Khổ sở vì tiếng ồn

Ông Đ.T.L. (tổ 6, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho biết: Đối diện nhà ông là cơ sở sản xuất nước đá viên đã hoạt động hơn 10 năm qua. Mấy năm gần đây, cơ sở này gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông và nhiều hộ dân xung quanh. Vì tuổi cao lại mắc bệnh rối loạn thần kinh nên tiếng ồn từ hoạt động sản xuất nước đá khiến ông bị đau đầu không ngủ dẫn đến tinh thần sa sút.

Cuối năm 2022, lực lượng chức năng đã kiểm tra và tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định xử phạt vì cơ sở hoạt động có tiếng ồn vượt quá quy định cho phép. Sau đó, cơ sở này cũng đã có biện pháp hạn chế tiếng ồn nhưng không đáng kể. Vì thế, người dân tiếp tục phản ánh và rất mong ngành chức năng vận động di dời cơ sở này ra xa khu dân cư.

Nhiều hộ dân thuộc phường Hội Thương và phường Hoa Lư (TP. Pleiku) sinh sống gần Câu lạc bộ Garden Beer (dọc suối Hội Phú, tổ 7, phường Hội Thương) cũng ngán ngẩm với tiếng nhạc mở to quá mức của câu lạc bộ này, nhất là từ 20 giờ đến khoảng 23 giờ hàng ngày. Thậm chí, có thời điểm, khách hàng mâu thuẫn cãi vã nhau gây ồn ào, có trường hợp rượt đuổi nhau trốn chạy vào nhà dân. Mặc dù các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng lực lượng chức năng chưa có phương án giải quyết triệt để.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026), cử tri tiếp tục đề nghị ngành chức năng kiểm tra về mức độ tiếng ồn nhằm có biện pháp xử lý để đảm bảo cuộc sống của các hộ xung quanh.

Hiện nay, ô nhiễm tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh không phải là hiếm, nhất là tại các khu vực đô thị. Trong đó, phổ biến là hoạt động của các cơ sở mộc, nhà nuôi yến, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu dân cư và chưa có biện pháp xử lý tiếng ồn triệt để.

Trước đây, nhiều hộ dân thuộc tổ 4 (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cũng khốn khổ vì tiếng ồn và mùi hôi từ xưởng mộc của ông Đ.V.T. (cùng tổ). Sau nhiều lần kiến nghị, lãnh đạo TP. Pleiku, phường Thống Nhất và ngành chức năng đã vào cuộc xử lý quyết liệt. Sau đó, chủ xưởng mộc phải di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư. Hay cách đây khoảng 5 năm, một hộ dân ở ngay mặt đường hẻm 338 Trường Chinh (tổ 2, phường Trà Bá, TP. Pleiku) nuôi chim yến gây tiếng ồn khiến người dân sinh sống xung quanh bức xúc. Tuy nhiên, sau khi nghe phản ánh của người dân, chủ hộ đã dừng ngay việc nuôi yến để trả lại sự yên tĩnh vốn có cho khu dân cư.

Theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực đặc biệt (khu vực hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình chùa và các khu vực quy định đặc biệt khác) là 55 dBA từ 6 giờ đến 21 giờ và 45 dBA từ 21 giờ đến 6 giờ sáng. Tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70 dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55 dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ sáng).

Bên cạnh đó, Điều 22 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định: phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA. Đối với những trường hợp vượt quy chuẩn kỹ thuật tiếng ồn từ 2 dBA trở lên thì chia thành nhiều mức khác nhau, thấp nhất là bị phạt từ 1 đến 5 triệu đồng; cao nhất là từ 140 đến 160 triệu đồng và có hình thức xử phạt bổ sung.

Như vậy, việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn rất cần sự quyết liệt của cấp có thẩm quyền.

NHẬT HÀO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/kho-so-vi-tieng-on-post244643.html