Không chỉ 'cán đích' một con số mà đó là sự tri ân

Trong những ngày tháng 7 lịch sử, cả nước đang hướng về kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025) với tinh thần tri ân sâu sắc. Trên khắp các tỉnh, thành, nhịp độ khẩn trương của công trình xây dựng nhà ở cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ đang được đẩy mạnh từng ngày.

Ngay sau khi Thủ tướng ký Công điện số 84/CĐ-TTg ngày 8/6/2025 về việc đẩy nhanh tiến độ chương trình, các địa phương trên toàn quốc đã khẩn trương rà soát, cập nhật số liệu thực tế và huy động tối đa nguồn lực. Nhiều tỉnh, thành phố đã cam kết hoàn thành toàn bộ số nhà cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ trước ngày 27/7. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc mạnh mẽ. Các tổ chức đoàn thể, lực lượng công an, quân đội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân cùng chung tay hỗ trợ nhân lực, vật lực, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công.

Việc hoàn thành sớm nhà cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ trước ngày 27/7 thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: TTXVN

Việc hoàn thành sớm nhà cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ trước ngày 27/7 thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết, theo kế hoạch tổng thể, chương trình xóa nhà tạm trên phạm vi toàn quốc được đặt mục tiêu hoàn thành vào ngày 25/8/2025. Tuy nhiên, với tinh thần tri ân và trách nhiệm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ trước ngày 27/7 năm nay. Đây không chỉ là một chỉ đạo mang tính hành chính, mà còn là thông điệp mạnh mẽ về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", khẳng định sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho độc lập - tự do của Tổ quốc.

Theo kế hoạch, ngày 24/7 tới đây, Chính phủ sẽ tổ chức buổi gặp mặt các cá nhân tiêu biểu đại diện cho hàng triệu người có công trên cả nước. Đến thời điểm đó, kết quả hỗ trợ nhà ở cho nhóm đối tượng chính sách này phải đạt 100%. "Không chỉ là con số, mà đó sẽ là minh chứng cụ thể, sinh động cho sự quan tâm toàn diện, sâu sắc và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong hành trình đền ơn, đáp nghĩa" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho thấy, từ nay đến mốc kết thúc chương trình (ngày 31/8/2025), cả nước còn khoảng 25.000 căn nhà cần hoàn thiện, trong đó chỉ có hơn 6.400 căn chưa khởi công. Riêng nhóm người có công vẫn còn 2.371 căn cần hoàn thành, bao gồm 1.249 căn đang xây và 1.122 căn chưa khởi công. Như vậy, một số địa phương phải tăng tốc, quyết liệt hoàn thành đúng hạn.

Nỗ lực hoàn thành sớm 100% nhà ở cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ mang ý nghĩa chính trị, xã hội đặc biệt sâu sắc. Đây là việc làm thiết thực, là thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn, khắc họa truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và ghi dấu sự tri ân chân thành của cả hệ thống chính trị và toàn dân với những người đã ngã xuống hoặc góp phần làm nên hòa bình hôm nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nông Thị Hà, về kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tính đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn lực huy động cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã vượt 17.802 tỷ đồng, bao gồm nguồn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các khoản vận động xã hội hóa. Đặc biệt, chương trình đã thu hút sự chung tay của cộng đồng với hơn 113,4 nghìn lượt người tham gia, đóng góp tổng cộng trên 1 triệu ngày công lao động - một con số thể hiện tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao độ trong toàn xã hội.

T.H

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-chi-can-dich-mot-con-so-ma-do-la-su-tri-an-10310572.html