Khi học sinh đi học muộn...

Việc 4 học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) đi học muộn vào sáng thứ 2 và các em đã đứng ngoài cổng trường để chào cờ, sau đó mới xin phép bảo vệ cho vào trường mà như chia sẻ của hiệu trưởng, thì: 'Dù đi học muộn nhưng các em đã thể hiện được nền nếp và tinh thần giáo dục của nhà trường'.

Lễ chào cờ tại Trường THPT Triệu Sơn 1.

Lễ chào cờ tại Trường THPT Triệu Sơn 1.

1. Trước đó, tại Thanh Hóa đã xảy ra trường hợp, một số học sinh ở một trường THPT đã đến muộn trong lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Số học sinh này phải đứng ngoài cổng trường cho đến khi buổi khai giảng kết thúc. Hôm đấy, các em đến dự lễ cũng đã chấp hành nghiêm túc về trang phục theo quy định đó là nữ áo dài trắng, nam sơ vin áo trắng, quần tối màu. Nhưng chỉ tiếc là các em lại không thực hiện đúng về thời gian tham dự buổi lễ.

Đi học muộn có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, có những lý do chính đáng và ngược lại. Thầy giáo Thiều Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chích (phường Đông Sơn), cho rằng: "Trò mắc lỗi nhưng thầy cô phải lắng nghe học sinh giải thích, trình bày nguyên nhân. Căn cứ vào đấy để có hình thức xử lý phù hợp. Còn để giải thích lý do vì sao đến trường muộn thì lại phải chờ học sinh kết thúc buổi học chứ cũng không thể vội vàng tra hỏi, như vậy sẽ vô tình tạo áp lực thêm cho các em”. Theo thầy giáo Nguyễn Quốc Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 1, thì: “Việc đi học muộn là vi phạm quy định trường, lớp học và những học sinh vi phạm, nếu lần đầu thì nhắc nhở. Nhưng nhiều lần tái phạm sẽ kỷ luật ở mức cao hơn".

2. Ở trường học có các đội cờ đỏ. Một trong những nhiệm vụ mà đội cờ đỏ phải thực hiện đó là theo dõi, ghi tên học sinh ở các lớp đi học muộn. Đây được xem là “bằng chứng” quan trọng để đánh giá, xếp loại các lớp. Lớp bị tụt bậc hay không cũng một phần phụ thuộc vào việc đi học muộn của học sinh.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Chích tham gia buổi tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội...

Học sinh Trường THCS Nguyễn Chích tham gia buổi tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội...

Không dừng ở đây, việc đi học muộn cũng trở thành “nỗi ám ảnh” với cả phụ huynh. Anh Lê Quang Bảy (phường Hạc Thành) vẫn chưa quên lần chở con đi học muộn. Anh kể: "Hôm đấy, do có chút việc đột xuất nên tôi làm con trễ học 5 phút. Con không bằng lòng và nói với tôi rằng, đi học muộn lớp lại bị trừ điểm và cô nói rất nhiều... Đến cơ quan được vài phút thì đúng như lời của con trai, cô giáo đã đăng thông báo về trường hợp con đi học muộn lên nhóm zalo phụ huynh của lớp. Hôm đấy, đi học về, con khóc mãi”.

Một câu chuyện “dở cười, dở khóc” khác của chị Lại Thị Hoa ở phường Nguyệt Viên khi một lần chị chở con gái đi học muộn. Chị nói: "Khi đến nơi, trường đã đóng cổng. Thường thì cứ xin bác bảo vệ, bác sẽ ra mở cổng. Nhưng tôi sợ ảnh hưởng đến thành tích của lớp nên quay luôn đầu xe chở con về dù trống mới đánh được 2 phút. Về nhà, tôi liền viết giấy xin phép nghỉ học cho con và gửi cô giáo chủ nhiệm”.

Đã có một sự lo ngại ở phụ huynh khi con đi học muộn. Bởi sự trễ giờ sẽ làm gián đoạn việc học của con và ảnh hưởng đến nền nếp, thành tích của lớp... Hơn nữa, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì học sinh thường xuyên đi học trễ so với thời gian mà nhà trường đã quy định từ 3 lần trở lên trong thời gian 1 tháng sẽ bị khiển trách trước lớp. Nhưng có những trường, học sinh đi muộn 1 lần, giáo viên chủ nhiệm cũng đã gây áp lực tâm lý không chỉ học sinh mà cho cả phụ huynh.

Tuy nhiên, cũng phải ngẫm sâu hơn về vấn đề này. Năm 2024, ở Trường Trung học Dürer thành phố Nuremberg (Đức) đã áp dụng mức phạt 5 euro (khoảng 130 nghìn đồng) cho những học sinh thường xuyên đi học muộn không lý do. Theo hiệu trưởng trường này thì việc phạt tiền đã giúp học sinh nâng cao ý thức hơn. Theo đó, cũng hạn chế được tình trạng đi học muộn.

Ngay tại Việt Nam, đã có trường đại học cũng đã đưa ra quy định, đi học muộn 5 phút coi như nghỉ không lý do.

Quay trở lại với câu chuyện về 4 học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) đi học muộn và đã đứng chào cờ ngoài cổng trường. Bản thân mỗi học sinh đã thấy được cái sai là đi trễ. Đó là quy định. Chào cờ là nghi thức và cũng là quy định nên các em đã tuân thủ chấp hành. Đấy cũng chính là nền nếp trường học.

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khi-hoc-sinh-di-hoc-muon-38317.htm