Không tạo áp lực học tập cho trẻ trong dịp hè

Nghỉ hè là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để học sinh lấy lại sự cân bằng về sức khỏe, tâm lý sau 1 năm học tập căng thẳng, nhất là sau thời gian phòng, chống dịch Covid-19 kéo dài vừa qua; từ đó, tái tạo năng lượng, sẵn sàng cho năm học mới. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên tạo áp lực học tập cho trẻ trong dịp hè mà nên trao đổi, định hướng cho trẻ bố trí hài hòa giữa việc ôn tập, củng cố kiến thức với việc vui chơi, giải trí để trẻ phát triển toàn diện.

Nghỉ hè, các em học sinh rất hào hứng với các hoạt động vui chơi, giải trí sau 1 năm học tập vất vả. Ảnh: Trà Hương

Nghỉ hè, các em học sinh rất hào hứng với các hoạt động vui chơi, giải trí sau 1 năm học tập vất vả. Ảnh: Trà Hương

Để chuẩn bị cho con vào lớp 1, trước đó, chị Nguyễn Thị Hà, ở tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đã dạy con học bảng chữ cái, chữ số, nhưng với tâm lý lo lắng sợ con bỡ ngỡ, không bằng các bạn, nên chị Hà vừa cho con học lớp 36 buổi trước khi vào lớp 1, vừa học tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ. Do còn nhỏ tuổi, thích vui chơi, nên nhiều khi con chị Hà khóc khi bị mẹ ép học...

Ngay khi con hoàn thành chương trình năm học, anh Lê Văn Chiến, phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên đã tìm lớp học thêm cho con với mong muốn con đủ sức thi vào trường THCS trọng điểm của thành phố. Anh Chiến tâm sự: "Tôi biết nhiều khi con mệt mỏi, nhưng vì mục tiêu đặt ra, nên nhiều lúc gia đình cũng liên tục nhắc nhở con cần cố gắng hơn".

Việc làm của chị Hà, anh Chiến là điều dễ hiểu khi xuất phát từ tâm lý mong muốn con có nền tảng kiến thức vững chắc ở các năm học tiếp theo. Tuy nhiên, điều này đã vô tình gây áp lực cho con bởi sau 1 năm học tập căng thẳng và hơn 2 năm phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không được tham gia các động tập thể, vui chơi, con rất mong muốn và cần một mùa hè vui vẻ, bổ ích. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, khi học trước chương trình, trẻ hình thành thói quen học thụ động và giảm hứng thú trong học tập...

Theo các nhà tâm lý, nhà giáo dục, mùa hè là thời gian trẻ cần được nghỉ ngơi một cách phù hợp để tái tạo năng lượng, sẵn sàng cho năm học mới. Nhưng nhiều phụ huynh với tâm lý kỳ vọng vào sự tiến bộ trong học tập của con, mong con đủ năng lực thi vào trường trọng điểm, trường chuyên và lo lắng con mải chơi, quên kiến thức, khó quản lý trong dịp hè nên sẵn sàng đầu tư cho con tham gia nhiều khóa học gồm cả các môn văn hóa và năng khiếu, tiếng Anh, kỹ năng sống... mà chưa quan tâm nhiều đến năng lực, năng khiếu, cảm xúc, tâm lý, sở thích khiến trẻ cảm thấy bị áp lực.

Cô giáo Nguyễn Thị Hợi, giảng viên môn Tâm lý học, Trường cao đẳng Vĩnh Phúc cho biết: “Bị ép học hoặc lịch học dày đặc, không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn khiến trẻ áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, chán học, sợ học, nhất là đối với những học sinh có học lực trung bình hay yếu, kém. Nghiêm trọng hơn, áp lực học tập có thể gây những hệ lụy không mong muốn về mặt tâm lý của trẻ như lo âu, trầm cảm, suy nhược, rối nhiễu tâm lý…”.

Thực tế, nhiều năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm các nhà trường, giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong dịp hè. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh học sinh và nhiều yếu tố khác, việc cho trẻ đi học hè vẫn được thực hiện theo hình thức kèm học từng nhóm nhỏ hoặc các chương trình học tiếng Anh, rèn kỹ năng sống... tại các trung tâm.

Để tránh tình trạng học thêm hè quá tải, không cần thiết, thiếu hiệu quả và gây áp lực cho trẻ, theo các nhà giáo có kinh nghiệm thì các bậc phụ huynh nên cân nhắc kỹ và nhìn nhận toàn diện vấn đề học tập của trẻ trong thời gian nghỉ hè.

Điều quan trọng là cha mẹ phải quan tâm đến sở thích, năng lực, năng khiếu của trẻ và trao đổi, định hướng, động viên trẻ tham gia các chương trình học tập, trải nghiệm dịp hè.

Có thể kết hợp ôn tập kiến thức, học tiếng Anh, học các môn năng khiếu, tham gia các hoạt động thể dục-thể thao, văn hóa-văn nghệ, trải nghiệm, ngoại khóa để trẻ vừa học vừa chơi, từ đó, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện. Đặc biệt, nếu có điều kiện, cha mẹ hãy đồng hành cùng con trong một số hoạt động...

Là Hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Tự, huyện Yên Lạc, anh Trần Văn Tĩnh luôn kết hợp giữa sở thích, đam mê, thế mạnh của con với sự định hướng tích cực của mình để con tham gia chương trình học tập và rèn kỹ năng sống với sự hứng thú.

Hiện tại, mỗi tuần, con trai anh Tĩnh dành 5 buổi để học nhảy, tham gia các chương trình ngoại khóa; thời gian còn lại, có thể đi thả diều, đá bóng, đi bơi, đi chơi với bạn, đọc sách, xem các chương trình tivi yêu thích và tham gia một số công việc vừa sức như quét nhà, nhặt rau, chơi với em…

Được bố mẹ tôn trọng sở thích và có định hướng, em Trần Anh Kiệt, học sinh Trường tiểu học Trung Hà, huyện Yên Lạc cho biết: “3 tháng nghỉ hè, ngoài khoảng thời gian bố mẹ kèm học tại nhà để ôn tập, củng cố kiến thức, em được "cháy hết mình" với những sở thích, đam mê khi tham gia các chương trình trải nghiệm và vui chơi. Điều này giúp em tự tin và vui vẻ hơn trong cuộc sống”.

3 tháng hè là thời gian để trẻ nghỉ ngơi, thư giãn nhằm cân bằng về sức khỏe, tâm lý sau một năm học tập căng thẳng, từ đó, tái tạo năng lượng để bước vào năm học mới. Vì vậy, phụ huynh không nên tạo áp lực học tập cho trẻ mà hãy đồng hành với trẻ trong một số hoạt động; cho trẻ vừa học vừa chơi để phát triển toàn diện.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/78594/khong-tao-ap-luc-hoc-tap-cho-tre-trong-dip-he.html