Khơi nguồn sức mạnh nơi dân

Nhân dân luôn là nền tảng, là chỗ dựa vững chắc của chính quyền trong mọi hoạt động từ phát triển kinh tế - xã hội đến đảm bảo quốc phòng, an ninh. Sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) sẽ không thể giành thắng lợi nếu như không huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân cùng vào cuộc. Những năm qua, thông qua phong trào 'Toàn dân bảo vệ ANTQ', bằng nhiều cách làm khác nhau, Bình Thuận đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Khơi nguồn sức mạnh nơi dân

Hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2015 - 2020. (Ảnh tư liệu)

Hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2015 - 2020. (Ảnh tư liệu)

Sự ra đời của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn dựa vào nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân với nền tảng là “thế trận lòng dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Nhất quán quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Ra đời trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, lực lượng CAND luôn phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, tổ chức nhiều hình thức tập hợp nhân dân bảo vệ an ninh, trật tự thành các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước, mang lại sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Nổi bật trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc vận động “Ba không” (Không nghe, không biết, không thấy; Không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch)... Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là phong trào “Bảo mật phòng gian”, “Bảo vệ trị an”, “Phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn”... Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là “Phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ” và nay là “Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ”.

Kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục chú trọng công tác vận động và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, coi đây là công tác trọng tâm có tính chiến lược của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công cuộc bảo vệ an ninh, trật tự nói riêng. Từ thực tiễn trên, nhằm tôn vinh vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, khẳng định truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa nhân dân với lực lượng Công an nhân dân. Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/2005/QĐ _TTg lấy ngày 19 tháng 8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Trong 16 năm qua, với nhiều cách làm khác nhau, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương trong cả nước đã phối hợp với lực lượng công an tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”. Từ đó, tạo chuyển biến mới về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác an ninh, trật tự và đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”; xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại địa bàn cơ sở, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước.

Hiệu quả từ phong trào

Triển khai thực hiện phong trào, hàng năm, Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và tại địa bàn dân cư. Trên cơ sở đó, các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” đã được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, có sự kết hợp giữa phần “lễ” và phần “hội”. Điển hình là các hoạt động mít tinh; tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ và Công an xã tiêu biểu; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp giữ gìn ANTT; các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ lồng ghép tuyên truyền phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ… Qua đó đã tạo hiệu ứng tích cực trong công tác vận động nhân dân tham gia các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở, thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ giai đoạn 2015 đến nay, nhiều mô hình Toàn dân bảo vệ ANTQ đã phát huy hiệu quả thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội như: Mô hình “Camera an ninh phòng chống tội phạm” đã xây dựng, nhân rộng tại 142 địa bàn cơ sở với 1.895 mắt camera; mô hình “Thôn tự quản chống lây lan ma túy” được xây dựng ở 9/10 huyện, thị xã, thành phố tại 151 thôn, khu phố với 1.297 thành viên tổ nòng cốt; mô hình “Tổ liên quân phòng, chống tội phạm”, và “Chức sắc tôn giáo tham gia tự quản về an ninh trật tự”…

Qua đó đã cung cấp hơn 7.000 tin báo tố giác tội phạm, giúp cơ quan chức năng điều tra làm rõ 1.806/2.185 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt 2.033 đối tượng; triệt phá 236 băng - nhóm, 1.577 đối tượng cướp, cướp giật, trộm cắp... Ngoài ra, lực lượng công an đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức gọi hỏi răn đe, cảm hóa giáo dục và đưa kiểm điểm trước dân 9.678 đối tượng hình sự, ma túy, gây rối làm mất trật tự, an ninh; xử phạt hành chính 4.488 đối tượng vi phạm an ninh, trật tự... góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Cũng từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương tiêu biểu về sự dũng cảm, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm của quần chúng nhân dân, rất đáng trân trọng và tôn vinh.

Có thể nói, sức mạnh được khơi dậy từ lòng dân, sẽ là nền tảng giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Thanh Nhàn

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/khoi-nguon-suc-manh-noi-dan-140620.html