Khát vọng vươn khơi nơi miền chân sóng

Với sức trẻ, sự táo bạo và khát vọng vươn khơi, bám biển, những thanh niên nơi miền chân sóng mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trở thành thuyền trưởng, chủ tàu ở độ tuổi còn rất trẻ. Trên những con tàu vỏ thép hàng trăm mã lực hay chiếc thuyền nan nhỏ, họ cùng các bạn thuyền ra khơi vào lộng với ước mong tôm cá đầy khoang…

 Niềm vui của thuyền trưởng Võ Minh Vỹ (đứng giữa) cùng bạn thuyền sau khi trở về từ chuyến biển. Ảnh: T.T

Niềm vui của thuyền trưởng Võ Minh Vỹ (đứng giữa) cùng bạn thuyền sau khi trở về từ chuyến biển. Ảnh: T.T

Chủ tàu đánh bắt xa bờ tuổi 24

Muốn gặp anh Bùi Đình Mười (sinh năm 1989) không dễ, bởi quanh năm suốt tháng, anh luôn có mặt ở các ngư trường khơi xa. Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang dưới chân cầu Cửa Việt, thuộc Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, lão ngư Bùi Đình Chính (ba của anh Mười) kể: “Tôi có 12 đứa con, trong đó có 3 đứa con trai tiếp nối nghề ngư là Bùi Đình Chiến (sinh năm 1974), Bùi Đình Huệ (sinh năm 1976) và Bùi Đình Mười (người con thứ 10). Mỗi đứa là chủ của một chiếc tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ”.

Riêng anh Mười đặc biệt hơn, theo chân ba đi biển từ năm 16 tuổi và đến năm 24 tuổi đã là chủ một chiếc tàu vỏ gỗ công suất 450 CV đánh bắt xa bờ với 7 bạn thuyền, hành nghề lưới rê bùng nhùng ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ. Anh Mười là chủ tàu đánh bắt xa bờ trẻ nhất tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ.

Năm 2018, khi đã tích lũy được số vốn kha khá, anh Mười bán tàu cũ và sắm một con tàu vỏ gỗ to hơn với chiều dài 24 mét, rộng 6 mét, công suất máy 750 CV. Tàu QT 98668 TS của anh hành nghề lưới rê bùng nhùng và được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại. “Vừa là chủ tàu, vừa là thuyền trưởng nên trách nhiệm tăng lên gấp bội. Phải bền chí, can đảm, biết tính toán mới làm được thuyền trưởng và chủ tàu. Không chỉ nuôi bản thân, gia đình mà trên tàu còn có 7 bạn thuyền, sau lưng họ là 7 gia đình nữa. Vì vậy, thuyền trưởng luôn là người ít ngủ nhất trên tàu, luôn phải nhìn biển, cập nhật thông tin thời tiết, kiểm tra các thiết bị, dò tìm luồng cá cho đợt đánh bắt tiếp theo”, ông Chính khẳng định.

 Anh Hồ Sỹ Phụng (áo đỏ) được mệnh danh là “tay sát ngư” của vùng bãi ngang Trung Giang. Ảnh: T.T

Anh Hồ Sỹ Phụng (áo đỏ) được mệnh danh là “tay sát ngư” của vùng bãi ngang Trung Giang. Ảnh: T.T

Trở về từ chuyến biển dài ngày trên ngư trường vịnh Bắc Bộ, anh Mười tâm sự, trung bình mỗi tháng, tàu anh ra khơi từ 1-2 chuyến, một chuyến kéo dài 10-15 ngày, một năm đi được trên dưới 20 chuyến. “Tàu của tôi nằm trong đội tàu vỏ gỗ to nhất huyện Gio Linh. Tôi và các bạn thuyền chỉ nghỉ biển khi có bão. Ở giữa biển khơi trập trùng sóng cả, chúng tôi không đơn độc. Đội tàu đánh bắt xa bờ tự quản luôn đồng hành, hỗ trợ nhau khi có luồng cá hay hoạn nạn. Chỉ cần một cuộc điện đàm là những tàu khác sẽ có mặt kịp thời. Vì thế, chúng tôi luôn yên tâm bám biển, vươn khơi”, anh Mười nói.

Thuyền trưởng tàu vỏ thép sinh năm 1991

Khi được hỏi về tấm gương thanh niên vươn khơi bám biển, Bí thư Xã đoàn Gio Hải, huyện Gio Linh Trần Thị Yến giới thiệu với tôi anh Võ Minh Vỹ (sinh năm 1991) ở thôn Hà Lợi Thượng. Anh Vỹ không chỉ khiến nhiều người yêu mến vì tính tình hòa nhã, vui vẻ mà còn nể phục vì nghị lực, ý chí bám biển, vươn khơi.

Một ngày cuối năm, tôi gặp anh tại cảng cá Cửa Việt. Sau hơn 1 tuần lênh đênh biển khơi, tàu anh đánh bắt được hơn 1 tấn cá thu, thu về khoảng 150 triệu đồng. Bán xong cá cho thương lái, anh rủ tôi về nhà trò chuyện: “Tôi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Đông Du Đà Nẵng năm 2012. Ra trường, thử sức ở nhiều công việc khác nhau nhưng rồi cuối năm 2015, tôi quyết định về quê đi biển với ba (lão ngư Võ Minh Bình, 55 tuổi)”.

Tháng 1/2016, ông Bình đóng mới chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu QT 98777 TS theo Nghị định 67 của Chính phủ với số vốn ban đầu 14,5 tỉ đồng. Tàu có chiều dài 25,5 mét, rộng 6,5 mét, tổng công suất 822 CV, hành nghề lưới rê bùng nhùng. Khi đóng xong con tàu này, ông Bình giao cho anh Vỹ làm thuyền trưởng, quản lí toàn bộ con tàu. “Tàu chúng tôi mùa hè đánh bắt cá thu ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Mùa đông, đánh bắt ở ngư trường vịnh Bắc Bộ. Mỗi chuyến ra khơi như vậy cần phải chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu và nhu yếu phẩm cho 10 người như: 1 tạ gạo, 10 thùng mì ăn liền, 3 bình ga lớn, 30 kg thịt các loại, 3.000 lít dầu diezen, 500 cây đá lạnh… Tổng chi phí cho mỗi chuyến đi cũng gần 100 triệu đồng. Nếu là mùa hè, mỗi chuyến kéo dài 15-18 ngày, mùa đông thì dưới 15 ngày. Chừng đó thời gian, chúng tôi phải tính toán hướng đi, tìm ngư trường, dò luồng cá, theo dõi con nước, ngọn gió, hơi biển để đánh bắt trúng mẻ cá và đảm bảo an toàn cho các bạn thuyền”, anh Vỹ nói.

 Đội tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Ảnh: T.T

Đội tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Ảnh: T.T

Trung bình mỗi năm, nếu thời tiết thuận lợi thì tàu của anh Vỹ có thể ra khơi trên 10 chuyến biển, mỗi chuyến, nếu suôn sẻ thì thu được 100 - 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. “Là thuyền trưởng trẻ, mình phải có cách ứng xử sao cho phù hợp. Phải táo bạo, quyết đoán trong công việc nhưng hợp tình hợp lí trong cuộc sống để các bạn thuyền nghe và làm theo vì hầu hết họ đều lớn tuổi. Người trẻ nhất cũng 40 và người già nhất đã 57 tuổi”, anh Vỹ trải lòng.

“Tay sát ngư” của vùng bãi ngang

Trước khi gặp anh Hồ Sỹ Phụng (sinh năm 1989), chúng tôi nghe người dân vùng biển bãi ngang xã Trung Giang, huyện Gio Linh truyền tai nhau rằng, anh là “tay sát ngư”, bởi mỗi khi anh dong thuyền ra khơi thì luôn mang về một khoang thuyền đầy ắp cá.

Không hẹn trước, tôi tìm về nhà anh Phụng ở thôn Cang Gián, gặp lúc anh đang vá lưới cùng anh trai. Đem chuyện người dân gọi anh là “tay sát ngư” ra kể, anh chỉ cười rồi khiêm tốn: “Người ta đùa thế thôi, chứ tôi chỉ đánh bắt tôm cá dựa vào kinh nghiệm, may mắn và quan trọng là có thuyền và ngư lưới cụ mới nên việc đánh bắt cũng thuận tiện hơn”. Mặc dù năm nay mới 33 tuổi nhưng anh Phụng đã có kinh nghiệm đi biển gần 20 năm nay.

Ở vùng biển bãi ngang quê anh, ngư dân đánh bắt thủy sản bằng những chiếc thuyền nan hoặc thuyền thúng, mỗi chuyến đánh bắt chỉ kéo dài trong vòng một ngày hoặc một đêm. Nhờ nhanh trí và chăm chỉ học hỏi nên qua thời gian ngắn, “tay nghề” đi biển của anh Phụng ngày càng có tiếng trong vùng. Mặc dù 2 năm trở lại đây, nhiều tàu thuyền trong vùng đánh bắt thủy sản giảm năng suất, sản lượng nhưng thuyền của anh Phụng thì luôn trúng mùa.

Đầu năm 2016, anh Phụng cùng anh trai đóng mới một con thuyền bằng vật liệu composite. Đây là một trong những chiếc thuyền composite đầu tiên của vùng biển bãi ngang huyện Gio Linh. Tiếp đó, anh đầu tư mua sắm mới toàn bộ ngư lưới cụ để phục vụ đánh bắt thủy sản được thuận lợi hơn với tổng chi phí hơn 100 triệu đồng. “Không có ngày nào tôi “nghỉ biển”, ngoại trừ giông bão hoặc gió mùa trên cấp 6. Mùa nào nghề nấy. Mùa nắng, tôi hành nghề lưới rủ đánh bắt cá nục, cá tớp, câu mực… Mùa mưa thì thả lưới chim trắng, lưới 3 đánh bắt cá hố, cá leng, cá thu… Sáng nào tôi cũng ra bờ biển để xem con nước. Nếu nước êm, cá chịu thì dong thuyền thả lưới, nếu nước săn thì phải đợi”, anh Phụng bật mí.

Trung bình mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, thuyền của anh thu được 120-150 triệu đồng. Riêng vụ sứa năm 2019 chỉ kéo dài hơn 1 tháng nhưng anh đã thu về gần 50 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ đối với người dân bãi ngang quê anh. Anh Phụng chia sẻ: “Lí do tôi quyết tâm bám biển là vì yêu quê hương, yêu nghề, muốn tiếp nối và phát huy nghề của ông cha để lại. Và nếu chăm chỉ thì biển không phụ người. Nhờ đi biển mà kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định, nuôi con ăn học đàng hoàng và có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng”.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145654