Không nhất thiết phải tắm mỗi ngày

Việc tắm, làm sạch cơ thể nên được cá nhân hóa theo tình trạng da. 2-3 lần/tuần là tần suất lý tưởng nếu chúng ta không phải làm việc, hoạt động nặng.

 Tắm quá nhiều chưa chắc đã tốt cho làn da. Ảnh minh họa: Rodnae Productions/Pexels.

Tắm quá nhiều chưa chắc đã tốt cho làn da. Ảnh minh họa: Rodnae Productions/Pexels.

“Tắm rửa là việc đặc biệt quan trọng với tôi. Một ngày không đứng dưới vòi sen, tôi thấy bức bối và tin rằng mình thiếu sạch sẽ”.

Rõ ràng, đây có thể là suy nghĩ thường trực của bất kỳ ai trong chúng ta. Không ít người còn tắm 2-3 lần/ngày dưới ảnh hưởng của lịch trình hoạt động dày đặc, vất vả.

Song, tắm thường xuyên chưa chắc đã tốt cho làn da. Nhiều chuyên gia da liễu cho rằng chúng ta vẫn có thể duy trì trạng thái sạch sẽ, dù chỉ tắm 2-3 lần/tuần.

Dưới đây là một số lý giải và lời khuyên cho chuyện tắm táp, theo The Every GirlHealthline.

 Tần suất tắm rửa nên được cá nhân hóa theo tùy loại da. Ảnh minh họa: Yaroslav Shuraev/Pexels.

Tần suất tắm rửa nên được cá nhân hóa theo tùy loại da. Ảnh minh họa: Yaroslav Shuraev/Pexels.

Tắm bao nhiêu là đủ?

Theo tiến sĩ da liễu Charlotte Birnbaum (Mỹ), tắm mỗi ngày là chuyện không cần thiết.

Quá trình loại bỏ bụi bẩn, dầu nhờn và mồ hôi cần được cân chỉnh phù hợp dựa trên tình trạng da và chế độ hoạt động, làm việc của mỗi người.

“Chẳng hạn, nếu có làn da khô hoặc nhạy cảm, bạn chỉ nên tắm sau mỗi 2-3 ngày.

Trong khi đó, cá nhân da nhờn, dễ bị mụn trứng cá phải duy trì tần suất đều đặn hơn để giữ lỗ chân lông không bị bít tắc”, bà Birnbaum nói, đồng thời cho rằng tắm cách ngày là giải pháp giữ vệ sinh, đảm bảo không kích ứng cho cơ thể người trưởng thành.

Ngoài ra, mọi người chỉ nên duy trì tắm rửa 1 lần mỗi ngày. Nếu phát sinh nhiều hơn, chúng ta sẽ đánh mất lớp dầu buộc phải có trên da.

Cứ như vậy, tình trạng khô căng, hoặc tệ hơn là viêm da hoặc chàm nhanh chóng xuất hiện. Cảm thấy ngứa và nứt nẻ, bong tróc hay đỏ tấy cũng là kết quả dễ dự đoán.

Bên cạnh đó, nếu không bắt buộc vận động, bạn cũng nên cắt giảm việc tắm rửa khi trời vào đông. Ngược lại, nếu thời tiết mùa hè quá nóng bức, gây bí bách, chúng ta có thể cân nhắc tắm hoặc lau người đều đặn hơn.

 Nếu tắm quá ít, bạn sẽ khiến làn da bị bít tắc lỗ chân lông. Ảnh minh họa: Mariam Antadze/Pexels.

Nếu tắm quá ít, bạn sẽ khiến làn da bị bít tắc lỗ chân lông. Ảnh minh họa: Mariam Antadze/Pexels.

Đừng lười tắm

Tương tự, chúng ta cũng gặp nhiều vấn đề khi tắm quá ít.

Các tuyến mồ hôi bao phủ phần lớn cơ thể người. Bản thân mồ hôi không có mùi, cho đến khi kết hợp với vi khuẩn thường có trên da.

Do đó, đừng bao giờ lấy lý do “bảo vệ da” để lười tắm. Bởi mùi cơ thể là điều không thể tránh khỏi nếu bạn không tắm trong thời gian dài, đặc biệt với vùng nách và bẹn.

Vệ sinh kém cũng dễ gây tích tụ tế bào da chết, bụi bẩn và mồ hôi trên da.

Điều này có thể gây ra mụn trứng cá, khiến các tình trạng như bệnh vẩy nến, viêm da và chàm nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Cuối cùng, tắm rửa giúp loại bỏ các tế bào da chết. Khi bạn không tắm đủ, những tế bào này có thể dính vào da và gây ra chứng tăng sắc tố da.

 Bạn chỉ nên tắm trong 5-10 phút nhằm hạn chế để cơ thể nhiễm lạnh. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Bạn chỉ nên tắm trong 5-10 phút nhằm hạn chế để cơ thể nhiễm lạnh. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Cách tắm khoa học

Nếu muốn duy trì sự ổn định cho làn da, bạn có thể cân nhắc một số gợi ý từ tiến sĩ da liễu Charlotte Birnbaum:

Tránh nước quá nóng: Thay vào đó, chỉ tắm bằng nước ấm hoặc mát.

Hạn chế thời gian tắm: Đảm bảo hoàn tất mọi thứ trong 5-10 phút, tránh ngâm nước quá lâu dẫn đến nhiễm lạnh.

Dùng tay để tạo bọt và thoa xà phòng lên người: Chỉ sử dụng khăn mặt hoặc xơ mướp nếu chúng là đồ mới, hoặc được giặt sạch thường xuyên.

Nếu không, bạn chỉ lại “đắp” bụi bẩn, da chết ở lần tắm gội trước lên cơ thể.

Trong trường hợp dễ bị kích ứng hoặc không cần thiết, chúng ta chỉ cần dùng xà bông cho các vùng dễ phát sinh mùi cơ thể như nách và bẹn, thay vì dùng cho cả cơ thể.

Chọn loại xà phòng dịu nhẹ, không có hoặc ít chất tạo mùi.

Thấm khô da bằng khăn, thay vì chà xát: Ở tình trạng ẩm, da khá dễ bị tổn thương. Nếu được, hãy sắm cho mình một chiếc khăn có chất liệu mềm mại.

Thoa kem dưỡng ngay khi da còn hơi ẩm.

Hoàng Kỳ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-nhat-thiet-phai-tam-moi-ngay-post1422182.html