Không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh

Những ngày gần đây, tại nhiều địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ và tỉnh Đắk Lắk xuất hiện một số ổ dịch Covid-19 mới trong cộng đồng. Có những tỉnh, số ca nhiễm được ghi nhận trong ngày cao ở mức ba con số, ngang bằng với đỉnh của đợt dịch lần thứ tư. Đáng lo ngại, hiện đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận không nhỏ người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk phòng, chống dịch Covid-19 khảo sát tại Bệnh viện dã chiến số 1. Ảnh: Công Lý

Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk phòng, chống dịch Covid-19 khảo sát tại Bệnh viện dã chiến số 1. Ảnh: Công Lý

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có xu hướng tăng cao, dao động trên dưới khoảng 200 ca/ngày. Riêng ngày 27/10 ghi nhận 244 ca, trong đó tại thành phố Rạch Giá có 69 ca. Đáng lo ngại, số ca mắc trong cộng đồng tăng lên và đã xuất hiện ca mắc trong khu công nghiệp. Tại tỉnh An Giang, những ngày gần đây cũng ghi nhận hơn 250 ca mắc/ngày. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: Dịch Covid-19 tại An Giang bùng phát từ nhiều nguồn, trong đó có người từ các tỉnh, thành phố trở về, thậm chí có người từ vùng dịch cấp độ 1. Tỉnh Trà Vinh từ ngày 11 đến 27/10 ghi nhận gần 200 ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng, với năm ổ dịch hình thành. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Trà Vinh đã quyết định thành lập 18 vùng cách ly y tế, giãn cách xã hội; lập hai chốt kiểm soát y tế tại xã Long Vĩnh để kiểm soát người, phương tiện ra vào. Tạm thời dừng hoạt động hai chợ Long Vĩnh, thị trấn Long Thành...

Cũng như các tỉnh nêu trên, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tăng trở lại. Cụ thể, trong ngày 27/10, Sóc Trăng ghi nhận 190 ca dương tính mới, nâng số ca mắc Covid-19 của tỉnh lên 4.845 người. Đáng quan tâm là các chùm ca bệnh mới xuất hiện diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm rộng vì đối tượng tiếp xúc nhiều người, lịch trình di chuyển phức tạp, đến nhiều nơi như chợ, khu công nghiệp, bệnh viện… Tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 242 ca mắc mới, đây là số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước đến nay. Trong số này, có 157 ca trong cộng đồng, 58 trường hợp liên quan chuỗi lây nhiễm của hai doanh nghiệp thủy sản là Tấn Khới và Châu Bá Thảo ở thị xã Giá Rai. Tỉnh Cà Mau cũng ghi nhận thêm 40 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 11 trường hợp là công dân tự phát về quê từ nhiều tỉnh, thành phố.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chỉ trong vòng 16 ngày từ 11 đến 27/10, đã ghi nhận 1.330 ca mắc Covid-19, trong đó có 811 ca được phát hiện trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc Covid-19 từ ngày 27/4 đến 27/10 là 3.576 trường hợp. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho biết: Điều đáng lo là các chùm bệnh được phát hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, có những chùm bệnh với hàng chục ca mắc như tại buôn Koneh (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) đến nay đã có hơn 250 ca mắc; buôn Ea Nho (xã Chư Kpô, huyện Krông Búk) có 121 ca mắc bệnh. Nguyên nhân dẫn đến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây là do số lượng công dân từ các tỉnh, thành phố phía nam trở về địa phương quá lớn. Cụ thể, trong số công dân từ vùng dịch trở về đã phát hiện 225 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong khi đó, việc truy vết các trường hợp liên quan hết sức khó khăn, vì liên tục xuất hiện các chùm bệnh tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương. Ngoài ra, do tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc-xin khá thấp, tính đến ngày 27/10, tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin mũi 1 mới đạt khoảng 47%, trong đó số người tiêm đủ hai mũi đạt khoảng 37%.

Trước áp lực F0 tăng nhanh trong thời gian ngắn, chính quyền các tỉnh đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh Cà Mau đã kích hoạt thêm bảy bệnh viện dã chiến, nâng tổng công suất tiếp nhận điều trị F0 từ 790 lên hơn 1.700 giường. Đồng thời, trưng dụng khoảng 300 cơ sở trường học các cấp để làm nơi cách ly tập trung cho hơn 32 nghìn công dân trở về. Tỉnh Kiên Giang, ngoài Trung tâm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại TP Rạch Giá có quy mô 1.800 giường bệnh, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, chuyển công năng một số cơ sở quân sự, dân sự để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, với gần 3.500 giường bệnh. Các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã đưa nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 vào hoạt động. Các địa phương trong khu vực đang đẩy nhanh tiến độ phủ kín vắc-xin, đang tổ chức tiêm vắc-xin cho người dưới 18 tuổi để tiến tới miễn dịch cộng đồng.

Lực lượng chức năng truy vết F1 đưa đi cách ly tại khóm 5, thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) ngày 27/10.
Ảnh: BÁ DŨNG

Trước tình hình bệnh nhân mắc Covid-19 tăng nhanh, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã đồng ý cho Bệnh viện dã chiến số 1, với quy mô 1.000 giường bệnh tăng thêm 200 giường bệnh điều trị tầng 1; chuẩn bị thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 với công suất 1.000 giường bệnh. Ngoài ra, còn năm bệnh viện khác đều tăng quy mô điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Để đáp ứng nguồn nhân lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19, ngành Y tế Đắk Lắk kêu gọi, vận động sinh viên đang theo học ngành y khoa tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, các cán bộ, nhân viên ngành y tế đã nghỉ hưu tích cực tham gia phòng, chống dịch và điều trị cho người mắc Covid-19. Ngày 27/10, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk phòng, chống dịch. Ngay sau khi đến Đắk Lắk, đoàn đã tiến hành khảo sát tại các cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên toàn tỉnh để đánh giá, đưa ra kịch bản hỗ trợ chống dịch hiệu quả nhất.

Tỉnh An Giang tiếp tục phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, nhất là Tổ Covid-19 cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế đối với các trường hợp đi về từ ngoài tỉnh; thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ đối với các trường hợp nguy cơ cao...

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Kiên Giang đã xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch. Mặc dù, tình hình dịch bệnh gần đây có chuyển biến khó lường, nhưng các địa phương vẫn kiên trì, thống nhất quan điểm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương để tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống. Tỉnh đã tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc tốt cho người mắc Covid-19; tiếp tục phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, nhất là Tổ Covid-19 cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế đối với các trường hợp đi về từ ngoài tỉnh; thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ đối với các trường hợp nguy cơ cao... Đồng thời, thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin bảo đảm nhanh, an toàn, đúng quy định; chấn chỉnh tư tưởng lơ là, mất cảnh giác trong một bộ phận cán bộ...

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Trà Vinh Dương Thành Huynh thông tin, tỉnh đã thiết lập bốn chốt kiểm tra y tế tại các cửa ngõ để thực hiện xét nghiệm nhanh vi-rút SARS-CoV-2 đối với một số trường hợp. Đây là giải pháp quản lý, kiểm soát và phát hiện ca bệnh Covid-19 tại các chốt kiểm soát, giảm các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 xâm nhập lây nhiễm ra cộng đồng trên địa bàn tỉnh; là cơ sở từng bước đẩy lùi dịch Covid-19, tiếp tục duy trì trạng trái bình thường mới, khôi phục mọi hoạt động trong đời sống xã hội n

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/khong-chu-quan-lo-la-truoc-dich-benh-671603/