Không đơn độc giữa mất mát, hy sinh

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thu Huyền, vợ liệt sĩ Đặng Anh Quân, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội). Với những người ở lại như chị Huyền, việc đối diện với những mất mát, hy sinh giữa thời bình thực sự vô cùng khó khăn. Nhưng họ không đơn độc…

Mẹ đỡ đầu hướng dẫn con Đặng Tài Tuệ, con của liệt sỹ Đặng Anh Quân, học bài

Không thay thế được người cha nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành

Trong căn nhà nhỏ ở quận Đống Đa (Hà Nội), chị Nguyễn Thu Huyền không kìm được nước mắt khi nhớ về người chồng của mình. "Anh Quân 4 tuổi đã mồ côi cha. 25 năm anh phấn đấu trở thành người Đội trưởng ưu tú, là chỗ dựa cho mẹ già và vợ con, vậy mà…", chị Huyền nhớ lại.

Đó là chuyện xảy ra hồi tháng 8/2022, khi đám cháy bùng lên tại quán karaoke số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), thượng tá Đặng Anh Quân, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Cầu Giấy, cùng 2 đồng đội của mình đã không quản nguy hiểm, lao vào biển lửa giải cứu thành công 8 nạn nhân. Anh cùng 2 đồng đội của mình đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Chị Huyền cho biết, từ ngày bố hy sinh, hai con của anh chị đều ít nói, ít cười, càng ít chia sẻ với người khác. Ngay bản thân chị, dẫu đã gắng gượng thay anh làm chỗ dựa cho con mà mỗi khi nghĩ đến anh, chị vẫn khó ngăn được nước mắt chực trào.

Ngồi bên cạnh vỗ về, an ủi chị là thượng tá Đàm Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội phụ nữ Cục Đối ngoại (Bộ Công an), cũng là đơn vị nhận đỡ đầu cháu Đặng Tài Tuệ (SN 2009), con thứ 2 của liệt sĩ Đặng Anh Quân.

Thượng tá Thanh Huyền chia sẻ: "Chúng tôi nhớ rõ ngày anh Quân hy sinh, cả đơn vị đến chia buồn, lòng ai cũng nặng trĩu. Và càng xót xa hơn khi chứng kiến hoàn cảnh của gia đình anh. Đó là người mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Bà cụ vẫn hàng ngày bán quán nước ở đầu ngõ kiếm thêm thu nhập, phụ các con nuôi dạy 2 cháu. Vợ anh Quân khi ấy gần như ngã gục vì mất mát đến quá bất ngờ. Anh Quân hy sinh, để lại khoảng trống không gì bù đắp cho mẹ già và vợ con".

Hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu", Hội phụ nữ Cục đối ngoại đã báo cáo Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị, đề xuất nhận đỡ đầu con thứ hai của liệt sỹ Quân.

"Lúc đó, cháu Tuệ bắt đầu vào học kỳ 2 của năm lớp 7, đúng ở lứa tuổi nổi loạn. Bình thường cháu hay nghe lời bố, giờ mất đi chỗ dựa tin cậy ấy nên mẹ của cháu rất lo lắng. Chị em phụ nữ trong đơn vị đã đến nhà động viên, tâm tình với mẹ và vợ anh Quân, cùng vợ anh từng bước tháo gỡ những khó khăn ban đầu của gia đình", thượng tá Đàm Thị Thanh Huyền cho biết.

Vào các ngày lễ, Tết hay khi gia đình có việc cần, các mẹ đỡ đầu lại tới thăm, động viên, chia sẻ. Ngoài ra, Hội còn đồng hành cùng bé Tuệ học thêm môn tiếng Anh trực tuyến 1 - 2 buổi/tuần, giúp con học tốt hơn. Chúng tôi xác định, việc đồng hành cùng con không chỉ là hỗ trợ về vật chất hằng tháng mà còn là những hành động cụ thể, xuất phát từ tình yêu thương chân thành, sự gần gũi, thấu hiểu và lắng nghe, dẫn dắt con tự tin, bản lĩnh thực hiện ước mơ của mình”.

Thượng tá Đàm Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội phụ nữ Cục Đối ngoại (Bộ Công an)

Có thêm sự gần gũi, chia sẻ từ những "mẹ đỡ đầu", cậu bé Tuệ đã trầm tĩnh hơn, học lực của con năm học vừa qua cũng tiến bộ. Con bắt đầu bộc lộ rõ hơn sở thích, ước mơ của mình. "Chúng tôi không thể thay thế được người cha của con nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ con mọi mặt, cả tinh thần lẫn vật chất", thượng tá Thanh Huyền cho biết thêm.

Không cô quạnh vì luôn có đồng đội của anh

Một buổi chiều tháng 7, sau giờ tan ca ở công ty sản xuất máy bơm nước tại huyện Krông Păk (tỉnh Đắk Lắk) về nhà, chị Nguyễn Thị Liên, vợ của liệt sỹ Nguyễn Văn Long, vui vẻ trò chuyện cùng 2 con trong căn nhà nhỏ. "Công việc công nhân vừa giúp tôi khuây khỏa, lại có đồng lương ổn định, phù hợp với sức khỏe. Đi làm theo ca nên tôi vẫn có thời gian gần gũi với các con", chị Liên tâm sự.

Trong không khí những ngày này, khi cả nước hướng về tri ân các anh hùng liệt sỹ, chị Liên lại nghẹn ngào nhớ về người chồng đã hy sinh. "Anh Long đã rời xa mẹ con tôi 15 năm rồi mà cứ ngỡ chuyện mới xảy ra thôi. Ngẫm lại, tôi cũng không nhớ mình đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó như thế nào. Có điều chúng tôi được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng đội anh. Anh Long đi xa, căn nhà của mẹ con tôi được đồng đội anh sưởi ấm nên không cô quạnh".

Liệt sỹ Nguyễn Đình Long là công an xã Vụ Bôn, huyện Krông Păk (tỉnh Đắk Lắk). Năm 2008, khi anh Long cùng đồng đội tham gia giải quyết vụ việc gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, nhóm côn đồ có vũ khí khiến anh Long bị thương và đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Anh ra đi để lại người vợ trẻ với 2 con nhỏ dại, đứa lớn mới 3 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi.

Sau hôm tiễn đưa liệt sỹ Nguyễn Đình Long, cán bộ Hội phụ nữ Công an huyện Krông Păk đã chia nhau đến nhà động viên, hỗ trợ chị Liên chăm sóc hai con nhỏ. Một thời gian sau, Hội phụ nữ Công an huyện đề xuất với Hội phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk và lãnh đạo đơn vị nhận đỡ đầu 2 con của liệt sỹ Nguyễn Đình Long từ năm 2011.

"Khi ấy, chúng tôi nhận đỡ đầu chăm sóc 2 con, với mức kinh phí 6 triệu đồng/năm/cháu. Vào các ngày lễ, Tết, ngày 27/7, hay dịp năm học mới, chị em Hội phụ nữ đơn vị lại đến cùng ăn bữa cơm với gia đình, cùng các con ôn bài. Chúng tôi cũng thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm tặng quần áo, đồ dùng học tập, sách vở cho các con", trung tá Cao Thị Hoài Nhãn, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an huyện Krông Păk, cho biết.

Con lớn của liệt sỹ Nguyễn Đình Long năm nay vừa tốt nghiệp cấp 3. Hội Phụ nữ Công an huyện Krông Păk đang có kế hoạch tiếp tục đỡ đầu cho 2 con liệt sỹ Long đến khi học xong đại học, thay vì chỉ đến 18 tuổi như kế hoạch ban đầu.

Nói về cuộc sống hiện nay của mình, chị Nguyễn Thị Liên cho biết: "Cuộc sống của 3 mẹ con giờ đã ổn định. Con gái lớn vừa tốt nghiệp cấp 3. Cả hai chị em đều mong muốn được nối nghiệp cha, trở thành chiến sĩ Công an góp sức bảo vệ nhân dân. Dẫu nỗi mất mát lớn nhưng tôi vẫn luôn động viên các con nỗ lực học tập, làm việc có ích cho xã hội".

Hải Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khong-don-doc-giua-mat-mat-hy-sinh-20230726114657751.htm