Kho bom lớn nhất Đông Dương gần 80 năm trước, nay là điểm xanh mát giữa TPHCM

Lưu dấu kho bom đạn lớn nhất Đông Dương một thời, công viên nhỏ rợp bóng cây, thơm ngát hương hoa sứ khiến khách tham quan bất ngờ, thích thú.

Dấu tích kho bom đạn lớn nhất Đông Dương

Nằm trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận Tân Bình, TPHCM) công viên Tân Phước có diện tích khiêm tốn nhưng rợp bóng cây. Giữa công viên là tượng đài chiến sỹ đặc công oai nghiêm, cao vút.

Công viên được xây dựng trên khu đất vốn là dấu tích của một công trình quân sự đặc biệt. Đó là kho bom Phú Thọ Hòa. Một thời, kho bom đạn này được nhận định là lớn nhất Đông Dương.

Một góc công viên Tân Phước. Ảnh: Hà Nguyễn

Một góc công viên Tân Phước. Ảnh: Hà Nguyễn

Theo thông tin từ Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình, từ năm 1946, thực dân Pháp chiếm khoảng hơn 3km2 đất trong rừng cao su tại làng Phú Thọ Hòa để lập kho vũ khí.

Đây là kho dự trữ chiến lược cho toàn Nam Bộ được Pháp xây dựng kiên cố với chiều dài 2km, chiều ngang 1km. Khu vực này được chia làm 3 khu chính gồm: Khu chứa bom, khu chứa đạn và khu chứa xăng dầu.

Công viên trồng nhiều gốc hoa sứ cho hoa thơm ngát quanh năm. Ảnh: Hà Nguyễn

Công viên trồng nhiều gốc hoa sứ cho hoa thơm ngát quanh năm. Ảnh: Hà Nguyễn

Để bảo vệ kho bom, Pháp cho dựng 6 lớp rào kẽm gai, xen kẽ là hào nước, bãi mìn. Vòng bảo vệ trong cùng, Pháp dựng nhiều lô cốt, tháp canh.

Bảo vệ kho bom là một tiểu đoàn được trang bị xe thiết giáp, chó nghiệp vụ tuần tra nghiêm ngặt ngày đêm. Lúc cao điểm, nơi đây cất trữ lượng vũ khí tương đương 15.000 tấn thuốc nổ gồm bom, đạn pháo và kho xăng.

Nơi đây từng là kho bom đạn lớn nhất Đông Dương. Ảnh: Hà Nguyễn

Nơi đây từng là kho bom đạn lớn nhất Đông Dương. Ảnh: Hà Nguyễn

Kho bom đạn khổng lồ này đã 2 lần bị quân và dân ta tấn công. Trận tấn công lần đầu diễn ra vào ngày 31/8/1952. Trận thứ 2 diễn ra vào ngày 1/6/1954.

Trận đánh lần thứ 2 này được lực lượng đặc công khu Sài Gòn – Chợ Lớn thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Linh, Chính ủy khu Sài Gòn – Chợ Lớn và cấp phó của mình là ông Đào Tấn Xuân.

Thông tin từ Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình có đoạn: “Sau một thời gian chuẩn bị về lực lượng, huấn luyện, trinh sát, chế tạo vũ khí… đêm mùng 1 rạng mùng 2 tháng 6 năm 1954, 10 cán bộ chiến sĩ đặc công do đồng chí Nguyễn Văn Cự chỉ huy từ hướng Trung Quận theo đường kênh Rau Răm đã đột nhập, gài bộc phá vào các kho bom đạn và xăng dầu của địch rồi rút về căn cứ an toàn.

Bộc phá (bộc lôi) hẹn giờ đã nổ, phá hủy trên vạn tấn bom đạn, hơn 10 triệu lít xăng dầu cùng các phương tiện chiến tranh khác, tiểu đoàn Âu Phi của Pháp bảo vệ kho bom đạn bị xóa sổ, các đơn vị tới ứng cứu bị thương vong nặng.

Trận đánh kho bom đạn tại Phú Thọ Hòa là trận đánh thắng lợi nhất ở Nam Bộ năm 1954, là cú đánh bồi, đánh nhồi sau trận Điện Biên Phủ, trận đánh gây nên tiếng vang lớn ở trong nước và quốc tế”.

Tượng đài được xây dựng trên nóc hầm kho bom đạn trước đây. Ảnh: Hà Nguyễn

Tượng đài được xây dựng trên nóc hầm kho bom đạn trước đây. Ảnh: Hà Nguyễn

Công viên rợp bóng cây xanh

Năm 2005, địa điểm và trận đánh của đặc công khu Sài Gòn – Chợ Lớn vào kho bom đạn Phú Thọ Hòa được UBND TPHCM xếp hạng là Di tích lịch sử theo quyết định số 22/2005Q-UB.

Hiện nay, một phần còn lại của di tích kho bom đạn xưa trở thành công viên Tân Phước rợp bóng cây xanh.

Công viên được thiết kế với không gian rộng rãi, thoáng mát, trồng nhiều hoa cảnh. Các lối đi tại đây được lát gạch sạch sẽ, thẳng tắp.

Phía trên nóc hầm di tích là tượng đài chiến sĩ đặc công. Bên trái tượng đài có bức phù điêu hình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Hai, bên phải là bia ghi nhận chiến thắng trận đánh kho bom đạn Phú Thọ Hòa.

Phù điêu hình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Hai (ảnh trái) và bia ghi nhận chiến thắng trận đánh kho bom đạn Phú Thọ Hòa. Ảnh: Hà Nguyễn

Phù điêu hình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Hai (ảnh trái) và bia ghi nhận chiến thắng trận đánh kho bom đạn Phú Thọ Hòa. Ảnh: Hà Nguyễn

Xung quanh tượng đài có trồng những cây sứ trắng cho hoa thơm ngát quanh năm. Công viên còn có nhà trưng bày các hình ảnh nhân chứng, tài liệu, hiện vật, sa bàn liên quan đến trận đánh.

Một góc sa bàn liên quan đến trận đánh kho bom đạn đặt trong nhà trưng bày. Ảnh: Hà Nguyễn

Một góc sa bàn liên quan đến trận đánh kho bom đạn đặt trong nhà trưng bày. Ảnh: Hà Nguyễn

Mỗi ngày, công viên thu hút nhiều người dân sinh sống gần đó đến hóng mát, tập thể dục, tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Một người phụ nữ đến công viên thả bộ cho biết: “Trước đây, nơi đây là ngọn đồi đất trống. Sau này, thành phố cải tạo, xây dựng thành công viên.

Công viên thu hút người dân đến thư giãn, tập thể dục mỗi ngày. Ảnh: Hà Nguyễn

Công viên thu hút người dân đến thư giãn, tập thể dục mỗi ngày. Ảnh: Hà Nguyễn

Khi biết nơi đây từng là kho bom đạn từ thời chống Pháp, tôi rất bất ngờ. Dù vậy, đây cũng là một nét riêng biệt, độc đáo của công viên so với những nơi khác.

Công viên có diện tích nhỏ nhưng có nhiều cây xanh, sạch sẽ. Nơi đây thường đông đúc vào buổi sáng và chiều tối bởi thời điểm này có nhiều người đến tập thể dục, trẻ con đến vui chơi”.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kho-bom-lon-nhat-dong-duong-gan-80-nam-truoc-nay-la-diem-xanh-mat-giua-tphcm-2410492.html