Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế

Hôm nay 23/3/2021, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến làm trưởng đoàn làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát tình hình thực hiện chủ trương thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất, rừng để thực hiện các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư; tình hình thực hiện dự án thu hồi đất, kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra về đất đai trên địa bàn tỉnh từ năm 2017-2020. Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đào Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy cùng dự làm việc.

 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với vấn đề quản lý đất đai - Ảnh: Trần Tuyền

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với vấn đề quản lý đất đai - Ảnh: Trần Tuyền

Nhiều dự án sai phạm

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2017-2020, có 5 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định số 23/2006/NĐ-CP với tổng diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng là 93,8741 ha. Có 31 dự án thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh với tổngdiện tích rừng chuyển đổi là 208,0838 ha. Có 18 dự án thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP; Nghị định số 83/2020/NĐ-CP với tổng diện tích rừng chuyển đổi là 100,4381 ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cấp quyết định chủ trương đầu tư. Trong quá trình triển khai, có một số dự án vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp (khai thác rừng trước khi chuyển đổi).

Cụ thể, cụm dự án thủy điện Hướng Sơn của Công ty TNHH Đầu tư Hướng Sơn vi phạm với diện tích 4,1043 ha, bị xử phạt 180 triệu đồng; dự án thủy điện Hướng Phùng của Công ty Cổ phần Năng lượng Quảng Trị vi phạm phá rừng trái phép, bị xử phạt 125 triệu đồng. Ngoài ra, có một số dự án chưa hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã khởi công dự án; một số đơn vị không hiểu rõ quy định của pháp luật nên khi triển khai dự án không thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2017 - 2020, HĐND tỉnh ban hành 16 nghị quyết chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cho 1.012 dự án, với diện tích khoảng 4.753 ha (đã thực hiện 981 dự án với diện tích 4.095,79 ha, chưa thực hiện 31 dự án với diện tích 657,26 ha).

Trong dịp kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai một số dự án đầu tư. Ngoài các dự án thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất, có một số dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2017-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật đất đai đối với 124 dự án sử dụng đất. Qua đó phát hiện có 71 dự án sử dụng đất vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai với diện tích 2.349.572 m2 . Đối tượng vi phạm tập trung chủ yếu là các tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công. Trước những sai phạm này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 19 dự án với diện tích 997.510 m2 ; cho phép gia hạn đối với 26 dự án, diện tích 762.743 m2 ; đang xem xét xử lý 2 dự án, diện tích 34.435 m2 ; có 24 dự án đã khắc phục các thiếu sót với diện tích 194.415 m2 . Đồng thời, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với 9 dự án (trong tổng số 71 dự án phát hiện có sai phạm) với số tiền là 73 triệu đồng.

Kiên quyết xử lý

Theo tính toán sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến toàn tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp khoảng trên 8.300 ha. Nếu độ che phủ rừng toàn tỉnh giảm 1% thì diện tích rừng giảm 4.700 ha. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, để ổn định độ che phủ rừng ở mức 49,5% (giảm 0,6% so với năm 2020) như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra thì diện tích rừng chỉ được phép giảm khoảng 2.800 ha. Đến năm 2025, nếu không có các giải pháp quyết liệt trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh có nguy cơ giảm còn dưới mức 49,5%. Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét cho chủ trương thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại cùng một kỳ họp để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư của các dự án có sử dụng đất rừng. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, hạn chế tối đa phát triển điện mặt trời chiếm dụng đất sản xuất, đặc biệt là dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng phòng hộ. Xem xét điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam, trong đó cần tăng tỉ lệ rừng phòng hộ, nhất là rừng phòng hộ ven biển chống cát bay, cát lấp. Không khuyến khích đầu tư các dự án có chuyển đổi mục đích rừng đặc dụng, phòng hộ quy mô lớn, các dự án ảnh hưởng đến môi trường sinh thái như thủy điện, điện mặt trời. Không xem xét các dự án có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, diện tích chiếm dụng đất ít như điện gió…

Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị HĐND, UBND tỉnh giao HĐND, UBND cấp huyện giám sát việc thực hiện dự án đầu tư, thu hồi đất trên địa bàn, báo cáo HĐND, UBND tỉnh trước ngày 20 của tháng cuối quý. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiên quyết thu hồi các dự án hết thời hạn gia hạn; tập trung xử lý các dự án chây ì, sử dụng đất không đúng mục đích được giao, cho thuê; rà soát các chủ sử dụng đất mang tính chất đối phó, chưa đầu tư hoàn thành dự án để xem xét cho gia hạn đối với trường hợp đủ điều kiện và có nhu cầu gia hạn. Trường hợp không có nhu cầu hoặc không có văn bản xin gia hạn thì lập thủ tục thu hồi đất theo quy định.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến nhấn mạnh, Quảng Trị muốn phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, nhất định không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT cần nâng cao vai trò tham mưu UBND tỉnh có giải pháp quyết liệt để bảo vệ rừng, trồng rừng thay thế vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Đối với các dự án lớn trên địa bàn, cần bám sát Luật Lâm nghiệp và các nghị định của Chính phủ để tham mưu có chất lượng, hiệu quả. Nếu thấy dự án nào tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng đến rừng tự nhiên thì cần tham mưu UBND tỉnh kịp thời xử lý.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với vấn đề quản lý đất đai. Thời gian qua, tình hình quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhiều chủ đầu tư. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tổng rà soát, thanh tra, kiểm tra các dự án trên địa bàn tỉnh để có cơ sở tham mưu HĐND, UBND tỉnh có hướng quản lý tốt hơn trong việc giao đất, giao rừng. Đối với những dự án chiến lược, mang tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, nhưng lưu ý phải tuân thủ quy định của pháp luật. Với những dự án vi phạm pháp luật thì cần kiên quyết xử lý.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=156284&title=khong-danh-doi-moi-truong-de-phat-trien-kinh-te