Khó khăn trong quản lý thị trường gas

Thị trường gas trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện vẫn còn tình trạng gian lận trong kinh doanh, sang chiết gas trái phép…

Cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, thị trường gas trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh,gian lận trong kinh doanh, sang chiết gas trái phép, chiếm dụng vỏ bình, vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa… Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng công tác quản lý vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhằm bảo vệ thương hiệu, Công ty Xăng dầu Bắc Thái đã dán niêm phong bình gas có mã QR để khách hàng kiểm tra có phải sản phẩm chính hãng hay không.

Nhằm bảo vệ thương hiệu, Công ty Xăng dầu Bắc Thái đã dán niêm phong bình gas có mã QR để khách hàng kiểm tra có phải sản phẩm chính hãng hay không.

Thái Nguyên là địa bàn trung chuyển gas từ khu vực cảng Hải Phòng lên thị trường phía Bắc như các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn… Đồng thời là thị trường tiếp nhận sản phẩm gas từ nhiều tỉnh lân cận nên hoạt động kinh doanh gas khá sôi động. Các hãng gas chiếm thị phần lớn tại Thái Nguyên là: Hồng Hà, Vạn Lộc, Venus, Petrolimex…

Theo thống kê sơ bộ, sản lượng gas tiêu thụ trên toàn tỉnh vào khoảng 20-22 nghìn tấn/năm (không kể lượng tiêu thụ của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cùng các công ty phụ trợ và không tính lượng gas sang chiết của các thương nhân trên địa bàn Thái Nguyên chuyển đến các tỉnh khác).

Theo thông tin từ Sở Công Thương Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 thương nhân kinh doanh mua bán LPG (Liquefied Petroleum Gas - khí gas, hay còn gọi là khí dầu mỏ hóa lỏng, khí hóa lỏng), 5 thương nhân chiết nạp LPG và hàng trăm hộ, cơ sở, cửa hàng kinh doanh, bán lẻ gas. Các thương nhân kinh doanh mua bán LPG, thương nhân chiết nạp LPG cơ bản thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tuy nhiên các cửa hàng bán lẻ gas vẫn còn tình trạng vi phạm, gian lận trong kinh doanh.

Từ năm 2021 đến ngày 16/7/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra 84 vụ, xử lý 22 vụ liên quan đến mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 80 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Chưa đủ điều kiện của cửa hàng bán lẻ LPG chai, sang chiết gas trái phép, vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa…

Trong đó, một số vụ việc điển hình như: Năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh do ông D.V.V. làm chủ, ở xã Điềm Thụy (Phú Bình) có hành vi bán lẻ LPG chai tại cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai; lập sổ hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi chai LPG nhưng không có đủ các thông tin về chai LPG theo quy định. Lực lượng Quản lý thị trường đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 16 triệu đồng.

Cũng tại huyện Phú Bình, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện hộ kinh doanh do ông P.N.Y. làm chủ, thực hiện hành vi sang chiết LPG trái phép từ chai LPG dung tích lớn sang chai LPG mini. Lực lượng chức năng đã tịch thu tang vật vi phạm gồm 1 LPG chai loại 12kg nhãn hiệu Petrodec Gas, 6 LPG chai mini (đã được nạp lại đầy chai), 24 chai LPG mini và 1 van gas (loại 1 đầu vào, 3 đầu ra bằng kim loại), đồng thời xử phạt 25 triệu đồng.

Theo các cơ quan chức năng, công tác quản lý thị trường gas vẫn còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Một cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn thị trấn Đu, huyện Phú Lương (ảnh mang tính chất minh họa).

Theo các cơ quan chức năng, công tác quản lý thị trường gas vẫn còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Một cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn thị trấn Đu, huyện Phú Lương (ảnh mang tính chất minh họa).

Mặc dù đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng theo đại diện các cơ quan chức năng, tình trạng vi phạm trong kinh doanh gas vẫn diễn biến khá phức tạp. Vấn đề nổi cộm nhất vẫn là sang chiết trái phép. Các đối tượng làm lén lút, trong không gian kín nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện, bắt quả tang. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng niêm phong giả giống niêm phong chính hãng, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra.

Hành vi này gây ra hệ lụy là nguy cơ cháy nổ khi sang chiết, tổn hại thương hiệu của các hãng gas uy tín. Người tiêu dùng thiệt hại khi phải trả khoản tiền cao hơn giá trị thật. Đồng thời dẫn tới hiện tượng các bình gas cũ tồn đọng, quay vòng sử dụng ở các cửa hàng, hộ gia đình trong thời gian dài nên bị xuống cấp, giảm độ an toàn, dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Ông Phạm Kiên, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Bắc Thái (kinh doanh thương hiệu gas Petrolimex) cho biết: Petrolimex là thương hiệu gas nổi tiếng, với chất lượng cao và giá bán nhỉnh hơn so với các hãng gas khác. Nhằm bảo vệ thương hiệu, Công ty mới triển khai tổng đài gas Petrolimex Thái Nguyên với một số điện thoại duy nhất là 19001287, đồng thời dán niêm phong có mã QR trên vỏ bình. Trước khi sử dụng, khách hàng nên dùng điện thoại check QR code để kiểm tra bình gas chuẩn chính hãng hay không.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để được sử dụng sản phẩm gas chính hãng, đảm bảo chất lượng, người dân nên kiểm tra loại gas đang sử dụng, thực hiện kiểm tra theo quy định của hãng. Trước khi sử dụng, người dân nên kiểm tra kỹ hạn kiểm định được dập trên tai bình gas và báo ngay cho cơ quan chức năng nếu bình gas quá hạn kiểm định. Ngoài ra, nếu phát hiện hành vi sang chiết trái phép, gian lận, vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh gas, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/ban-doc/ban-doc-quan-tam/202307/kho-khan-trong-quan-ly-thi-truong-gas-a46040d/