Khánh thành dây chuyền hộp giấy đóng gói rau quả hàng đầu thế giới tại Sơn La
Sáng 2-7, tại xã Mai Sơn, tỉnh Sơn La, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Đồng Giao (Doveco) và Tetra Pak, tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến và đóng gói thực phẩm chính thức khánh thành dây chuyền đồ hộp giấy Tetra Recart dành cho rau quả với công nghệ Thụy Điển đầu tiên tại Việt Nam. Dây chuyền Tetra Recart đầu tiên tại Việt Nam sẽ chính thức đi vào vận hành tại nhà máy của Doveco ở tỉnh Sơn La.
Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu một bước tiến mới trong ngành thực phẩm - đồ uống của Việt Nam, mang đến cho các nhà sản xuất một giải pháp bao bì hiện đại, hiệu quả và bền vững thay thế cho bao bì truyền thống.
Tetra Recart là giải pháp bao bì giấy được thiết kế cho thực phẩm đóng hộp giúp kéo dài thời hạn sử dụng mà không cần chất bảo quản hoặc làm lạnh. Kết hợp công nghệ xử lý tốc độ cao và tiệt trùng bằng nhiệt, giải pháp này giúp giữ nguyên hương vị, kết cấu và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Với công suất lên đến 6.000 hộp/giờ, dây chuyền Tetra Recart giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, giảm trọng lượng bao bì, giảm chất thải và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sự tiện lợi, an toàn và không có chất bảo quản trong sản phẩm.

Quang cảnh lễ khánh thành dây chuyền đóng đồ hộp giấy của Doveco tại tỉnh Sơn La.
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực trồng trọt và chế biến nông sản, việc Doveco áp dụng công nghệ này thể hiện cam kết chung của hai bên trong việc thúc đẩy đổi mới, phát triển bền vững và gia tăng giá trị cho toàn chuỗi cung ứng thực phẩm.
Bà Nguyễn Thanh Giang, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam chia sẻ: "Việc ra mắt dây chuyền Tetra Recart là một bước tiến có ý nghĩa với ngành thực phẩm Việt Nam. Thông qua công nghệ đóng gói hiện đại, chúng tôi hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện hiệu quả vận hành và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Chúng tôi tự hào được hợp tác cùng các đối tác như Doveco để góp phần định hình tương lai ngành thực phẩm tại Việt Nam".
Dây chuyền mới sẽ đóng gói nhiều loại nông sản cao cấp của Việt Nam như ngô ngọt, nước ép dứa, các loại đậu... trong bao bì nhẹ, có thể tái chế. Các sản phẩm này sẽ mang đến cho người tiêu dùng một lựa chọn bao bì hiện đại và bền vững.
Bên cạnh yếu tố công nghệ, việc triển khai dây chuyền Tetra Recart tại nhà máy của Doveco còn đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Dây chuyền sẽ hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu nông sản địa phương, cũng như tạo thêm các cơ hội việc làm và thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp của người nông dân và hợp tác xã tại Sơn La và các tỉnh lân cận.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Doveco cho hay: "Sự hợp tác giữa Doveco và Tetra Pak phản ánh tầm nhìn chung về một ngành thực phẩm đổi mới và bền vững hơn. Với công nghệ tiên tiến và uy tín toàn cầu của Tetra Pak, chúng tôi tự tin đưa sản phẩm nông sản Việt ra thị trường trong bao bì đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường. Dây chuyền Tetra Recart giúp chúng tôi mang những nguyên liệu Việt Nam được yêu thích trong bao bì hiện đại, tiện lợi và bền vững tới tận tay người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế".

Một phần dây chuyền đóng gói hộp giấy tại nhà máy của Doveco tại Sơn La.
Là bao bì carton đầu tiên trên thế giới có khả năng tiệt trùng cho thực phẩm bảo quản dài ngày, Tetra Recart là giải pháp thay thế tối ưu cho lon (hộp) thiếc và chai thủy tinh truyền thống. Sản phẩm được làm từ nguyên liệu tái tạo (chủ yếu là giấy), nhẹ, có thể tái chế và được thiết kế để giảm thiểu tác động đến môi trường xuyên suốt vòng đời sản phẩm.

Đưa nguyên liệu vào dây chuyền chế biến ở nhà máy Doveco ở Sơn La.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Sự kiện này tiếp tục khẳng định ý nghĩa của đề án phát triển cây ăn quả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và tỉnh Sơn La. Việc tập trung cho đầu tư chế biến sâu mặt hàng trái cây góp phần nâng cao giá trị hàng hóa mặt hàng trái cây, tiêu thụ sản phẩm trái cây cho bà con nông dân". Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị tỉnh Sơn La cùng bà con nông dân tỉnh Sơn La thời gian tới cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị. Qua đó tiếp tục đưa sản phẩm trái cây của Việt Nam tới với người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.