Không thể xuất khẩu bền vững nếu thiếu công nghệ

'Không thể xuất khẩu bền vững nếu thiếu yếu tố công nghệ'. Đó là lời khẳng định của nhiều hộ trồng sầu riêng tại Đắk Lắk.

Từ vườn cao nguyên đến mã vùng xuất khẩu

Sầu riêng Việt Nam, đặc biệt từ vùng đất đỏ Đắk Lắk, đang bước vào hành trình mới: không chỉ đi xa về địa lý, mà còn tiến sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu nhờ sự đồng hành giữa công nghệ và tinh thần canh tác sạch.

Đắk Lắk được xem là thủ phủ nông nghiệp của Tây Nguyên, đang chuyển mình mạnh mẽ khi những trái sầu riêng đầu mùa được cấp mã số vùng trồng, đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Do áp dụng công nghệ chăm sóc và trồng mới, việc xuất khẩu sầu riêng ở Đắk Lắk ngày càng rộng lối ra

Do áp dụng công nghệ chăm sóc và trồng mới, việc xuất khẩu sầu riêng ở Đắk Lắk ngày càng rộng lối ra

Điều này không đơn thuần là "bán được hàng ra nước ngoài", mà là kết quả của sự đổi mới tư duy canh tác, ứng dụng công nghệ số và sự hỗ trợ thực chất cho nông dân.

Cụ thể, không còn cảnh "trồng đại, bán đổ", nhiều hộ nông dân ở Đắk Lắk đã được hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn sản xuất sạch, hướng dẫn truy xuất nguồn gốc, và kết nối tiêu thụ bài bản.

Các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương cũng đồng hành cùng bà con nông dân triển khai những mô hình "từ vườn đến bàn ăn", kiểm soát chặt từ giai đoạn ra hoa, đậu trái đến sơ chế và đóng gói.

Theo báo cáo, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 38,8 nghìn hecta sầu riêng, trong đó diện tích cho thu hoạch 22,6 nghìn hecta, sản lượng dự kiến năm 2025 ước đạt khoảng 400 nghìn tấn, tăng 100 nghìn tấn so với năm 2024.

Sầu riêng Đắk Lắk vào vụ thu hoạch

Sầu riêng Đắk Lắk vào vụ thu hoạch

Toàn tỉnh có 266 vùng trồng với 7.400ha, chiếm gần 33% diện tích sầu riêng cho thu hoạch và chiếm 74% trên diện tích sầu riêng trồng thuần. Có 39 cơ sở đóng gói sầu riêng quả tươi được phía Trung Quốc cấp mã số và 11 đơn vị được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng đông lạnh...

Không thể xuất khẩu bền vững nếu thiếu công nghệ

Không thể xuất khẩu bền vững nếu thiếu yếu tố công nghệ. Tại nhiều vùng trồng sầu riêng ở Đắk Lắk, các hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, phần mềm quản lý mùa vụ, và nền tảng số hóa truy xuất đã được áp dụng.

Đặc biệt, mô hình liên kết giữa các đơn vị trẻ và hợp tác xã đang ứng dụng mã QR định danh trái sầu, tích hợp nhật ký canh tác và công khai tiêu chuẩn bảo quản, giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế kiểm tra thông tin chỉ bằng một cú quét.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Đắk Lắk chia sẻ: "Chúng tôi không làm thương mại đơn thuần. Chúng tôi đang đi cùng nông dân từ gốc để cùng nhau tạo ra sản phẩm xứng đáng với giá trị Việt Nam. Việc trái sầu riêng Việt được người tiêu dùng nước ngoài lựa chọn không còn là chuyện hiếm, nhưng điều đáng nói là chúng ta đang chứng minh rằng người Việt có thể làm nông nghiệp bài bản, sạch, và đủ tầm nhìn hội nhập. Nếu mã vùng trồng chính là tài sản, lý lịch của người trồng thì trong đó, công nghệ chế biến sẽ giúp giảm thiểu được 50% rủi ro".

Để sầu riêng thực sự vươn tầm thế giới, cần hành động đồng bộ từ sản xuất sạch, chuẩn hóa kỹ thuật, truy xuất minh bạch đến kiểm soát chặt chuỗi cung ứng

Để sầu riêng thực sự vươn tầm thế giới, cần hành động đồng bộ từ sản xuất sạch, chuẩn hóa kỹ thuật, truy xuất minh bạch đến kiểm soát chặt chuỗi cung ứng

Ông Lê Anh Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm qua, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đã có bước phát triển thần tốc, khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

Để sầu riêng Việt Nam thực sự vươn tầm thế giới, theo ông Trung, xuất khẩu bền vững, không còn cách nào khác ngoài sự hợp lực, đồng lòng và kiểm soát toàn diện và minh bạch từ gốc đến ngọn.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Trung cho rằng cần tập trung nâng cao nhận thức, siết chặt kiểm soát nhóm hóa chất và kim loại nặng, chủ động nói "không" với chất cấm trong nông nghiệp, mỗi vườn trồng đều chủ động kiểm soát chặt chẽ trước khi hàng hóa rời khỏi vườn.

Ngoài ra, cần nhấn mạnh vai trò của phòng xét nghiệm là chốt chặn sớm và cực kỳ quan trọng cuối cùng trong chuỗi kiểm soát an toàn. Tất cả các lô hàng đều phải được xét nghiệm, đánh giá đạt chuẩn trước khi rời khỏi vườn trồng.

Mặt khác, phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc minh bạch từng trái sầu riêng xuất khẩu. Xây dựng, nhân rộng ít nhất 15 chuỗi sản xuất, đóng gói, xuất khẩu "luồng xanh", tạo hình mẫu cho toàn ngành hàng và lan tỏa khắp các vùng trồng trên cả nước.

Sở Nông nghiệp - Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh đã chỉ đạo triển khai chương trình hành động nói "không" với chất cấm để đặt mục tiêu niên vụ sầu riêng năm nay Đắk Lắk không có đơn hàng bị nhiễm cadimi, vàng O phải trả về. Để làm được điều đó, việc kiểm nghiệm dư lượng phải được đặt lên hàng đầu để kiểm soát các chất cấm.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/khong-the-xuat-khau-ben-vung-neu-thieu-cong-nghe-235082.html