Không nên gây khó cho người bệnh

Vừa qua, có hai chuyện khiến hàng vạn bệnh nhân không khỏi bất bình, lo lắng. Một là, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) hết một số loại thuốc thuộc danh mục bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả mà nguyên nhân do chậm có kết quả đấu thầu thuốc.

Nhiều bệnh nhân ghép thận vốn đang khốn khó vẫn buộc phải bỏ hơn 10 triệu đồng mua thuốc chống thải ghép ở ngoài viện, vừa mất tiền oan, vừa lo thuốc không bảo đảm chất lượng...

Hai là, ngày 12-5, sau khi Bộ Y tế bãi bỏ Công văn số 2009/BYT-KHTC về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt tại bệnh viện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tạm dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí dịch vụ từ những loại máy móc, thiết bị này. Ngay lập tức, đồng loạt bệnh viện không làm các xét nghiệm bằng máy mượn, máy đặt của những công ty trúng thầu vật tư, hóa chất, dẫn đến quyền lợi của người tham gia BHYT bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không có đủ kết quả xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Đồng thời, rất nhiều bệnh viện được cho mượn máy xét nghiệm nhiều năm qua đã “khóc dở mếu dở” vì không có tiền mua máy phục vụ KCB. Vì vậy, không chỉ bệnh viện mà cả chính quyền địa phương (điển hình là UBND TP Hồ Chí Minh) phải khẩn thiết kiến nghị.

Bệnh viện Chợ Rẫy hết một số loại thuốc chống thải ghép đặc trị khiến bệnh nhân phải mua tự túc. Ảnh: Dân trí.

Bệnh viện Chợ Rẫy hết một số loại thuốc chống thải ghép đặc trị khiến bệnh nhân phải mua tự túc. Ảnh: Dân trí.

Mặc dù hai sự việc trên được khắc phục khá kịp thời, nhưng trong 1-2 tuần ấy, biết bao bệnh nhân cùng người thân đã khốn đốn, bức xúc? Ai chịu trách nhiệm đền bù cho những người bệnh tham gia BHYT mà phải tự bỏ tiền mua những loại thuốc, làm các xét nghiệm trong danh mục được BHYT chi trả?

Điều rất đáng nói là tình trạng “hết thuốc BHYT” không chỉ có ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Và việc thanh toán BHYT cho những xét nghiệm bằng máy của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn cũng đã vài lần thay đổi từ “có-không, không-có”, làm cho bao người vừa thiệt hại lại lo, trong đó có cả lãnh đạo, nhân viên các bệnh viện.

Thật vô lý khi người bệnh làm xét nghiệm trên máy bệnh viện tự mua hoặc thuê thì được BHYT thanh toán, còn làm trên máy do chính doanh nghiệp trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn thì lại không được thanh toán, dù bệnh viện không phải tốn tiền mua, thuê. Chưa kể, theo các chuyên gia y tế, hầu hết máy xét nghiệm hiện đại không thể dùng hóa chất của hãng khác vì không tương thích, hoặc cho kết quả thiếu chính xác.

Trước các sự việc gây khó cho bệnh nhân, dư luận đặt câu hỏi: “Có hay không lợi ích nhóm khi bệnh viện “hết thuốc BHYT”, hoặc không được xét nghiệm bằng máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn, để người bệnh buộc phải ra nhà thuốc, phòng khám tư?”; “Liệu có sự cạnh tranh không lành mạnh trong bảo đảm vật tư y tế tại các bệnh viện?”; “Vì sao tình trạng hết thuốc BHYT và không được thanh toán xét nghiệm trong diện BHYT chi trả đã tái diễn không ít lần mà vẫn chưa xử lý dứt điểm?”...

Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm: Việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Vì thế, tất cả những việc gây khó cho người bệnh cần phải khắc phục triệt để! Nếu có quy định ai làm sai, gây thiệt hại cho người bệnh thì phải bồi thường như trong hai trường hợp nêu trên thì chắc chắn sẽ không tái diễn.

HUY QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khong-nen-gay-kho-cho-nguoi-benh-695448