Không để thủ tục hành chính cản bước phát triển
Gần 70% thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực ngoại hối được đề xuất cải cách (69/99), trong đó, 27 thủ tục được đề xuất nâng cấp thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Sự mạnh tay cải cách tại lĩnh vực này sẽ giúp tiết kiệm 40,7% chi phí tuân thủ, giảm 301 ngày làm việc (tỷ lệ cắt giảm 24,7%). Đó chỉ là một điểm sáng trong hành trình thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong năm 2025, với trọng tâm là tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và cải cách quy định kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Báo cáo của NHNN cho thấy, trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, NHNN đã chủ động ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh (HĐSXKD) năm 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1746/QĐ-NHNN ngày 14/4/2025).
Theo đó, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị rà soát tổng thể các quy trình nghiệp vụ, các TTHC liên quan để đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh, phấn đấu mục tiêu bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của đơn vị; 100% TTHC liên quan đến HĐSXKD được thực hiện trực tuyến, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. NHNN đã hoàn thành nhiệm vụ thống kê TTHC liên quan đến HĐSXKD gửi Văn phòng Chính phủ đúng thời hạn theo Nghị quyết số 66/NQ-CP (Báo cáo số 143/BC-NHNN ngày 29/4/2025).
6 tháng đầu năm, NHNN đã chủ động cắt giảm, đơn giản hóa 25 TTHC tại 04 Thông tư (Thông tư số 01/2025/TT-NHNN, Thông tư số 08/2025/TT-NHNN, Thông tư số 10/2025/TT-NHNN, Thông tư số 12/2025/TT-NHNN). Số thời gian giải quyết TTHC đã cắt giảm, đơn giản hóa 58 ngày. Tổng chi phí tuân thủ tiết kiệm được do cắt giảm, đơn giản hóa: 190,84 triệu đồng.
Đồng thời, dựa trên việc rà soát từng TTHC, NHNN đã phân mảng để thực hiện cải cách cho “trúng đích” – vừa bám sát mục tiêu, vừa gỡ khó cho doanh nghiệp. Kết quả chủ động cắt giảm và đề xuất cắt giảm TTHC liên quan đến HĐSXKD của NHNN trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 116/298 TTHC (tỷ lệ cắt giảm 38,92%), trong đó cắt giảm 19 TTHC, đơn giản hóa 97 TTHC. Tổng chi phí tuân thủ tiết kiệm được do cắt giảm, đơn giản hóa hơn 7,66 tỷ đồng (tỷ lệ cắt giảm 30,66%), vượt chỉ tiêu mà Chính phủ giao.
Trong đó, bên cạnh “điểm sáng” TTHC trong lĩnh vực ngoại hối, 8 TTHC trong hoạt động ngân hàng được đề xuất cải cách, nhiều thủ tục liên quan đến tài chính vi mô, cấp phép mua nợ, phát hành trái phiếu đặc biệt đã được bãi bỏ hoàn toàn – góp phần giảm thời gian xử lý 105 ngày.
NHNN đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 1/3 TTHC trong lĩnh vực tín dụng (tỷ lệ cắt giảm 33%). Việc cắt giảm này sẽ góp phần giảm 40 ngày làm việc (tỷ lệ cắt giảm 100%) và cắt giảm 98,2% tổng chi phí tuân thủ, tiết kiệm được 132,87 triệu đồng…

Không dừng lại ở cải cách các TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp, NHNN đã rà soát, thống kê danh mục 125 TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN tại Quyết định số 1934/QĐ-NHNN ngày 28/4/2025. Từ danh mục này NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ và trình Thống đốc NHNN phê duyệt tại Quyết định số 2525/QĐ-NHNN ngày 27/6/2025. Trong đó tổng số thủ tục được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa là 42 thủ tục (trên tổng số 125 TTHC nội bộ của NHNN đã công bố) ở các bước công việc trong nội bộ NHNN, giúp tinh gọn quy trình làm việc và tiết kiệm hơn 13,4 tỷ đồng chi phí hành chính.
Những hành động và kết quả đạt được từ việc cắt giảm số lượng TTHC, tiết kiệm chi phí và thời gian là minh chứng rõ nét cho quyết tâm chính trị và nỗ lực không ngừng của NHNN trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá.
Những đổi mới và cải cách của ngành Ngân hàng hứa hẹn những kỳ vọng mới khi những tháng vừa qua, NHNN đặc biệt chỉ đạo triển khai với quyết tâm chính trị cao nhất Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Trong Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW tập trung vào các giải pháp đột phá về cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC để khơi thông nguồn lực đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Cụ thể hơn, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục cải cách TTHC theo hướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa TTHC một cách thực chất, trong đó tập trung vào việc cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến HĐSXKD, đẩy mạnh việc nâng cấp các TTHC lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình đảm bảo mục tiêu thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đồng thời, tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực tiền tệ-ngân hàng, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả’’. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục ban hành nhiều cơ chế, chính sách đột phá, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc thực hiện chính sách tiền tệ
Đối với nhiệm vụ cắt giảm 30% điều kiện kinh doanh tại Nghị quyết số 66/NQ-CP, NHNN đã có tờ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không cắt giảm, đơn giản hóa các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo yêu cầu tại Nghị quyết số 66/NQ-CP. Lý do là việc quy định và duy trì 8 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh thuộc các ngành nghề này của NHNN theo Luật Đầu tư là công cụ quan trọng nhằm đảm bảo an toàn pháp lý, kiểm soát rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an ninh, ổn định tiền tệ và bảo vệ lợi ích quốc gia. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh này còn giúp hạn chế rủi ro, ngăn ngừa các hoạt động trái phép và đảm bảo cho các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, hiệu quả. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng là hoạt động đặc thù, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có tính nhạy cảm rất lớn, cả khách hàng, ngân hàng và cơ quan quản lý đều có thể chịu các rủi ro liên quan. Do đó, công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng phải đảm bảo tính chặt chẽ, phòng ngừa khủng hoảng và các tổn thất lan truyền. Việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đòi hỏi phải hết sức cân nhắc, thận trọng để tránh bị tổ chức, cá nhân lợi dụng, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tạo ra những hậu quả pháp lý rất lớn đối với tổ chức có liên quan, đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc thực hiện chính sách tiền tệ.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khong-de-thu-tuc-hanh-chinh-can-buoc-phat-trien-167643.html