Khánh Hòa hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam, tỉnh hướng tới phát triển đô thị thông minh, hiện đại, kinh tế - xã hội bền vững và đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt là cải cách hành chính mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngày 25/7 tại Khánh Hòa, Báo Tiền phong phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo "Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương đột phá trong kỷ nguyên mới".

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng (ở giữa) cùng các đại biểu dự hội thảo.
Theo ông Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền phong, Khánh Hòa đang đứng trước bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển, với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 7 của cả nước vào năm 2030.
Hội thảo "Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương đột phá trong kỷ nguyên mới" không chỉ là sự kiện mang tính học thuật, mà còn là diễn đàn chính trị, kinh tế quan trọng nhằm hiến kế cho khát vọng bứt phá của vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ.
Tại hội thảo, các vấn đề được đề cập hướng đến những chủ trương mới, cơ chế đột phá, chính sách đặc thù, những nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội đã khơi thông tiềm năng và giải tỏa những điểm nghẽn tồn tại lâu nay, từ đó đặt nền tảng vững chắc cho Khánh Hòa bứt phá mạnh mẽ, vươn lên tầm cao mới, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, như nêu trong Nghị quyết 09-NQ/TW.

Hội thảo bàn thảo nhiều nội dung, giúp Khánh Hòa hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030.
Hướng tới đô thị thông minh, năng động, bản sắc
Trong những nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương, ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tỉnh đã chủ động rà soát, xây dựng lộ trình thực hiện những chỉ tiêu đáp ứng tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện nay, tình hình mới với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sẽ có điều chỉnh về tiêu chí này. Tỉnh sẽ khẩn trương khởi động lại Đề án xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030, xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ cụ thể; thống kê, đánh giá toàn diện các yếu tố, tiêu chí để có giải pháp tập trung thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm những tiêu chí chưa đạt, đồng thời tiếp tục giữ vững và hoàn thành ở mức cao hơn đối với các tiêu chí đã đạt được.
Tỉnh xác định tập trung mọi nguồn lực vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phát triển xã hội hài hòa với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với thương hiệu điểm đến của đô thị thông minh, năng động, bản sắc.

Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông Nam, Khánh Hòa hướng tới phát triển đô thị thông minh, hiện đại, bền vững; phát triển kinh tế - xã hội bền vững và đổi mới mô hình tăng trưởng; đặc biệt là cải cách hành chính mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tỉnh xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, là một trong những lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, không phụ thuộc địa giới hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về tài nguyên, vốn, nhân lực chất lượng cao và các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ những cam kết quốc tế.
Khánh Hòa cũng xác định nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ và chất lượng phục vụ nhân dân; gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, tiến bộ xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
"Sự phát triển của Khánh Hòa hôm nay, bên cạnh quan tâm đặc biệt từ Trung ương, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, còn có một phần đóng góp đáng trân trọng của các tỉnh, thành khác, người dân Khánh Hòa trong và ngoài nước, các địa phương nước ngoài và cơ quan thông tấn, báo chí đã đặt trọn niềm tin, khát vọng và tình yêu với mảnh này, tiếp thêm động lực để tỉnh bứt phá vươn lên, đưa hình ảnh Khánh Hòa, người dân Khánh Hòa đến bạn bè trong nước và quốc tế", ông Trần Hòa Nam nói.
Tinh gọn bộ máy, ưu tiên sử dụng cán bộ có tinh thần đổi mới
Tham luận tại hội thảo với chủ đề "Bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương", ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh, Khánh Hòa có tiềm năng rất lớn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với nền kinh tế mạnh mẽ, một bộ máy chính quyền hiện đại và hiệu quả, gắn liền xu hướng chuyển đổi số và đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) phát biểu tại Hội thảo.
Tuy nhiên, sau khi sắp xếp, hợp nhất với tỉnh Ninh Thuận, bên cạnh những thuận lợi, Khánh Hòa cũng có khó khăn nhất định. Trước hết, quy hoạch hiện chưa đồng bộ với mục tiêu phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Về tổ chức bộ máy, do hợp nhất từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nên có sự khác biệt về quy mô dân số, diện tích, năng lực hành chính và hạ tầng phát triển giữa các đơn vị hành chính, khu vực gây khó khăn trong phân bổ nguồn lực và điều phối chính sách.
Việc quản lý hành chính trải dài từ Bắc Cam Ranh đến Nam Phan Rang, từ biển đảo đến miền núi, đòi hỏi bộ máy phải có khả năng điều hành linh hoạt và hiệu quả trong địa bàn rộng lớn, đa dạng. Để hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa cần tiếp tục tổng rà soát tổ chức bộ máy cấp tỉnh, xã, xác định rõ nhiệm vụ, chức năng, số lượng và cơ cấu tổ chức cần giữ lại, sáp nhập hoặc giải thể.
Trong công tác cán bộ, địa phương cần ưu tiên bố trí những cán bộ có năng lực, phẩm chất, tinh thần đổi mới và sẵn sàng làm việc trong môi trường số. Tổ chức thi tuyển cạnh tranh vào những vị trí lãnh đạo cấp phòng, cấp sở trên toàn tỉnh để lựa chọn người xứng đáng. Tạo cơ chế đặc thù để thu hút nhân tài, chuyên gia trẻ, cán bộ kỹ thuật cao về công tác tại Khánh Hòa mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, quản trị công, và quy hoạch đô thị thông minh.

Toàn cảnh hội thảo sáng 25/7.
Khánh Hòa cũng cần chú trọng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tập trung cán bộ, công chức, đặc biệt về kỹ năng quản trị hiện đại, công nghệ thông tin, quản lý đô thị, quản trị số và trí tuệ nhân tạo (AI). Xây dựng cơ sở dữ liệu nhân sự toàn tỉnh trên nền tảng số, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức. Sử dụng AI và phân tích dữ liệu lớn để dự báo nhu cầu nhân sự, phân tích hiệu quả công việc, xây dựng lộ trình đào tạo và thăng tiến minh bạch.
Về cơ chế, tỉnh cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; loại bỏ những chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp, đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng kiến nghị xây dựng cơ chế, chính sách mới để tháo gỡ những nút thắt lớn, đặc biệt trong đầu tư công, phát triển hạ tầng chiến lược, quy hoạch đô thị, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học, công nghệ và nâng cao hiệu quả quản trị khu vực công. Thu hút đầu tư chiến lược vào những lĩnh vực then chốt như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, logistics và kinh tế số cũng được xác định là động lực tăng trưởng mới.