Không để cán bộ ở một vị trí công tác quá lâu

Công tác cán bộ (CTCB) giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: 'Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém', 'Cán bộ là cái gốc của mọi công việc'. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: 'Xây dựng Đảng là nhiệm vụ 'then chốt' thì CTCB là then chốt của nhiệm vụ then chốt'.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường kỳ họp bàn và thống nhất những nội dung quan trọng phát triển KT-XH, công tác tổ chức cán bộ.

Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị T.Ư lần thứ 7 (khóa XII) thẳng thắn nhìn nhận: "Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi… Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”…

Những năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách về CTCB, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện đồng bộ các khâu trong CTCB và đạt được kết quả tích cực. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh được quan tâm, cơ bản thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo CTCB và quản lý cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên, BTV Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nhìn nhận, CTCB còn nhiều yếu kém, đó là: Công tác tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, nhất là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; chưa phát huy được trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo CTCB của địa phương, cơ quan, đơn vị. Quy hoạch dàn trải về số lượng, khép kín trong nội bộ; kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận còn lúng túng, bị động. Còn có tình trạng bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở một số huyện chưa đúng với vị trí việc làm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Còn một số trường hợp cán bộ, công chức được bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử giữ chức danh lãnh đạo quản lý quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, thậm chí có trường hợp trên 15 năm. Việc chủ động rà soát, theo dõi theo thời gian bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa được quan tâm đúng mức...

Tại nhiều cuộc họp, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh 2 tồn tại, yếu kém - "điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của tỉnh là cải cách hành chính và giải phóng mặt bằng, lưu ý các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm đến CTCB, không để cán bộ giữ chân lâu ở một vị trí công tác dễ phát sinh tiêu cực.

Mới đây, ngày 19/5/2021, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ký Văn bản số 29-TB/TU, thông báo kết luận của BTV Tỉnh ủy về kết quả rà soát thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với các chức danh từ phó phòng đến phó ngành ở cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý có kế hoạch thực hiện chuyển đổi vị trí công tác phù hợp với vị trí việc làm. Cụ thể, đối với các đồng chí lãnh đạo từ phó phòng trở lên, nếu thời gian giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ (8 năm) trong cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị, hoặc khi thấy cần thiết. Đối với những vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, thời gian định kỳ chuyển đổi vị trí công tác từ đủ 2 - 5 năm. Cấp ủy các cấp, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị chủ động trong việc rà soát, bổ sung quy hoạch lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 (khi có hướng dẫn của cấp trên). Kiên quyết khắc phục quy hoạch khép kín, vượt cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của T.Ư, của tỉnh về việc bổ nhiệm, điều động, giới thiệu cán bộ ứng cử. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các quy định về đánh giá, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thanh tra, xử lý theo quy định; đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan…

Đây là chủ trương đúng đắn của BTV Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết T.Ư Đảng, thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện CTCB và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh sai phạm, kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức gây ách tắc, phiền hà trong cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án, đưa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/153452/khong-de-can-bo-o-mot-vi-tri-cong-tac-qua-lau.htm