Khoảng 160.000 người tử vong vì đột quỵ mỗi năm
Cứ 3 người đột quỵ sẽ có khoảng 2 người tử vong hoặc gặp các di chứng nặng cần người chăm sóc trong vòng 5 năm, do không được cấp cứu điều trị kịp thời.
Thông tin trên được ngành y tế được đưa ra tại Hội nghị Liên minh đột quỵ toàn cầu diễn ra sáng 24/7 tại Hà Nội, do Bệnh viện Bạch Mai phối hợp cùng Tổ chức Đột quỵ thế giới tổ chức.
Đột quỵ não không chỉ là một gánh nặng y tế nghiêm trọng mà còn là gánh nặng kinh tế - xã hội to lớn trên toàn cầu. Bệnh đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Thống kê của ngành y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ và 160.000 ca tử vong, cứ 4 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người đã và sẽ bị đột quỵ.
Đáng nói, hiện Việt Nam chỉ có khoảng hơn 130 bệnh viện có khả năng tiếp nhận và điều trị tái thông cho bệnh nhân đột quỵ. Các chuyên gia nhấn mạnh, bệnh nhân đột quỵ nếu không được cứu chữa kịp thời, cứ mỗi phút sẽ có 2 triệu tế bào não chết đi mà không thể phục hồi, đây cũng là nguyên nhân khiến căn bệnh này gây tử vong đứng thứ hai và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trưởng thành trên khắp thế giới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào việc chia sẻ, cập nhật những kiến thức mới trong điều trị bệnh lý đột quỵ, đặc biệt là cùng nhau xây dựng các dự án phát triển chuyên ngành đột quỵ, hướng tới việc dự phòng hiệu quả, điều trị kịp thời và chăm sóc dài hạn. Trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cấp cứu ngoại viện về chuyên ngành này, nhằm mục đích giảm thiểu tử vong và hạn chế tàn tật cho người đột quỵ.
Cũng nhân sự kiện này, Tổ chức Đột quỵ thế giới đã trao chứng nhận Trung tâm Đột quỵ chuyên sâu cho Bệnh viện Bạch Mai, cũng là bệnh viện đầu tiên tại Đông Nam Á đạt bộ tiêu chuẩn mới cập nhật. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình chuẩn hóa chất lượng điều trị đột quỵ tại Việt Nam.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/khoang-160000-nguoi-tu-vong-vi-dot-quy-moi-nam-348862.htm