Khi Thờ Mẫu phát huy giá trị văn hóa

Phát huy vai trò của những thanh đồng đích thực để đưa hầu đồng vào quỹ đạo cần tác động vào nhận thức, thay vì đưa ra những quy định hành chính có tính cứng nhắc.

Vừa qua tại lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công bố Chương trình Hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt” giai đoạn 2017-2022.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tín ngưỡng Thờ Mẫu có bề dày hàng trăm năm với các hệ giá trị độc đáo, gắn liền việc thờ nữ thần, thờ bà mẹ thiên nhiên - biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành nét sinh hoạt văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tâm linh của con dân nước Việt.

Thực hành cơ bản của tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ chính là thỏa mãn nhu cầu và khát vọng về cầu sức khỏe, bình an, làm ăn phát đạt… hướng con người đến lòng từ bi bác ái như là nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người.

Bên cạnh tính tâm linh thì nghi lễ hầu đồng có sức hút mạnh mẽ, hấp dẫn đông đảo người dân vì hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật: trình diễn, trang phục, hội họa, âm nhạc, ca từ… đặc biệt tính tương tác cao giữa người thực hành nghi lễ và những người dự hầu nên đã lôi cuốn người dân đến với tín ngưỡng. Những người thực hành tin rằng, bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thầy đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.

Đặc biệt khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, khẳng định những giá trị và đóng góp của văn hóa Việt Nam với nền văn hóa chung của nhân loại. Mà cùng với niềm vinh dự đó là trách nhiệm phải bảo tồn và phát huy di sản tốt hơn. Trách nhiệm không chỉ với cơ quan quản lý, mà đặc biệt quan trọng là trách nhiệm của cộng đồng, là những người thực hành di sản. Với trách nhiệm và lòng tự hào ấy, chúng ta cần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ di sản, để tín ngưỡng được thực hành, trao truyền đúng với những giá trị văn hóa tốt đẹp của di sản, không bị làm sai lệch biến tướng…

Chương trình Giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Hà Nội 2019 diễn ra mới đây cũng nhằm động viên các thanh đồng, và các hội viên tiếp tục tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, ghi nhận những đổi mới trong xã hội đương đại, song vẫn đảm bảo kế thừa truyền thống, đúng lễ nghi, trang nghiêm và giá trị văn hóa của tín ngưỡng.

Phát huy vai trò của những thanh đồng đích thực để đưa hầu đồng vào quỹ đạo cần tác động vào nhận thức, thay vì đưa ra những quy định hành chính có tính cứng nhắc. Những chương trình giao lưu văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu như Hà Nội vừa qua cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Bởi, chủ thể văn hóa của hầu đồng chính là đội ngũ thanh đồng hiện có. Mỗi cuộc giao lưu như thế vừa là dịp để đội ngũ thanh đồng được “gạn đục khơi trong” vừa tìm hiểu, nghiên cứu để hoàn thiện vốn kiến thức về hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu của mình. “Tôi tin, theo thời gian, hầu đồng cũng sẽ sớm trở về với những giá trị đích thực vốn có”, TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội khẳng định.

Bảo An

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/khi-tho-mau-phat-huy-gia-tri-van-hoa-94321.html