Không phải vì hết yêu, tôi ly hôn chỉ vì thấy mình vô dụng

Cô ấy không ngoại tình, không lạnh nhạt, không thờ ơ với gia đình. Vợ tôi chỉ quá giỏi, giỏi đến mức khiến tôi thấy mình ngày càng nhỏ bé, vô dụng và lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.

Tôi không nghèo, cũng chẳng phải người đàn ông kém cỏi. Nhưng có lẽ tôi đã lấy một người phụ nữ “quá giỏi”. Vợ tôi là trưởng phòng kinh doanh của một công ty nước ngoài, thông thạo ba ngoại ngữ, giao tiếp khéo léo, ngoại hình chỉn chu. Ngày yêu nhau, chính sự sắc sảo, mạnh mẽ ấy đã khiến tôi say mê. Tôi từng nghĩ mình may mắn khi có được cô ấy. Nhưng càng sống chung, tôi càng thấy mình bị... dìm xuống.

Chuyện bắt đầu từ hơn một năm trước, khi tôi chuyển việc. Công việc mới có mức lương thấp hơn trước. Vợ không trách tôi một lời, chỉ nhẹ nhàng: “Không sao đâu, anh cứ từ từ tìm cơ hội mới, em lo được tiền sinh hoạt”. Nghe thì tưởng đồng cảm, nhưng tôi lại thấy mình như một kẻ ăn nhờ ở đậu. Tôi có lòng tự trọng của một người đàn ông, tôi không muốn phụ thuộc vào vợ. Nhưng thực tế là, trong khi tôi chật vật với lương ba cọc ba đồng, vợ lại thăng tiến như diều gặp gió. Mới đây, cô ấy được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh mới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có lần, tôi đứng trong bếp, nghe vợ gọi điện điều phối một cuộc họp với nhân viên bằng tiếng Anh, chỉ ba phút là mọi việc gọn gàng đâu vào đấy. Lúc đó, tôi thấy mình thật tầm thường. Tôi từng là người vững vàng, độc lập, còn bây giờ chỉ là cái bóng trong gia đình.

Vợ tôi giỏi lý luận, mỗi lần tranh cãi là tôi rơi vào thế bí. Không phải tôi ngốc, chỉ là tôi không quen kiểu đấu lý đâu ra đấy như cô ấy. Nói chưa hết câu đã bị vặn lại, cuối cùng tôi chọn cách im lặng. Nhưng rồi lại bị chê là không có chính kiến.

Mẹ tôi, người phụ nữ tình cảm, lại bảo thủ, từ quê ra trông cháu giúp vợ chồng tôi. Nhưng chỉ được vài tuần, mẹ bắt đầu than phiền: “Nó coi mẹ ra gì đâu, nói chuyện y như sếp nói với nhân viên, cứ bận rộn, gấp gáp, khinh người”. Tôi hiểu vợ không hề có ý đó. Cô ấy vẫn quan tâm đến mẹ: mua thuốc khi mẹ ho, đưa đi khám khi mẹ đau chân, đều đặn biếu tiền hàng tháng. Nhưng tất cả những điều ấy đều được thực hiện theo phong cách "việc nào ra việc đó": nhanh, gọn, hiệu quả, không vòng vo. Còn mẹ tôi lại muốn được trò chuyện, được hỏi han nhẹ nhàng như con gái với mẹ chồng. Hai người phụ nữ ấy, mỗi người một kiểu, càng ở gần càng va chạm.

Tôi ở giữa, mỗi ngày nghe hai phía phàn nàn. Mẹ bảo: “Bỏ đi con, mẹ thấy nó khinh mẹ con mình quá”, còn vợ thì nói: “Nếu mẹ anh không muốn ở đây nữa thì thuê giúp mẹ một căn gần nhà, em trả tiền cũng được”.

Mỗi lần vợ nói đến chữ “em trả tiền”, tôi lại thấy mình như kẻ ăn bám. Tôi ghét cảm giác ấy. Ghét hơn cả là bản thân tôi chẳng làm gì để thay đổi.

Tuần trước, sau một lần tranh cãi với mẹ, rồi lại cãi nhau với vợ, tôi buột miệng nói: "Hay là mình ly hôn đi?"

Vợ tôi im lặng rất lâu, rồi nhẹ nhàng đáp: "Nếu đó là điều khiến anh cảm thấy thoải mái hơn, thì em đồng ý."

Cô ấy không khóc, không níu kéo. Điều đó làm tôi đau hơn cả những lời trách móc.

Hôm nay, tôi viết những dòng này trong căn nhà trống vắng. Vợ đã ôm con về nhà ngoại. Không còn tiếng gõ bàn phím khuya, không còn tiếng mẹ càu nhàu chuyện vợ con. Chỉ còn tôi, và một nỗi trống rỗng lặng thinh. Tôi đã tưởng ly hôn sẽ là một sự giải thoát, nhưng hóa ra, tôi chỉ đang trốn chạy khỏi chính sự kém cỏi và mặc cảm trong mình.

Có lẽ vợ tôi không sai. Cũng chẳng ai sai. Sai ở chỗ tôi chưa từng học cách chấp nhận việc mình yếu hơn, và càng không đủ bản lĩnh để lớn lên cùng người vợ quá mạnh mẽ.

Thạch Anh (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/khong-phai-vi-het-yeu-toi-ly-hon-chi-vi-thay-minh-vo-dung-20474.html