Khánh Hòa trong một không gian và tầm nhìn đột phá

Sau khi sắp xếp hành chính, không gian phát triển của tỉnh Khánh Hòa được mở rộng hơn, tiềm năng và lợi thế được cộng hưởng, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 7 của cả nước.

Ngày 25/7, UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội thảo "Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới".

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam cho biết, mục tiêu của tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 7 của cả nước đang từng bước thành hiện thực. Sau khi sắp xếp hành chính, không gian phát triển của tỉnh được mở rộng hơn; tiềm năng và lợi thế được cộng hưởng. Tỉnh hình thành vùng động lực kinh tế đa ngành, liên kết chặt chẽ.

Giai đoạn 2021-2025, kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng từ 8% mỗi năm trở lên. Quy mô nền kinh tế sau sắp xếp đạt hơn 175 nghìn tỷ đồng. Ông Nam khẳng định, tỉnh phải tháo gỡ 3 điểm nghẽn là hạ tầng chiến lược, chất lượng nhân lực và xử lý các dự án tồn đọng kéo dài. Lộ trình đến năm 2030, tỉnh sẽ đánh giá toàn diện các tiêu chí; đồng thời, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt. Khánh Hòa định hướng trở thành đô thị thông minh, năng động, giàu bản sắc.

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên phát triển các đô thị hạt nhân. Nha Trang và vùng lân cận là đô thị hạt nhân trung tâm. Phan Rang là đô thị hạt nhân phía Nam. Cam Ranh định hướng thành đô thị du lịch logistics. Cam Lâm phát triển thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, tiêu chuẩn quốc tế. Vạn Ninh thành đô thị du lịch biển cao cấp. Ninh Hòa định vị là đô thị công nghiệp. Diên Khánh phát triển thành đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP

Đổi mới mô hình tăng trưởng và cải cách toàn diện

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định, Khánh Hòa phát triển dựa trên 4 động lực chính là công nghiệp, năng lượng, du lịch và đô thị. Tỉnh chuyển đổi tư duy quản lý từ hành chính sang phục vụ. Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là thước đo hiệu quả của toàn bộ hệ thống.

Thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số giai đoạn 2025–2030.

Về công nghiệp, tỉnh tập trung phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Mục tiêu là tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỉnh mở rộng sản xuất các mặt hàng chủ lực với các ngành trọng tâm gồm chế biến, chế tạo công nghệ cao, năng lượng, điện tử, viễn thông, bán dẫn. Khánh Hòa định hướng thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia. Điện gió ven biển và ngoài khơi, điện mặt trời, điện khí LNG, năng lượng hydro xanh và điện hạt nhân là trụ cột.

Du lịch và dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng cao. Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được ưu tiên. Nha Trang, Vĩnh Hy là trung tâm du lịch biển và di tích. Bắc Vân Phong định hướng thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế. Bắc bán đảo Cam Ranh, Ninh Chử được định vị là khu du lịch quốc gia. Tỉnh khai thác các khu dự trữ sinh quyển và vườn quốc gia như Núi Chúa và Phước Bình. Các điểm du lịch sinh thái gồm Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, hồ Tam Giang, hồ Sông Trâu, hồ Sông Sắt... Mục tiêu là tăng trưởng du lịch 15% mỗi năm và mở rộng thị trường quốc tế.

Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, cải cách hành chính được coi là một động lực chính. Khánh Hòa phấn đấu vào top 10 các địa phương có chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, DTI cao nhất cả nước. Tỉnh đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó chính quyền điện tử và chuyển đổi số được ưu tiên. Tỉnh tận dụng các cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư chiến lược, tăng cường ngoại giao kinh tế và khuyến khích xã hội hóa trong văn hóa, xã hội.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ tiếp cận tài nguyên, vốn và nhân lực chất lượng cao. Tỉnh lựa chọn các dự án FDI có cam kết chuyển giao công nghệ và quản trị hiện đại. Khánh Hòa đặt mục tiêu đưa doanh nghiệp trong tỉnh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Về nhân lực, tỉnh nâng cao hiệu quả thực thi công vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức được đánh giá bằng KPI. Tỉnh đẩy mạnh phân cấp, kiểm soát quyền lực rõ ràng.

Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, đại diện Bộ Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Xây dựng cùng các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp lớn - Ảnh: VGP

Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, đại diện Bộ Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Xây dựng cùng các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp lớn - Ảnh: VGP

Ưu tiên nguồn lực có chất lượng

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), nhận định Khánh Hòa có tiềm năng lớn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với nền kinh tế mạnh, bộ máy hiện đại, gắn chuyển đổi số và đô thị thông minh. Ông Thành lưu ý, tỉnh cần tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy các cấp, xác định rõ nhiệm vụ, chức năng, sắp xếp hợp lý, tinh gọn.

Về công tác cán bộ, cần ưu tiên người có năng lực, đổi mới, sẵn sàng làm việc trong môi trường số; thi tuyển cạnh tranh các vị trí lãnh đạo, thu hút nhân tài, chuyên gia trẻ, cán bộ kỹ thuật cao, nhất là lĩnh vực công nghệ, quản trị công, quy hoạch đô thị thông minh. Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản trị hiện đại, quản lý đô thị, quản trị số, AI cho cán bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu nhân sự trên nền tảng số, kết nối dữ liệu quốc gia.

Tỉnh cũng cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền, loại bỏ các nhiệm vụ không còn phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Đại diện Bộ Xây dựng, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc nhận định, việc hợp nhất Khánh Hòa và Ninh Thuận không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn đưa Khánh Hòa trở thành cực tăng trưởng mới của duyên hải miền Trung. Mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế biển, du lịch, dịch vụ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Bộ Xây dựng đánh giá cao nỗ lực của Khánh Hòa trong triển khai quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, với chiến lược đầu tư đồng bộ hạ tầng liên vùng: Mở rộng cao tốc Bắc – Nam, hình thành trục ven biển từ Vạn Ninh đến Thuận Nam, nâng cấp cảng nước sâu Bắc Vân Phong, cảng Cà Ná, hiện đại hóa sân bay quốc tế Cam Ranh và nghiên cứu khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn.

Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh cần tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, nhà ở xã hội và tái thiết đô thị. Bên cạnh đó là phát triển các cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho đô thị biển, đô thị sinh thái, đặc biệt tại các khu vực như Cam Lâm, Cam Ranh, Thuận Nam, tạo tiền đề nhân rộng mô hình ra toàn vùng.

Bộ Xây dựng cam kết luôn đồng hành cùng tỉnh trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch; triển khai các chương trình trọng điểm về phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật; đồng thời hỗ trợ địa phương về cơ chế, chính sách và nguồn lực.

Kiều Chinh

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khanh-hoa-trong-mot-khong-gian-va-tam-nhin-dot-pha-44229.html