Khánh Hòa cần gì để hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương?
Nhiều lãnh đạo đầu ngành, chuyên gia hiến kế để giúp tỉnh Khánh Hòa hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Ngày 25-7, tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với báo Tiền Phong, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo “Khánh Hòa, hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - đột phá trong kỷ nguyên mới”.
Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng… cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.
Ba điểm nghẽn của du lịch Khánh Hòa
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam, địa phương vẫn đang bám sát mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tham dự hội thảo. Ảnh: XUÂN HOÁT
Theo ông Nam, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không gian phát triển của Khánh Hòa được mở rộng, tiềm năng và lợi thế được cộng hưởng, bổ trợ, hình thành vùng động lực kinh tế mới cực kỳ quan trọng với cấu trúc phát triển đa ngành, liên kết chặt chẽ, toàn diện.
“Khánh Hòa đang có ba điểm nghẽn lớn cần tập trung tháo gỡ. Đó là, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiên quyết xử lý dứt điểm các công trình, dự án tồn đọng kéo dài”- ông Nam nói.
Do đó, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa mong muốn chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi, hiến kế cho địa phương tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, cho rằng Khánh Hòa cần tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế, hỗ trợ hợp lý như áp dụng chính sách nghỉ hưu sớm.
Đồng thời, chuyển công tác, đào tạo lại hoặc hỗ trợ chuyển việc đối với những vị trí dôi dư đảm bảo công bằng, nhân văn và tạo điều kiện cho những người có năng lực tiếp tục phát triển trong hệ thống mới.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, tham gia ý kiến tại hội nghị.Ảnh: XUÂN HOÁT
Song song đó, Khánh Hòa cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển mới, như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tập trung cho cán bộ, công chức, đặc biệt về kỹ năng quản trị hiện đại, công nghệ thông tin, quản lý đô thị, quản trị số và trí tuệ nhân tạo (AI).
Triển khai các chương trình hợp tác đào tạo với các viện, trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước; tạo cơ chế đặc thù để thu hút nhân tài, chuyên gia trẻ, cán bộ kỹ thuật cao về công tác tại địa phương, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, quản trị công, và quy hoạch đô thị thông minh.
Thử nghiệm mô hình đô thị biển, đô thị sinh thái
Trong khi đó, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ quy hoạch - kiến trúc, Bộ Xây dựng, đề nghị tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhóm giải pháp chiến lược như nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển nhanh chóng của địa phương.
Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững, ưu tiên các công trình liên vùng, công trình động lực; tăng cường phân cấp, ủy quyền trong quản lý xây dựng, quy hoạch và phát triển đô thị, gắn với nâng cao năng lực cán bộ và hiện đại hóa công cụ quản lý.
Bà Hằng kiến nghị tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, nhà ở xã hội và tái thiết đô thị. Tuy nhiên, quá trình đầu tư phải đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
“Khánh Hòa cũng nên nghiên cứu thử nghiệm mô hình phát triển (sandbox) cho đô thị biển, đô thị sinh thái; đặc biệt tại các khu vực như Cam Lâm, Cam Ranh, Thuận Nam, từ đó tạo tiền đề nhân rộng mô hình ra toàn vùng”- bà Hằng đề xuất.

Khánh Hòa phấn đầu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Ảnh: XUÂN HOÁT
Tương tự, TS. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cũng gợi mở cho lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về việc đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn từ trái phiếu dự án được bảo đảm bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Theo TS. Thành, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (cả dự án đầu tư công và dự án đầu tư với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân) có thể được tài trợ toàn phần hay một phần bằng trái phiếu dự án do UBND tỉnh phát hành. Trái phiếu dự án được đảm bảo trước hết từ dòng tiền của các dự án cơ sở hạ tầng có thu.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng thảo luận, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm giúp Khánh Hòa sớm hoàn thành các mục tiêu; giữ mức tăng trưởng hai con số từ này đến hết 2030.
Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh trong nhóm các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương đã chủ động rà soát, xây dựng lộ trình thực hiện các chỉ tiêu đáp ứng tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: XH
Trong tình hình mới với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sẽ có những điều chỉnh về tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
“Tỉnh sẽ khẩn trương khởi động lại việc xây dựng đề án xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Trong đó, xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ cụ thể, thống kê, đánh giá toàn diện các yếu tố, tiêu chí để có giải pháp tập trung thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm vào các tiêu chí chưa đạt”- ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, tỉnh hướng tới phát triển đô thị thông minh, hiện đại, bền vững; phát triển kinh tế - xã hội bền vững và đổi mới mô hình tăng trưởng; đặc biệt là cải cách hành chính mạnh mẽ và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“Tỉnh cũng xác định nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ và chất lượng phục vụ người dân; gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, tiến bộ xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói.