Khẩn trương rà soát, bảo đảm thống nhất trong các văn bản hướng dẫn thi hành

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước sáng nay, 25.5, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 6 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Trà Vinh, Đắk Nông, Phú Thọ) đề nghị, Chính phủ khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành luật để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các nút thắt trong thực hiện của chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự thảo luận tại Tổ 6 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Trà Vinh, Đắk Nông, Phú Thọ). Ảnh : Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự thảo luận tại Tổ 6 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Trà Vinh, Đắk Nông, Phú Thọ). Ảnh : Quang Khánh

Doanh nghiệp đình trệ một phần do văn bản hướng dẫn thi hành luật

Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 6 ghi nhận, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng 2022 và những tháng đầu năm nay, nước ta vẫn đạt được những kết quả tích cực, nhất là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Các đại biểu bày tỏ ấn tượng trước hình ảnh thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, chỉ đạo từng địa phương, lập nhiều tổ công tác chỉ đạo việc giải ngân đầu tư công, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ 6. Ảnh: P.Thủy

Đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ 6. Ảnh: P.Thủy

Phân tích tình hình thực tế, ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam) nhận thấy, có một số khó khăn cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Thứ nhất, tình hình chung sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là công nghiệp, dịch vụ thương mại gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực giảm sâu. Công nghiệp đình đốn, nhà máy thiếu đơn hàng, việc làm, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, lao động giảm. Thứ hai, thị trường bất động sản gần như đóng băng, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Thứ ba, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó có do giá hàng hóa tăng cao, trong khi hợp đồng ký kết không được điều chỉnh giá, nên nhiều nhà đầu tư gần như bỏ hiện trường, không tiếp tục thi công. Thứ tư, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn, nhất là công nhân ở một số nơi thu nhập thấp, mất việc làm.

Cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn nêu trên, nhưng theo đại biểu Lê Văn Dũng có 3 nguyên nhân chính. Trước hết, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, xây dựng nhà ở, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư… còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, gây lực cản lớn trong điều hành của chính quyền địa phương. Thứ hai, biến động giá cả vật liệu xây dựng đầu vào tăng cao, trong khi giá bán ra không tăng bao nhiêu, nên gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, khó thực hiện, trong khi ranh giới giữa đúng và sai mong manh, khó xác định khiến cán bộ không dám làm.

"Cấp dưới hỏi cấp trên thì nhận được câu trả lời “thực hiện theo đúng văn bản pháp luật”, không gỡ cho cán bộ thực thi. Nhiều văn bản chồng chéo nên trong thực tế không thực hiện được mới phải hỏi cấp trên nhưng với câu trả lời nhận được đã làm cán bộ co cụm, không dám làm, đùn đẩy công việc cho nhau", đại biểu Lê Văn Dũng cho biết.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại Tổ 6. Ảnh: P.Thủy

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại Tổ 6. Ảnh: P.Thủy

Cùng quan điểm này, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhận thấy, cần làm rõ trách nhiệm trong chậm ban hành văn bản hướng dẫn, không để tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội và làm lãng phí nguồn lực của quốc gia. Vấn đề này từng được nhắc đến nhiều lần từ Quốc hội Khóa XIII nhưng vẫn chậm khắc phục, nên hiện nay phải có biện pháp để chấn chỉnh hiệu quả, không để kéo dài. Trong đó, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn đã làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Phân tích từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng, trong những tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp đình trệ sản xuất ngoài yếu tố do thị trường thì còn do nguyên nhân chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ các quy định pháp luật liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu tại Tổ 6. Ảnh: P.Thủy

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu tại Tổ 6. Ảnh: P.Thủy

Dẫn chứng cụ thể các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy đã cản trở hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, Thông tư 06/2022/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành khi tổ chức triển khai, đối chiếu với các quy định trước đây thấy bất cập, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, thậm chí Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc này nhưng thực hiện chậm nên triển khai các hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn.

Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan ban hành quy chuẩn hợp với mức độ rủi ro, điều kiện cụ thể của từng loại hình sản xuất, kinh doanh. Có giải pháp khắc phục việc doanh nghiệp đã đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy trước đây nhưng hiện không còn phù hợp. Tính toán, nghiên cứu các lực lượng tham gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước phù hợp, bảo đảm khách quan trong thực hiện quản lý phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thành Nam cũng cho rằng còn nhiều nghị định, thông tư đang vướng mắc trong thực hiện, do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tổng rà soát, sớm sửa đổi, bổ sung những văn hướng dẫn thi hành, thậm chí một số luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, để tháo gỡ nút thắt đang trói buộc quá trình thực hiện của cấp dưới.

Hoàn thiện chính sách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 6 cũng nhận thấy, trong thời gian qua, bên cạnh lĩnh vực kinh tế, Chính phủ đã tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cản thiện đời sống nhân dân; kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân chuẩn bị và đón Tết vui tươi, lành mạnh, đầm ấm. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, tuyên truyền tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Đoàn thể thao Việt Nam giành vị trí nhất toàn đoàn SEA Games 32. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để lại dấu ấn nổi bật.

Quang cảnh thảo luận Tổ 6 (Quảng Nam, Trà Vinh, Đắk Nông, Phú Thọ). Ảnh: Quang Khánh

Quang cảnh thảo luận Tổ 6 (Quảng Nam, Trà Vinh, Đắk Nông, Phú Thọ). Ảnh: Quang Khánh

Đánh giá về lĩnh vực y tế, các đại biểu Quốc hội nhận thấy, lĩnh vực này đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong các tháng đầu năm 2023. Đại biểu Nguyễn Thành Nam nhận thấy, thực tế, dịch bệnh Covid-19 và nhiều dịch bệnh khác có xu hướng tăng nhưng đều được kiểm soát tốt. Đặc biệt, trong quý I.2023 hệ thống chính sách, pháp luật của lĩnh vực này tiếp tục được hoàn thiện với việc Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Nghị quyết số 80 về tiếp tục thực hiện một số chính sách về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực y tế. Theo thẩm quyền, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ vướng mắc về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) và một số đại biểu khác cũng lưu ý, Chính phủ cần quan tâm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; cung cấp đủ và sớm vaccine cho tiêm chủng mở rộng; giá vaccine chưa được điều chỉnh trong nhiều năm...

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ 6. Ảnh: P.Thủy

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu tại Tổ 6. Ảnh: P.Thủy

Đối với thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của năm 2023, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) đề nghị, Chính phủ báo cáo thêm về kết quả thực hiện việc đào tạo đội ngũ tinh hoa, các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề cao, triển khai thực hiện các chương trình khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác quản lý điều hành. Tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn đến phát triển đại học, đặc biệt là tự chủ đại học của các trường công lập; việc giao ngân sách cho các cơ sở giáo dục đại học theo hướng “giao nhiệm vụ, đặt hàng” cần sớm được thể chế hóa và khẩn trương thực hiện. Hoàn thiện chính sách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó thúc đẩy mạnh việc hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan Nhà nước để tạo động lực phát triển mới dựa vào khoa học, công nghệ.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/khan-truong-ra-soat-bao-dam-thong-nhat-trong-cac-van-ban-huong-dan-thi-hanh-i330018/