Không còn chuyện 'vẽ' giá nhà ở xã hội, chủ đầu tư thu cao phải trả lại, thu thiếu không được đòi thêm
Theo Nghị định mới của Chính phủ, nếu chủ đầu tư bán nhà ở xã hội thu cao hơn giá kiểm toán, phải hoàn trả lại cho người dân; thu thiếu sẽ không được thu thêm...

Chủ đầu tư căn cứ phương pháp xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội và lợi nhuận định mức theo quy định của pháp luật về nhà ở
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 192/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị quyết số 201/2025/QH15 ngày 29/5/2025 của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, trường hợp giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội theo kiểm toán, quyết toán và kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng cao hơn giá bán, giá thuê mua do chủ đầu tư đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm phần chênh lệch của người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Còn trường hợp thấp hơn thì chủ đầu tư phải hoàn trả lại phần chênh lệch cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Đồng thời, chủ đầu tư không được thu tiền vượt quá 95% giá trị hợp đồng đến trước khi người mua nhà được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hoàn thành việc hoàn trả lại phần chênh lệch (nếu có).
Về việc xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, Nghị định quy định chủ đầu tư căn cứ phương pháp xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội và lợi nhuận định mức theo quy định của pháp luật về nhà ở, chủ đầu tư tự xây dựng, thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực trong hoạt động xây dựng về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Trước thời điểm thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội 30 ngày hoặc khi nộp hồ sơ đề nghị thông báo nhà ở đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải gửi quyết định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội kèm theo hồ sơ xây dựng giá bán, giá thuê mua đã được thẩm tra, kết quả thẩm tra về Sở Xây dựng cấp tỉnh, nơi có dự án để công khai giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội lên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
Trong thời gian 180 ngày, kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng, pháp luật khác có liên quan và gửi 1 bộ hồ sơ kiểm toán, quyết toán đến Sở Xây dựng cấp tỉnh nơi có dự án để kiểm tra giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của chủ đầu tư, Sở Xây dựng cấp tỉnh căn cứ vào hồ sơ kiểm toán, quyết toán về chi phí đầu tư xây dựng để có ý kiến bằng văn bản đối với giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Văn bản ý kiến của Sở Xây dựng và kết quả xác định về giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội của chủ đầu tư sau khi có ý kiến của Sở Xây dựng phải được công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
Nghị định quy định rõ chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của hồ sơ đề nghị giao chủ đầu tư, quyết định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Nghị định quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm tổ chức thực hiện và có biện pháp kiểm soát chất lượng công trình nhà ở xã hội trong quá trình khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng công trình và các công việc liên quan trong quá trình triển khai dự án.
Cùng với đó, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trường, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện hoặc nhận được thông tin về công trình, hạng mục công trình nhà ở xã hội, có nghi ngờ về chất lượng hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng hoặc tiếp tục thi công thì chính quyền địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Đánh giá về Nghị quyết 201, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, nghị quyết được kỳ vọng sẽ là “cú hích” mạnh mẽ cho sự phát nhà ở xã hội tại Việt Nam. Về cơ bản, nó đã giải quyết nhiều điểm nghẽn quan trọng về mặt quy trình, quỹ đất và cơ chế, tạo tiền đề cho hàng loạt dự án được triển khai.
Tuy nhiên, một chính sách dù hoàn thiện đến mấy cũng cần có sự đồng hành của cả hệ thống, đặc biệt là từ chính quyền địa phương. Thực tế, tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, có nơi Trung ương quyết tâm nhưng địa phương lại thờ ơ, chậm trễ luôn là rào cản lớn nhất. Nếu các địa phương không thực sự hưởng ứng, không chủ động triển khai các quy định và chính sách mới, thì mọi nỗ lực từ Trung ương sẽ khó lòng đi vào cuộc sống.
“Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ khó hoàn thành mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, sự nhiệt tình, trách nhiệm và đồng hành của chính quyền địa phương chính là yếu tố then chốt”, ông Đính nhìn nhận.