Không để hồ sơ tồn đọng phiền hà dân

Dù đã triển khai một cửa điện tử, một cửa liên thông, hồ sơ điện tử… thế nhưng số lượng hồ sơ tồn đọng ở các ngành, các lĩnh vực của TPHCM vẫn còn khá nhiều, gây ảnh hưởng, phiền hà tới thời gian và đi lại của người dân.

Cho đến nay TPHCM đã phân cấp đăng ký xe (ô tô, mô tô, xe máy điện) để tháo gỡ tình trạng quá tải hồ sơ trong thời gian qua.

Cho đến nay TPHCM đã phân cấp đăng ký xe (ô tô, mô tô, xe máy điện) để tháo gỡ tình trạng quá tải hồ sơ trong thời gian qua.

Thủ tục hành chính… hành dân

Thủ tục hành chính là một trong những vấn đề nhức nhối tại nhiều quận huyện của TPHCM. Ông Vũ Xuân Đức (ngụ thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) cho biết, thời gian qua liên quan đến các thủ tục về cấp giấy tờ nhà đất (sổ đỏ, sổ hồng) cho người dân tại Khu dân cư (KDC) Tân Túc, huyện Bình Chánh còn rất chậm, đến nay còn đến 60% trường hợp hộ dân chưa được giải quyết xong hồ sơ nhà đất, tương đương với khoảng 108 căn nhà tại KDC này. Cũng theo ông Đức, việc “tắc nghẽn” hồ sơ, giấy tờ nhà đất trong một thời gian dài tại KDC Tân Túc đã gây bức xúc rất lớn đối với người dân tại địa phương.

Còn theo bà Trịnh Thị Thúy (53 tuổi), một người dân tại khu vực dự án, người dân bị phiền hà về thời gian đi lại và bỏ công bỏ việc để trích lục, tìm lại nhiều các giấy tờ thông tin hồ sơ liên quan. “Cán bộ giải thích vướng ở khâu làm thủ tục hành chính chồng chéo ở nhiều cấp, nhưng cũng phải cho người dân một thời gian cụ thể giải quyết hồ sơ vì đã hơn 20 năm qua đa phần người dân ở đây chưa thể làm xong hồ sơ nhà đất tại KDC Tân Túc”, bà Thúy cho biết.

Không chỉ liên quan đến các thủ tục về nhà đất, nhiều chủ xe, tài xế khi đến Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT, Công an Quận Tân Bình) để làm thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe cũ, cũng phản ánh gặp không ít bất cập về hồ sơ, thủ tục. Dù đã có nhiều kinh nghiệm đi làm thủ tục liên quan đến đăng kiểm xe hoặc làm biển số, thế nhưng anh Nguyễn Bá Lâm (32 tuổi, tạm trú TP Thủ Đức) phải thừa nhận rằng, thủ tục hành chính trong hồ sơ định danh biển số xe theo quy định mới vẫn còn những bất cập. “Tôi quan sát có rất nhiều người dù mang đầy đủ giấy tờ (có sao y bản chính) thế nhưng khi tới công an phường làm thủ tục định danh biển số xe vẫn phải loay hoay khai báo thông tin hồ sơ trực tuyến trên máy tính. Nhiều người chờ đợi từ sáng tới gần trưa mới đến lượt nhưng loay hoay thế nào vẫn chưa hoàn tất được điền thông tin, dẫn đến phải quay trở lại làm thủ tục vào ngày hôm sau”, anh Lâm ngao ngán. Giải thích về việc này, một cán bộ hỗ trợ người dân khai báo trực tuyến tại Đội CSGT-TT quận Bình Tân cho biết, theo Điều 9 Thông tư 24/2023, chủ xe phải đăng nhập vào Cổng dịch vụ công và phải kê khai đầy đủ các nội dung quy định trong giấy khai đăng ký xe, ký số hoặc ký, ghi rõ họ, tên. Sau khi kê khai thông tin thành công, chủ xe mới nhận mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến và nhận lịch hẹn giải quyết hồ sơ. Từ đó, mới đến cơ quan đăng ký xe để hoàn tất làm thủ tục đăng ký xe.

Đẩy mạnh hồ sơ trực tuyến

Trong số các sở, ban, ngành và địa phương tại TPHCM thì Sở Xây dựng thành phố coi việc thúc đẩy hồ sơ trực tuyến là “cứu cánh” cho thực trạng về tồn đọng hồ sơ giấy trong suốt thời gian qua. Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (Sở Xây dựng TPHCM) , tính đến tháng 9 năm nay ngành Xây dựng thành phố đã tiếp nhận tới gần 13.300 hồ sơ, trong đó đã giải quyết phần lớn hồ sơ (khoảng gần 12.500 bộ hồ sơ) và đang giải quyết trong hạn chỉ còn hơn 800 hồ sơ. Cũng theo ông Hải, hiện nay Sở Xây dựng thành phố đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính và cũng đã có đến 17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình (mức độ 4). Nhờ đó, việc giải quyết thủ tục đối với các lĩnh vực vật liệu xây dựng, hoạt động xây dựng (15 thủ tục) và lĩnh vực thí nghiệm chuyên ngành xây dựng trên địa bàn thành phố đã đạt được hiệu quả cao. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được người dân thực hiện ngày càng nhiều hơn, giảm bớt các thủ tục phiền hà và giảm thời gian đi lại cho người dân. Ngoài lĩnh vực xây dựng, liên quan đến việc cấp chủ quyền, hồ sơ nhà đất (sổ đỏ, sổ hồng) cho người dân cũng là vấn đề nhức nhối hiện nay ở TPHCM.

Về nguyên nhân khiến khối lượng hồ sơ tồn đọng ngày càng nhiều trong lĩnh vực hồ sơ nhà đất của TPHCM, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM đưa ra số liệu nghiên cứu cho biết, kể từ 2015 đến nay số lượng hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà của TPHCM dù tăng dần theo từng năm. Nhưng hằng năm, số lượng hồ sơ tồn đọng chưa thể cấp vào khoảng 30-33%. Cũng theo bà Sâm, dù chính quyền thành phố, các sở, ngành chuyên môn đã nỗ lực rất lớn để cải cách hành trình, thực hiện một cửa điện tử, hồ sơ trực tuyến,…nhưng việc xử lý các tồn đọng hồ sơ vẫn rất chậm. Liên quan đến vấn đề này, ngày 2/10 khi trả lời ý kiến cử tri về việc tồn đọng hồ sơ nhà đất tại huyện Bình Chánh và một số địa phương, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM đã đề nghị UBND các cấp thực hiện việc rà soát lại từng trường hợp cụ thể và giải quyết ngay nếu thuộc thẩm quyền của quận, huyện. Đối với những trường hợp vượt thẩm quyền thì có báo cáo lên cấp thành phố để giải quyết.

Về phía TPHCM cũng sẽ kiến nghị lên các bộ, ngành để tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính. Việc này sẽ vừa hỗ trợ cho các cơ quan thẩm quyền khi làm thủ tục vừa hỗ trợ người dân sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến hồ sơ tồn đọng kéo dài.

Theo thống kê, cho đến nay TPHCM vẫn còn hơn 81.000 căn hộ được khách hàng đã mua và vào ở khá lâu nhưng vẫn chưa được cấp “sổ hồng”. Để tháo gỡ tồn đọng này, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã tìm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy nhanh việc cấp “sổ hồng” cho dân nhưng kết quả vẫn rất chậm và chưa đạt yêu cầu như mong đợi của người dân.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-de-ho-so-ton-dong-phien-ha-dan-5740515.html