Không để ảnh hưởng đến du lịch sau vụ lật tàu ở Quảng Ninh

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định vụ chìm tàu tại Quảng Ninh là sự cố nghiêm trọng, cần nhanh chóng khắc phục, không để làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành du lịch.

Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thường kỳ quý 2/2025. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thường kỳ quý 2/2025. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Chiều 24/7 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2025. Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh xảy ra ngày 19/7 tại Quảng Ninh, đặc biệt là về mức độ ảnh hưởng của sự cố đối với hoạt động du lịch Hạ Long và du lịch Việt Nam nói chung.

Trả lời báo chí, ông Cao Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTT&DL cho biết, đây là sự cố “vô cùng đau lòng và đáng tiếc”, xảy ra do dông lốc bất thường trên biển, do thiên tai khó dự báo, mang tính hoàn toàn khách quan vì vậy rất mong các cơ quan chia sẻ với ngành du lịch. Điều quan trọng là các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với những rủi ro thiên tai tương tự.

Ông Tuấn Anh nhấn mạnh, sau sự việc cần nhanh chóng khắc phục hậu quả, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo để ổn định tâm lý du khách. "Du lịch tàu biển vẫn là sản phẩm an toàn, được ưa chuộng trên thế giới, mỗi năm chúng ta có hàng trăm, hàng nghìn chuyến du lịch tàu biển thành công nên không thể để một tai nạn hi hữu ảnh hưởng đến đà phục hồi của toàn ngành," ông Tuấn Anh nêu.

Ông Cao Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTT&DL thông tin liên quan đến vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh xảy ra ngày 19/7 tại Quảng Ninh. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Ông Cao Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTT&DL thông tin liên quan đến vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh xảy ra ngày 19/7 tại Quảng Ninh. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Theo ông Tuấn Anh, ngành Du lịch Quảng Ninh đã kịp thời xử lý, hỗ trợ nạn nhân và gia đình, tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh tỉnh để các đơn vị liên quan siết chặt quy trình bảo đảm an toàn, không lơ là trước diễn biến bất thường của thời tiết.

Ông cũng lưu ý, thay vì làm cho mọi người thêm hoang mang, nên tập trung truyền thông tích cực về công tác bảo đảm an toàn, giúp củng cố niềm tin của du khách đối với du lịch biển đảo, đặc biệt là tại Quảng Ninh.

Bên cạnh đó cũng cần phải hoàn chỉnh lại quy trình an toàn khi đi du lịch trên biển, vịnh. "Khi lên máy bay, chúng ta có ban hành quy trình an toàn thì giờ lên tàu có cần phải ban hành quy trình đó không," ông Tuấn đặt câu hỏi.

Thông tin thêm, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy cho biết, không chỉ sau sự cố lật tàu trên vịnh Hạ Long này mà từ lâu nay, ngành Du lịch thường xuyên có cảnh báo, khuyến cáo du khách du lịch đến vùng an toàn.

Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Toàn ngành cũng đã triển khai phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó và khắc phục hiệu quả trước thiên tai và rủi ro. Tại các địa phương, việc xử lý luôn được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Thúc đẩy hợp tác văn hóa ASEAN

Hướng tới kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ VHTT&DL cho biết, Bộ hiện là cơ quan đầu mối đại diện Việt Nam phụ trách 4 lĩnh vực chính trong trụ cột văn hóa - xã hội của ASEAN và đã chủ động triển khai nhiều chương trình ý nghĩa nhân dịp này.

Ngay từ đầu năm, khi Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta hồi tháng 3, Bộ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN tại Ban Thư ký. Trong 6 tháng cuối năm, Bộ tiếp tục phối hợp với các cơ quan trong nước và đối tác ASEAN để tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam và tăng cường kết nối khu vực.

Bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ VHTT&DL. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ VHTT&DL. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Bộ cũng đang cập nhật hệ thống thông tin về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực văn hóa và mong nhận được sự phối hợp của Cục Báo chí trong công tác truyền thông.

Về hợp tác văn hóa trong ASEAN, bà Vân cho hay, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại Kuala Lumpur, Malaysia vừa qua, các nước đã thông qua Khung phát triển kinh tế sáng tạo bền vững ASEAN, hướng tới thúc đẩy ngành công nghiệp kinh tế sáng tạo và văn hóa như một động lực tăng trưởng mới của khu vực.

Hiện nay, ASEAN cũng đang có chiến lược phát triển văn hóa - nghệ thuật giai đoạn 2026 - 2030 dựa trên ba trụ cột: Kinh tế sáng tạo, di sản văn hóa và bản sắc ASEAN. Việt Nam đang tích cực tham gia xây dựng kế hoạch cho chiến lược này.

Bảo vệ hồ sơ Di sản thiên nhiên đa quốc gia Hin-nam-no

Tại họp báo, thông tin về các kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL cho biết, về lĩnh vực văn hóa, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris, Pháp, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân cũng được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới.

Về du lịch, Việt Nam đón hơn 10,6 triệu lượt khách quốc tế, 77,5 triệu lượt khách nội địa, thu về 518.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Bộ cũng ban hành các kế hoạch miễn thị thực, xúc tiến, quảng bá trong nước và quốc tế; cấp mới 230 giấy phép lữ hành quốc tế.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Về văn hóa, Bộ tiếp tục bảo vệ hồ sơ Di sản thiên nhiên đa quốc gia Hin-nam-no (phần mở rộng của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam) là Di sản thiên nhiên thế giới đa quốc gia đầu tiên của Việt Nam và CHDCND Lào.

Lĩnh vực thể thao tập trung chuẩn bị SEA Games 33, Đại hội Thể thao trẻ châu Á và các giải quốc tế năm 2025; triển khai chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm; xây dựng đề án phát triển điền kinh, bóng đá đến 2045; tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN.

Về du lịch, Bộ thực hiện các chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng hai con số, nâng cao hiệu quả thống kê, quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Tổ chức nhiều sự kiện quốc tế như Diễn đàn Du lịch tại ITE HCMC 2025, Hội chợ WTM London, Lễ hội văn hóa - du lịch tại Hàn Quốc và Nhật Bản; đồng thời xây dựng kế hoạch đăng cai hội nghị du lịch ASEAN 2026.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khong-de-anh-huong-den-du-lich-sau-vu-lat-ta-u-o-qua-ng-ninh-44177.html