện quốc tế lớn của Tổ chức Hải quan thế giới và là sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước đến nay đối với Hải quan Việt Nam.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Ảnh: Hồng Vân

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Ảnh: Hồng Vân

Xây dựng sự hiểu biết, chia sẻ, đồng hành

Hội nghị và triển lãm công nghệ 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa đối với Việt Nam. Ngày khai mạc hội nghị được tổ chức vào Ngày Chuyển đổi số của Việt Nam (10/10). Qua đó truyền tải thông điệp đến thế giới về Chương trình chuyển đổi số quốc gia và quyết tâm chuyển đổi số của Việt Nam.

Khoảng 50 gian hàng giới thiệu công nghệ mới

Hội nghị và triển lãm công nghệ 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) quy tụ đại biểu đến từ các cơ quan hải quan thành viên WCO, các cơ quan bảo vệ biên giới và các tổ chức quốc tế liên quan, các đại sứ quán, các doanh nghiệp trên thế giới về cung cấp giải pháp công nghệ về hải quan, các viện nghiên cứu và trường đại học. Bên cạnh hội nghị, khu vực triển lãm có khoảng 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu các công nghệ mới của nhiều doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia trên toàn cầu liên quan tới lĩnh vực hải quan.

Bên cạnh đó, thông qua sự kiện, các cơ quan Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện nắm bắt xu hướng, thành tựu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Từ đó, các cơ quan xây dựng sự hiểu biết, chia sẻ, đồng hành cùng với cơ quan hải quan trong tiến trình chuyển đổi số và hiện đại hóa hải quan.

Sự kiện cũng mở ra cơ hội cho các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm thế giới về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới cũng như cách giải quyết các thách thức trong quản lý, ứng dụng công nghệ và hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, sự kiện cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với thế giới về văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh của Việt Nam.

Việc đăng cai tổ chức sự kiện khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với WCO. Đây là cơ hội để Hải quan Việt Nam tăng cường hợp tác với cơ quan hải quan các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ. Những kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng, giải pháp từ hội nghị sẽ giúp Hải quan Việt Nam có hướng đi phù hợp trong tiến trình hiện đại hóa hải quan hướng đến hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, sự kiện này là dịp để các doanh nghiệp hiểu thêm về hoạt động hải quan, nắm bắt xu hướng, giải pháp công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực hải quan và thương mại quốc tế. Qua đó, doanh nghiệp tích cực tham gia hợp tác, đồng hành cùng cơ quan hải quan trong tiến trình hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có thể mở rộng mạng lưới kết nối với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực hải quan và thương mại quốc tế, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế trên toàn cầu.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp bách

Chia sẻ về sự kiện này, ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Hải quan Việt Nam mong muốn gửi gắm nhiều thông điệp thông qua hội nghị này.

Trước tiên, Hải quan Việt Nam rất coi trọng và xem việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của toàn ngành. Nằm trong chiến lược chung của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, Hải quan Việt Nam đã đề ra mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số đến năm 2025, tiến tới chuyển đổi số hoàn toàn và thực hiện hải quan thông minh vào năm 2030, đạt trình độ ngang bằng với hải quan các nước tiên tiến.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực nội tại của Hải quan Việt Nam, chúng tôi rất cần sự hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ hải quan các nước cũng như các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, để có thể giúp cho Hải quan Việt Nam tiếp cận với các cách thức, giải pháp ứng dụng công nghệ hiệu quả, phù hợp; đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, thực hiện hải quan số, hải quan thông minh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Thọ, cũng như thông điệp mà WCO muốn hướng tới tại hội nghị năm nay, Hải quan Việt Nam coi trọng yếu tố con người và coi yếu tố con người là yếu tố quan trọng, then chốt cần cân nhắc khi ứng dụng công nghệ mới. Con người là chủ thể của đổi mới, sáng tạo và quyết định sự thay đổi; con người lựa chọn công nghệ, là chủ thể ứng dụng công nghệ đó và cũng là người hưởng lợi ích từ công nghệ.

Sự thành bại của việc đổi mới do con người quyết định. Do đó, cần phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng về đầu tư nguồn lực con người trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để đảm bảo quá trình này diễn ra thành công.

5 vai trò của Hải quan Việt Nam trong tổ chức hội nghị

Với vai trò là nước chủ nhà, Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng chương trình, nội dung hội nghị; phối hợp với WCO thông tin, tuyên truyền, quảng bá hội nghị; phối hợp với WCO chuẩn bị công tác hậu cần cho hội nghị; cùng các cơ quan ban ngành thu xếp công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho hội nghị; bố trí nhân sự hỗ trợ WCO trong toàn bộ thời gian tổ chức hội nghị như thành lập ban chỉ đạo, các nhóm triển khai, bố trí lực lượng hỗ trợ.

Với vai trò diễn giả tại các phiên thảo luận của hội nghị, Hải quan Việt Nam đã cử đại diện tham gia vào phiên toàn thể 1 với chủ đề “Chiến lược phía sau công nghệ: Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức toàn cầu” và phiên toàn thể 6 với chủ đề “Công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại trong kỷ nguyên số: Các bài học thành công”.

Vai trò điều phối tại phiên chuyên đề B1 với chủ đề về “Hải quan xanh vì tương lai bền vững: Các giải pháp đổi mới dành cho quản lý thương mại và quản lý biên giới”.

Vai trò đại biểu tại hội nghị, Tổng cục Hải quan đã cử lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ, công chức từ các đơn vị chuyên môn và hải quan tỉnh, thành phố, sinh viên trường hải quan tham dự hội nghị và triển lãm để nắm bắt, trao đổi, học hỏi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về quản lý và ứng dụng công nghệ tiến tiến trong hoạt động hải quan và thương mại.

Ở khu vực triển lãm, Hải quan Việt Nam bố trí không gian triển lãm giới thiệu về lịch sử phát triển, tiến trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ của Hải quan Việt Nam, các thành tựu đạt được trong công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan.

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN - NGUYỄN VĂN CẨN:

Hướng tới xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại

Trong tiến trình hội nhập của đất nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của WCO. WCO đã có nhiều kết nối với các nước thành viên trong hợp tác song phương, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho cán bộ Hải quan Việt Nam, trợ giúp kỹ thuật, công nghệ, thúc đẩy tiến trình cải cách, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam.

30 năm qua, Hải quan Việt Nam đã có sự chuyển đổi căn bản từ thực hiện thủ tục hải quan thủ công sang hải quan điện tử và tiến tới hải quan phi giấy tờ, đảm bảo lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo an ninh an toàn cho cộng đồng và lợi ích quốc gia.

Hiện nay, Hải quan Việt Nam đang triển khai kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với các bộ, ngành; kết nối Cơ chế một cửa ASEAN với các thành viên trong khu vực; kết nối với cơ quan hải quan các nước có chung đường biên giới và cơ quan hải quan các nước khác trên thế giới theo hướng Hải quan số, Hải quan thông minh, Hải quan xanh đúng như khuyến nghị của WCO và chỉ đạo của Chính phủ.

Thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Hải quan Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi số sâu rộng theo hướng xây dựng Hải quan chính quy, hiện đại, thông minh và trước năm 2030 có trình độ ngang bằng các nước phát triển trên thế giới theo đúng mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030.

NGUYÊN ĐẠI DIỆN HẢI QUAN VIỆT NAM TẠI WCO - NGUYỄN THỊ KHÁNH HỒNG:

Con người là trung tâm phải được ưu tiên hàng đầu

Cùng với mục tiêu chung, Hải quan Việt Nam đã thường xuyên có những cuộc cách mạng về công nghệ, từ chuyển đổi phương thức quản lý thủ công sang điện tử. Hiện tại Hải quan Việt Nam đang nỗ lực, tự mình xây dựng và thiết kế hệ thống hải quan số, mô hình hải quan thông minh.

Song, để đảm bảo tính bền vững và quản trị tốt trong quá trình áp dụng công nghệ thì việc đặt con người là trung tâm phải được ưu tiên hàng đầu. Do đó, Hội nghị và triển lãm về công nghệ của WCO năm 2023 không chỉ giới thiệu công nghệ mà còn giới thiệu phương thức để ứng dụng công nghệ và đào tạo cán bộ hải quan, nhằm ứng dụng, triển khai công nghệ cho mục tiêu của cơ quan hải quan trong tạo thuận lợi thương mại, thông quan hàng hóa nhanh chóng và kiểm soát hiệu quả những tác động xấu đến nền kinh tế.

Công nghệ không phải là quyết định mà công nghệ có vai trò quan trọng phục vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ con người trong công tác quản lý. Con người là yếu tố quyết định và công tác đào tạo, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ hải quan là vấn đề cốt yếu. Quá trình phát triển của công nghệ như hiện nay đang đem lại rất nhiều cơ hội mới để cho cán bộ hải quan được tiếp cận với kiến thức mới thông qua các chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị.

Những năm qua, Hải quan Việt Nam luôn luôn ưu tiên công tác đào tạo kiến thức cho cán bộ, công chức để triển khai thực hiện sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, công nghệ thông tin. Tới đây, Hải quan Việt Nam sẽ nâng cấp Trường Hải quan Việt Nam trở thành một trung tâm đào tạo khu vực của WCO - mô hình tiên tiến nhất hiện nay – để phát triển hơn nữa công tác này.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khai-thac-suc-manh-cong-nghe-de-ket-noi-hai-quan-the-gioi-137356-137356.html