Khi âm nhạc trở thành linh hồn của phim
Thời gian qua, nhiều ca khúc nhạc phim Việt đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, thậm chí vượt ra khỏi khuôn khổ bộ phim để trở thành hiện tượng độc lập, được khán giả yêu thích và nhớ đến lâu dài...
Tuần qua, thị trường phim rạp Việt Nam “dậy sóng” khi bộ phim ngắn “Đàn cá gỗ” của đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt đã được xếp đến 1.595 suất chiếu. Theo Box Office Vietnam, đến nay phim mang về doanh thu hơn 3,2 tỷ đồng. Riêng trong ngày 15/7, "Đàn cá gỗ" đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với bom tấn "Superman 2025".

Hình ảnh trong phim Đàn cá gỗ. Ảnh: Mounter
Dù chỉ là một phim ngắn, “Đàn cá gỗ” vẫn gây bất ngờ khi ra rạp với doanh thu tích cực - điều hiếm thấy đối với thể loại phim ngắn tại Việt Nam. Mặc dù vẫn còn những ý kiến khen, chê khi xem “Đàn cá gỗ”, nhưng vẫn phải thừa nhận, bộ phim đã rất thành công về mặt thương mại.
Và một phần thành công ấy đến từ hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ của ca khúc nhạc phim “Phép màu”. Với giai điệu nhẹ nhàng, ca từ trong trẻo và MV đạt hàng chục triệu lượt xem trên nền tảng số, bài hát đã trở thành “cánh tay nối dài” giúp bộ phim tiếp cận khán giả đại chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Nhẹ nhàng, sâu lắng “Phép màu” đã góp phần chạm đến cảm xúc người xem, khiến họ muốn tìm đến rạp để trải nghiệm câu chuyện tình yêu đẹp như thơ: “Chẳng phải phép màu, vậy sao chúng ta gặp nhau? Một người khẽ cười, người kia cũng dịu nỗi đau. Gọi tôi thức giấc cơn ngủ mê, dìu tôi đi lúc quên lối về... Ngày em đến, áng mây xanh thêm. Ngày em đi, nắng vương cuối thềm” - Ca khúc do chính Nguyễn Quốc Hùng (vai chính trong phim) sáng tác và trình bày.
Có thể nói, làm nên thành công cho một bộ phim truyền hình ngoài kịch bản hay, diễn viên xuất sắc thì một yếu tố quan trọng chính là nhạc phim. Trong làn sóng phim truyền hình Việt những năm gần đây, âm nhạc giữ vai trò không nhỏ trong việc truyền tải thông điệp và tạo chiều sâu cảm xúc. Đã có không ít bài hát nhạc phim trở thành "hiện tượng mạng", giúp bộ phim lan tỏa mạnh mẽ đến công chúng, nhất là người trẻ.
Trước “Đàn cá gỗ”, rất nhiều bộ phim gây thương nhớ cho khán giả chính là nhờ các ca khúc nhạc phim. Như với bộ phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” do đạo diễn - NSƯT Nguyễn Danh Dũng thực hiện, ca khúc “À í a” với giai điệu da diết và ca từ giàu cảm xúc của nhạc sĩ Dương Trường Giang đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt.
Dương Trường Giang được mệnh danh là “Ông hoàng nhạc phim”, người đứng sau các ca khúc của những bộ phim truyền hình nổi tiếng như “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “11 tháng 5 ngày”, “Lặng yên dưới vực sâu”... Từ việc lựa chọn ca từ đắt giá, cách dàn dựng phối khí tinh tế cho đến việc chọn những giọng ca phù hợp, Dương Trường Giang đã cho thấy tư duy âm nhạc điện ảnh hiện đại, giàu cảm xúc.
Nhiều ý kiến đánh giá, không chỉ đóng vai trò minh họa, âm nhạc của Dương Trường Giang đã thực sự góp phần khắc họa chiều sâu tâm lý nhân vật và gia tăng độ lan tỏa cho tác phẩm. Trên một số diễn đàn, nhiều khán giả cũng cho rằng, chính vì say mê với những ca từ trong bài hát mà họ thấy yêu thích bộ phim hơn và dễ dàng đồng cảm với câu chuyện, nhân vật. Âm nhạc như một chiếc cầu nối cảm xúc, giúp người xem không chỉ theo dõi nội dung mà còn “sống cùng” từng thước phim.
Nói về nhạc phim cũng không thể không nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong - người có duyên và mát tay khi làm âm nhạc cho phim điện ảnh, với thành công của “Em là bà nội của anh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Độc đạo”... được nhiều khán giả yêu thích. Đặc biệt MV “Linh hồn và thể xác” với sự thể hiện của dàn diễn viên phim “Độc đạo” đã nhận về hàng triệu lượt xem và hơn 50.000 lượt tương tác.
Trong bộ phim “Mai” của Trấn Thành, nhiều khán giả khi xem phim thấy ám ảnh, da diết với “Sau lời từ khước” của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh - một ca khúc ballad với không gian âm nhạc đầy chất tự sự. Bài hát sau đó được giới thiệu trên YouTube với hàng chục triệu lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-am-nhac-tro-thanh-linh-hon-cua-phim-10310789.html