Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp từ trong nhà trường

Nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được đưa vào các trường học trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo sức lan tỏa rộng khắp, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ.

Ban tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2019 do Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung phối hợp với Báo Phú Yên tổ chức trao giải cho các thí sinh. Ảnh: THÚY HẰNG

Ban tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2019 do Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung phối hợp với Báo Phú Yên tổ chức trao giải cho các thí sinh. Ảnh: THÚY HẰNG

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên (HSSV) các trường phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đang được lan tỏa. Với việc khởi động thành công cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp lần thứ nhất năm 2019, mục tiêu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên của Trường đại học Xây dựng Miền Trung tiếp tục lan tỏa. Ngay tại ngày khai giảng năm học 2019-2020 vừa qua, thông điệp về chương trình khởi nghiệp được PGS-TS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh và chuyển tải đến đông đảo SV.

Theo thầy Phương, hoạt động khởi nghiệp không chỉ giúp SV có thể tự mình làm chủ, phát triển những ý tưởng, dự án của mình sau khi tốt nghiệp mà còn tạo việc làm cho nhiều người khác. Ðây là hoạt động phù hợp với xu thế trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thị trường lao động rộng mở cho đội ngũ lao động trẻ đón nhận những cơ hội và cả thử thách nghề nghiệp.

Tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2019 do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, khởi nghiệp luôn thường trực trong suốt cuộc đời mỗi người. Do vậy, quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện ý chí, nuôi dưỡng đam mê khát vọng là rất cần thiết. Khởi nghiệp rất cần nhưng phải từng bước thận trọng, tránh tình trạng không chuẩn bị kỹ dẫn tới thất bại, chán nản.

“Nhà trường đã lồng ghép giảng dạy về chương trình khởi nghiệp, chú trọng trang bị ngoại ngữ, kỹ năng mềm cũng như văn hóa doanh nghiệp cho SV. Ðặc biệt nhà trường có sự hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để SV thực tập, tiếp xúc với các cơ hội nghề nghiệp cũng như tạo môi trường để SV thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình một cách bài bản, chuyên nghiệp”, PGS-TS Nguyễn Vũ Phương nói.

Tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, sau nhiều lần tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cũng đã lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp đến nhiều HSSV. Em Đoàn Lâm Hân, học sinh lớp 11 Trường THCS và THPT Chu Văn An (huyện Đồng Xuân), cho biết: Em rất thích kinh doanh trà sữa nên khi biết Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, em xây dựng dự án Milk Tea Pet’s tham gia dự thi và đoạt giải nhì. Khi biết em đoạt giải, các bạn trong trường rất ngạc nhiên, vì các bạn cho rằng HS thì làm gì có khả năng xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên theo em, nếu chúng ta có sự đam mê thì dù là HS hay SV đều có thể xây dựng ý tưởng, nuôi dưỡng ước mơ trở thành doanh nhân. “Hiện em đang huy động vốn để hiện thực hóa ý tưởng này”, Lâm Hân nói.

Thông qua các hoạt động thiết thực như tư vấn, đào tạo và cung cấp thông tin khởi nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư..., các trường phổ thông, cao đẳng, đại học đang từng bước giúp HSSV phát huy tinh thần sáng tạo và ý chí tự lập, áp dụng những kiến thức đã học để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi.

Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự tham gia chương trình ngoại khóa về giáo dục tài chính cá nhân do Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên tổ chức. Ảnh: THÚY HẰNG

Học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự tham gia chương trình ngoại khóa về giáo dục tài chính cá nhân do Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên tổ chức. Ảnh: THÚY HẰNG

Đưa vào trường học một cách bài bản

Theo đề án Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 của Bộ GD-ĐT, đến năm 2020, có ít nhất 90% HSSV trước khi ra trường thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp.

Hướng tới việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và cung cấp những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho giới trẻ, hiệu trưởng nhiều trường học cho rằng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và nhà trường. “Các trường chủ động, linh hoạt nghiên cứu nội dung: giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và tình hình phát triển kinh tế, sản xuất ở địa phương. Đặc biệt, khởi nghiệp nên lồng ghép với hướng nghiệp, cần dạy cho HS hình thành tư duy khởi nghiệp, sau đó trang bị cho các em những công cụ và kỹ năng khởi nghiệp để lên bậc học cao hơn, có thể hình thành doanh nhân tiềm năng”, ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên) cho hay.

Không chỉ thúc đẩy khởi nghiệp trong SV với các giải pháp như đào tạo, kết nối SV với hệ sinh thái khởi nghiệp, vấn đề khởi nghiệp cũng sẽ được đưa vào giáo dục phổ thông thông qua những phương pháp giáo dục đổi mới, nhẹ nhàng, góp phần trang bị những nền tảng kiến thức, kỹ năng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho HS trung học.

Ngành Giáo dục khuyến khích giáo viên tìm nhiều phương thức, linh hoạt thông qua các mối quan hệ quen biết giới thiệu để HSSV đến tham gia, trải nghiệm các mô hình thực tế. Từ đó giúp các em hình thành ý tưởng và giáo viên tiếp tục hỗ trợ bồi đắp, phát triển ý tưởng đó thành đề tài, dự án tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp ở các cấp.

TS TRẦN KIM QUYÊN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG: Khơi nguồn cho những ý tưởng kinh doanh

Mục đích chính của đề án Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 là khơi dậy, rèn luyện tinh thần khởi nghiệp; trang bị các kiến thức cần thiết cho HSSV về khởi nghiệp; kết nối tất cả các trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Thực hiện đề án, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động khích lệ, nhân rộng tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, để tinh thần khởi nghiệp thực sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức và hành động của giới trẻ đòi hỏi có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của nhà trường.

Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung còn tích cực xây dựng các chương trình và hoạt động ngoại khóa khơi nguồn cho những ý tưởng kinh doanh thông qua các khóa đào tạo khởi nghiệp, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp… nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp cũng như trang bị kỹ năng cho HSSV. Hướng đi đó, vừa có thể giúp nhà trường đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, đồng thời vừa giúp người học nhạy bén trong tư duy và phát triển những ý tưởng tiềm ẩn.

ÔNG DƯƠNG BÌNH LUYỆN, TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TRUNG HỌC (SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN): Khuyến khích sự sáng tạo của học sinh

Sắp đến, chương trình dạy khởi nghiệp sẽ được đưa vào trường học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, vì vậy, Sở GD-ĐT sẽ chủ động có kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên của ngành. Các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chú trọng khai thác tốt các điều kiện dạy học: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị… để xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở địa phương. Mỗi trường thể hiện cụ thể các nội dung giáo dục, hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị trường, đồng thời kết hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm góp phần định hướng nghề nghiệp và phát triển năng lực của HS.

Ngành Giáo dục khuyến khích các trường triển khai mô hình giáo dục STEM (tích hợp kiến thức các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) nhằm thúc đẩy hình thành kiến thức, kỹ năng, hướng tới khuyến khích sự sáng tạo của HS.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/230108/khoi-day-tinh-than-khoi-nghiep-tu-trong-nha-truong.html