Khám sức khỏe định kỳ miễn phí: Nền tảng vững chắc cho tương lai

Khám sức khỏe định kỳ miễn phí và lập sổ sức khỏe điện tử không chỉ là sự đầu tư cho sức khỏe hiện tại mà còn là nền tảng vững chắc cho tương lai.

Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đang được lấy ý kiến góp ý.

Theo dự thảo nghị quyết, từ năm 2026, toàn bộ người dân Việt Nam, bao gồm cả học sinh, sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất mỗi năm một lần. Cùng với đó, dự thảo cũng đặt ra mục tiêu mỗi người dân sẽ được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe suốt vòng đời.

 Hơn một năm qua, hàng trăm ngàn người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM được khám sức khỏe định kỳ miễn phí. Ảnh: THẢO HIỀN

Hơn một năm qua, hàng trăm ngàn người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM được khám sức khỏe định kỳ miễn phí. Ảnh: THẢO HIỀN

Đây là một điểm mới quan trọng trong chính sách y tế nhằm tăng cường chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Người dân đã bày tỏ sự đồng tình, cho rằng đây là bước tiến lớn trong việc chăm lo sức khỏe cộng đồng, góp phần giảm gánh nặng chi phí điều trị và xây dựng một xã hội phát triển hơn trong tương lai.

Động lực để người dân ý thức “phòng bệnh chủ động”

Bà Nguyễn Thị Hòa (48 tuổi, công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM) bày tỏ niềm vui với tương lai được khám định kỳ miễn phí, bởi hiện tại bà gặp quá nhiều vấn đề về sức khỏe. Sau nhiều năm miệt mài lao động, bà đang có những dấu hiệu của bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… nhưng quá khó khăn để có thể đi khám toàn diện...

“Nếu có chính sách miễn phí hằng năm, tôi chắc chắn sẽ đi. Khám sớm, biết bệnh sớm thì cũng đỡ lo hơn” - bà Hòa bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Hưng (65 tuổi, bảo vệ, phường An Phú Đông, TP.HCM) bày tỏ: “Tôi từng bị tăng huyết áp mà không biết, chỉ khi chóng mặt đi cấp cứu mới phát hiện. Nếu có khám định kỳ miễn phí như chính sách này, nhiều người lớn tuổi như tôi sẽ được bảo vệ sức khỏe sớm hơn, tránh nguy cơ đột quỵ”.

Anh Trần Văn Đạt (45 tuổi, giáo viên tại tỉnh Lâm Đồng) nhận định: “Sổ sức khỏe điện tử rất cần thiết trong thời đại công nghệ. Nhiều lúc đi khám lại không nhớ tiền sử bệnh hoặc kết quả nằm ở bệnh viện khác. Nếu dữ liệu được đồng bộ hóa thì việc khám chữa bệnh sẽ chính xác và nhanh chóng hơn”.

Tuy vậy, anh Đạt cho rằng để chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả, cần chuẩn bị kỹ về cơ sở hạ tầng công nghệ, đảm bảo quyền riêng tư thông tin y tế và đặc biệt là bảo đảm tính minh bạch, không hình thức trong tổ chức khám sức khỏe.

Tương tự, chị Võ Thị Thu Hằng (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cũng chia sẻ: “Tôi từng phải làm lại rất nhiều xét nghiệm chỉ vì đi khám ở bệnh viện khác mà không có hồ sơ cũ. Nếu có sổ sức khỏe điện tử, thông tin được đồng bộ thì sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc rất nhiều, thời đại công nghệ số rồi mà”.

Lợi ích lâu dài cho toàn xã hội

Ông Lê Quang Văn Phương (cán bộ hưu trí phường Tây Thạnh, TP.HCM) đánh giá rằng chính sách mới này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và to lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Việt Nam. Nó thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sức khỏe của mỗi công dân; tác động sâu rộng đến cả cá nhân và toàn xã hội.

Sức khỏe tốt giúp người dân học tập, làm việc hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Đây là khoản đầu tư dài hạn vào nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

“Nhiều người Việt Nam hiện nay thường chỉ đi khám khi có bệnh rõ rệt. Chính sách này sẽ thay đổi thói quen đó, giúp họ chủ động phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng. Đối với học sinh, đây là nền tảng quan trọng để giáo dục ý thức bảo vệ sức khỏe từ nhỏ” - ông Phương nói.

Theo ông Phương, ở góc độ y tế dự phòng, chính sách này góp phần giúp người dân quan tâm hơn đến sức khỏe của mình. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị thành công cao hơn, ít tốn kém hơn và ít gây biến chứng nặng nề hơn. Điều này đặc biệt quan trọng với các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường, ung thư là những căn bệnh đang có xu hướng gia tăng.

Bà Lưu Phương Hạnh (giáo viên về hưu, phường Tân Bình, TP.HCM) nhìn nhận rằng dù việc khám miễn phí sẽ tăng chi phí ban đầu cho ngân sách nhà nước nhưng về lâu dài, nó sẽ giảm đáng kể gánh nặng chi phí điều trị các bệnh nặng hoặc biến chứng do phát hiện muộn. Khi người dân khỏe mạnh hơn, năng suất lao động sẽ tăng, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.•

Hỗ trợ cải thiện và nâng cao sức khỏe toàn diện cho người dân

Luật BHYT 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024, BHYT chủ yếu chi trả cho các chi phí liên quan đến việc khám bệnh, chữa bệnh khi có bệnh.

Đối với việc khám sức khỏe định kỳ thường được xem là dịch vụ phòng ngừa và không nằm trong phạm vi được bảo hiểm chi trả đầy đủ. Do đó, người dân phải tự chi trả phần chi phí khám sức khỏe định kỳ đó. Trường hợp khi khám sức khỏe mà phát hiện dấu hiệu bệnh và tiếp tục điều trị tại bệnh viện thì lúc này mới được áp dụng BHYT theo trường hợp được hưởng là khám chữa bệnh khi có bệnh lý.

Vì vậy, chính sách này nếu được thông qua và triển khai hiệu quả sẽ là một cột mốc lịch sử, mang lại ý nghĩa sâu sắc trong việc cải thiện và nâng cao sức khỏe toàn diện cho người dân Việt Nam, góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Một dân số khỏe mạnh là yếu tố nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Khi người dân có sức khỏe tốt, họ có thể học tập, làm việc hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Đây là khoản đầu tư dài hạn vào nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Ngoài ra, việc mỗi người dân có sổ sức khỏe điện tử là một bước tiến vượt bậc trong quản lý y tế. Sổ sức khỏe điện tử sẽ giúp lưu trữ toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh, tiêm chủng, xét nghiệm của một cá nhân trong suốt cuộc đời. Bác sĩ có thể dễ dàng truy cập thông tin để chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Ngoài ra, dữ liệu lớn từ sổ sức khỏe điện tử sẽ là nguồn tài nguyên quý giá để các nhà quản lý y tế nghiên cứu về mô hình bệnh tật, xu hướng sức khỏe của cộng đồng, từ đó đưa ra các chính sách y tế công cộng hiệu quả hơn.

Cũng cần lưu ý, việc triển khai chính sách này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực y tế và hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành y tế Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở và tiệm cận hơn với các nền y tế tiên tiến trên thế giới.

Luật sư ĐÀO THỊ BÍCH LIÊN, Đoàn Luật sư TP.HCM

THẢO HIỀN - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/kham-suc-khoe-dinh-ky-mien-phi-nen-tang-vung-chac-cho-tuong-lai-post859968.html