Khi nào thì Saudi Arabia mới thôi làm chao đảo thị trường chuyển nhượng

Sau Kante, đến lượt một cầu thủ Chelsea khác là Koulibaly sẽ chuyển sang chơi ở Saudi Pro. Đây là trung vệ từng được kỳ vọng sẽ tạo ra đẳng cấp thế giới cho hàng phòng ngự Chelsea mùa trước và thực tế anh chơi 32 trận cho đội bóng London. Nói cách khác, Koulibaly vẫn đang ở đỉnh cao nhưng vẫn chấp nhận sang Saudi Arabia. Cũng có nghĩa đất nước giàu có ở vùng Vịnh này vẫn chưa ngừng việc báo loạn thị trường chuyển nhượng châu Âu.

Giá của các cầu thủ tăng vọt một cách chóng mặt. Những ngôi sao của Man.City như Riyad Mahrez và Bernardo Silva cũng đang bị chèo kéo. Dòng tiền khổng lồ của Saudi Arabia khiến khái niệm “nghỉ hưu kiếm tiền” trở nên mờ nhạt. Nhiều cầu thủ vẫn còn chơi tốt cũng đồng ý sang Saudi Pro chơi bóng. Nhiều người cho rằng hiệu ứng bóng đá ở quốc gia này tạo ra còn vượt qua Chinese Super League trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2016/17. Nó làm thay đổi kế hoạch của mọi CLB lớn. Điều rất lâu mới xảy ra trong làng bóng đá thế giới.

Ví dụ, Man.United xem xét mua trung phong Rasmus Hojlund với mức giá tiềm năng 45 triệu bảng, nhưng tuần trước, Atalanta tăng giá bán cầu thủ này gần gấp đôi. Những cầu thủ có giá 40 triệu bảng cách đây 2 năm giờ có giá 70 triệu bảng. Điều này khiến kế hoạch mua sắm của nhiều CLB bị trì hoãn, họ đang chờ xem thị trường có lắng xuống hay không rồi mới thực hiện bước đi tiếp theo. Nhiều bên trung gian cố gắng nhảy vào cuộc chơi với hy vọng kiếm tiền. Một cơn sốt vàng mới bắt đầu. Hệ quả từ thị trường chuyển nhượng như vậy cũng khiến tương lai các cầu thủ trở nên bất định. Có người sẽ tìm được bến đỗ mơ ước, ngược lại kẻ phải chấp nhận ở lại đội bóng.

Từ những gì diễn ra, một câu hỏi lớn bắt đầu xuất hiện. Liệu rằng đây là một nước cờ của quốc gia lớn nhất vùng Vịnh hay thực sự họ muốn Saudi Pro trở thành giải vô địch hàng đầu thế giới? Người bi quan thì cho rằng Saudi Arabia đang đi vào vết xe đổ của bóng đá Trung Quốc, nhưng có một chi tiết đáng chú ý: Saudi Arabia là đội duy nhất đánh bại Argentina ở World Cup 2022. Nghĩa là nền bóng đá này có tiềm lực lớn hơn Trung Quốc rất nhiều và khả năng họ đẩy chất lượng Saudi Pro lên tầm cao mới khả thi hơn so với China Super League.

"Mọi người đang nghĩ những gì diễn ra ở Saudi Arabia giống như tia chớp thoáng qua, nhưng lãnh đạo các đội bóng ở đây muốn biến sân chơi quốc nội thành giải đấu lớn nhất thế giới", một người đại diện với kiến thức về thị trường bóng đá Saudi Arabia cho biết. Hồi tháng 1, Gary Cook - cựu Giám đốc Điều hành Man.City - được bổ nhiệm làm CEO của Saudi Pro, với kỳ vọng nâng cao chất lượng giải đấu. Saudi Pro cũng đặt tham vọng trở thành sân chơi của những danh thủ đẳng cấp thế giới đang ở độ tuổi sung mãn và sau 2-3 kỳ chuyển nhượng nữa, họ sẽ đưa về nhiều cầu thủ trẻ nổi tiếng. Thời gian qua, nhiều công ty đại diện cầu thủ đổ xô đến Saudi Arabia để bắt tay làm ăn với các đội bóng bao gồm Jorge Mendes, "siêu cò" nổi tiếng thế giới, hay Gestifute, CAA Stellar, New Era … những công ty quản lý cầu thủ hàng đầu.

Có vẻ người Saudi Arabia không nói chơi với tham vọng biến giải đấu của họ thành một trong những sân khấu bóng đá lớn nhất hành tinh. Vì nguyên nhân xâu xa cho thấy động cơ của Saudi Arabia khá dài hạn. Mới đây tờ Times có tiết lộ một thỏa thuận “bí mật” giữa Messi và Saudi Arabia để quảng bá hình ảnh đất nước này trên hệ thống mạnh xã hội. Hợp đồng cho thấy Messi có thể nhận được tới 25 triệu USD, trong vòng 3 năm cho những công việc khá nhẹ nhàng: một vài lần xuất hiện sự kiện, một vài bài đăng trên mạng xã hội và một số kỳ nghỉ được bao trọn gói cho anh và gia đình ở Saudi Arabia. Một bức ảnh Messi ngồi trên bờ biển tại đất nước này thôi được cho là có giá 2 trệu USD. Ngược lại, thỏa thuận cho biết Messi không được nói bất cứ điều gì có thể “làm hoen ố” Saudi Arabia như vấn đề nhân quyền chẳng hạn.

Bóng đá cũng như các ngôi sao của nó có vẻ như chỉ là một phần trong chiến lược gia tăng ‘quyền lực mềm” của Saudi Arabia, bên cạnh tham vọng đăng cai World Cup 2030. Saudi Arabia đã chi hàng tỷ đô la để mua cổ phần lớn trong lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp: Một đội bóng Premier League, trận tranh ngôi vô địch quyền anh thế giới, một chặng đua Grand Prix, và tổ chức một giải Golf thuộc PGA. Trong hợp đồng với Messi, không cần anh phải chơi bóng mà chỉ đi chổ này, chổ nọ hoặc đăng bài viết lên mạng xã hội để quảng bá hình ảnh. Có tin còn cho biết Messi đồng ý làm phát ngôn viên ngành du lịch vì “anh ấy tin tưởng vào Saudi và tầm nhìn của Saudi”.

Nói cách khác, bóng đá Saudi Arabia không theo vết xe đổ của Trung Quốc mà là họ lấy đó làm bài học để tận dụng bóng đá làm việc khác. Từ giai đoạn 2013-2020, các đội bóng ở China Super League đã chi hơn 2 tỉ USD bao gồm lương. Nhưng các CLB Saudi Pro thực tế không chi nhiều cho phí chuyển nhượng. Lần lượt Ronaldo, Benzema và Kante đều đến Saudi Arabia sau khi kết thúc hợp đồng với CLB chủ quản. Ramos, Busquets hay Hazard có thể là những người nối tiếp dưới dạng chuyển nhượng tự do.

Thêm vào đó, những cái tên đặt chân đến Saudi Arabia thực sự chất lượng hơn dàn ngôi sao đổ bộ Trung Quốc giai đoạn 5-7 năm trước. Saudi Arabia không phải là một thị trường bóng đá tỉ dân như Trung Quốc, lượng khán giả trung bình của giải chỉ vào khoảng 10.000 người/trận, không bằng một nửa của Trung Quốc. Các yếu tố thương mại khác cũng khó lòng sánh nổi, thế nên việc đầu tư của họ có vẻ như thật sự muốn nâng cấp nền bóng đá để phục vụ các mục tiêu tầm quốc gia trong thế giới toàn cầu.

HỒ VIỆT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khi-nao-thi-saudi-arabia-moi-thoi-lam-chao-dao-thi-truong-chuyen-nhuong-post695081.html