Không nên chốt nguyện vọng quá muộn
Theo nhận định của các chuyên gia tuyển sinh, nhìn chung phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 thấp hơn so với 2 năm trước đó (năm 2023 và 2024), điều này khiến điểm chuẩn có xu hướng giảm. Dẫu thế, thí sinh không nên để ngày cuối mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống vì nguy cơ rủi ro không phải là không có.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Quang Vinh.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), từ nay cho tới 17h ngày 28/7 thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đại học (ĐH) không giới hạn số lần. Nhằm giúp thí sinh có định hướng tốt hơn trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông - tuyển sinh (Trường ĐH Thương mại) đã có những dự báo về điểm chuẩn và tư vấn cho thí sinh.
Cụ thể, theo nhận định của ông Trung về cơ bản điểm chuẩn có xu hướng giảm hơn so với những năm trước. Với Trường ĐH Thương mại, dự báo điểm chuẩn có thể giảm 1 - 2 điểm so với 2 năm gần đây. Năm nay, không có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức nên điểm chuẩn còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Theo tư vấn của ông Nguyễn Quang Trung, từ nay đến ngày 28/7, vẫn còn thời gian để thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH. Các em có thể nộp bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ; thí sinh, các minh chứng để được cộng điểm ưu tiên về trường. Điều cần lưu ý, dù đã đăng ký xét tuyển ở trường, thậm chí là trúng tuyển theo diện tuyển thẳng thì thí sinh vẫn bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT. Thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn các năm trước theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để đặt nguyện vọng xét tuyển cho hợp lý. Đặc biệt, các em cần nghiên cứu cách tính điểm trúng tuyển giữa các phương thức của năm trước, tránh suy nghĩ mình đang ở ngưỡng an toàn, nhưng thực tế cách tính đã thay đổi.
Theo bà Đoàn Thị Trà - giảng viên Học viện Ngoại giao, thí sinh có thể chia nguyện vọng theo chiến lược “3 nhóm - 1 mục tiêu”. Trong đó, nhóm 1 là nguyện vọng cao. Nhóm này bao gồm những ngành, trường yêu thích nhưng có điểm chuẩn cao hơn một chút so với năng lực hiện tại. Nên đặt 1 - 2 nguyện vọng thuộc nhóm này ở đầu danh sách. Nhóm 2 là nguyện vọng vừa. Nhóm này gồm những ngành, trường phù hợp với học lực thực tế, khả năng trúng tuyển cao. Đây là nhóm nên chiếm số lượng nhiều nhất, khoảng 3 - 4 nguyện vọng, sắp xếp ở vị trí giữa. Nhóm 3 là nguyện vọng chắc chắn. Nhóm này gồm những ngành, trường có điểm chuẩn thấp hơn năng lực, đảm bảo cơ hội đỗ nếu trượt các nguyện vọng phía trên. Cần có ít nhất 1 - 2 nguyện vọng thuộc nhóm này.
Ngoài ra, bà Trà cũng cho rằng thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự yêu thích, vì Bộ GDĐT chỉ xét từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng cuối theo thứ tự thí sinh đăng ký. Không nên đặt trường dễ ở vị trí quá cao chỉ vì “muốn đậu chắc”, vì nếu đậu trường đó thì không được xét các nguyện vọng tiếp theo, dù nguyện vọng sau tốt hơn. Cuối cùng, thí sinh cần tìm hiểu kỹ quy chế xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và các điều kiện phụ nếu có.
Các chuyên gia giáo dục chia sẻ kinh nghiệm, ở các mùa tuyển sinh trước, nhiều thí sinh suy nghĩ quá kỹ, đến ngày gần cuối mới đăng ký nguyện vọng, dẫn đến tình trạng nghẽn mạng. Khi đó, hệ thống chưa lưu/ghi nhận thông tin thay đổi của thí sinh nên các em có thể không trúng tuyển vào ngành mình đã đăng ký. Trong khi, theo qui định thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần. Vì thế, nếu các em chốt được ngành, trường học thì đăng ký luôn, nếu cần có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng trong thời gian quy định.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-nen-chot-nguyen-vong-qua-muon-10310898.html